Xẻ núi, phá rừng, phế thải ngổn ngang

Phế thải nằm ngổn ngang cạnh đền Thượng
Phế thải nằm ngổn ngang cạnh đền Thượng
TPO – Du khách đến đền Trung, Thượng trong khu vực quần thể di tích Đền Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh (Việt Trì, Phú Thọ), không khỏi choáng vì cảnh xẻ núi, phá rừng, đổ phế thải ngổn ngang.

Rừng Quốc gia Đền Hùng có diện tích 538 ha, với hệ thực vật đa dạng, nhiều loại gỗ quý có tên trong sách đỏ Việt Nam. Các loại cây gỗ quý tập trung vào khu vực 32 ha bao trùm núi Hùng tạo nên bức tranh sinh thái nâng cao giá giá trị khu di tích Đền Hùng.

Từ đền Thượng, chúng tôi đi về hướng bên phải, thấy một đống phế thải hàng chục tấn, nằm ngổn ngang. Từ đống phế thải xuống là con đường rộng khoảng 3 mét. Lần theo con đường này, phóng viên phát hiện nhiều thân cây bị chặt hạ; nhiều gạch, cát, sỏi, thậm chí có những phiến đá nặng hàng tấn nằm ngổn ngang.

Đi hết con đường, khoảng 300 mét, xuống tới chân núi, chúng tôi thấy một bức tường bị đục thủng, để chuyển vật liệu.

Bức tường bao bị đục để chuyển vật liệu
Bức tường bao bị đục để chuyển vật liệu.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Giám đốc Ban quản lý khu di tích Đền Hùng cho biết, rừng Quốc gia Đền Hùng là rừng đặc dụng, gắn liền với khu di tích đền Hùng, nên phải được bảo vệ nghiêm ngặt.

Quy định bảo vệ rừng, bảo vệ khu di tích nêu rõ: Dù chặt một cành cây cũng phải báo cáo chủ tịch UBND tỉnh. Cây chết, đổ do nguyên nhân khách quan như mưa bão cũng không được cưa, chặt mà phải để chết mục.

Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết, khi thi công Dự án tu bổ tôn tạo đền Thượng, đền Trung (giá trị trên 60 tỷ đồng) nhà thầu (Công ty TNHH Hoàng Dũng và Công ty Cổ phần Tu bổ di tích và Thiết bị văn hóa Trung Ương) đã làm một con đường để vận chuyển vật liệu.

Ông Hùng lý giải, giải pháp nhà thầu đưa ra là chuyển vật liệu theo đường bậc thang, tuy nhiên có những khối đá lớn không thể khiêng theo đường bậc thang mà phải kéo ròng rọc.

Ông Hùng cho rằng: Trước khi làm con đường này, chúng tôi đã chọn giải pháp ít ảnh hưởng đến Khu di tích nhất, chỉ chặt một ít cây thân chỉ bằng cái chén uống nước thôi; thi công xong sẽ phải trả lại hiện trạng ban đầu.

Về vấn đề này, ông Đinh Công Ninh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đền Hùng nói, vì mới về nên không biết việc chặt cây cối trong khu vực đền Hùng. Ông Ninh gọi bà Ngô Thị Toàn - kiểm lâm viên, người trực tiếp giám sát việc xẻ núi làm đường chuyển vật liệu.

Bà Toàn nói: Con đường đó trước đây là khe nước tồn tại từ nhiều năm, không có cây nào mọc ở đó, vì vậy không có cây bị chặt hạ.

Nhiều gốc cây bị chặt phá
Nhiều cây bị chặt hạ, còn lại gốc.

Người dân bức xúc

Anh M (xã Hy Cương, TP Việt Trì, Phú Thọ), cho biết, năm 1982 (khi đó 20 tuổi), M chặt một cây tại khu vực này, liền bị truy tố và xử tù hai năm vì tội phá rừng. Tương tự, anh S ở xã Hy Cương, lên rừng thuộc khu di tích Đền Hùng chặt một cây gỗ, cũng bị giam ba tháng vì tội xâm hại di tích lịch sử.

Người dân nơi đây bức xúc, người chặt một cây bị xử phạt hai năm tù, còn những người chặt hàng trăm cây, làm nát cả một góc rừng thiêng thị lại ngoài vòng pháp luật?

Theo Viết
MỚI - NÓNG