“Xẻ thịt” đất lâm trường ở Bắc Giang: Nhiều vấn đề chưa được làm rõ

“Xẻ thịt” đất lâm trường ở Bắc Giang: Nhiều vấn đề chưa được làm rõ
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Sở NN&PTNN tỉnh Bắc Giang đã có kết luận thanh tra về vụ "xẻ thịt" đất lâm trường Lục Ngạn. Tuy nhiên, kết luận vẫn còn chung chung, chưa quy được trách nhiệm rõ ràng đến từng cá nhân.

Tiền Phong ngày 25/3/2005, có bài “Lục Ngạn (Bắc Giang): Đất lâm trường bị “xẻ thịt””. Ngày 1/4/2005, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 1653/VPCP-V.II về phản ánh của báo Tiền Phong, gửi UBND tỉnh Bắc Giang.

Theo công văn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Bắc Giang kiểm tra, làm rõ và báo cáo kết quả vụ việc lên Thủ tướng.

Ngày 4/4/2005, Sở NN&PTNT cùng với Sở TNMT, UBND huyện Lục Ngạn, UBND xã Nghĩa Hồ có mặt tại lâm trường Lục Ngạn để tiến hành xác minh làm rõ vụ việc.

Kết quả kiểm tra cho thấy, diện tích đất lâm nghiệp khu vực văn phòng của lâm trường Lục Ngạn được giao quản lý là 45,4 ha. Trong quá trình phát triển, một số hộ có nguyện vọng mượn đất sản xuất ổn định cuộc sống, chuyển gia đình lên ở cùng để yên tâm công tác. Lâm trường đã cho các hộ CBCNV mượn đất để phát triển kinh tế từ những năm trước đây, dần dần hình thành làng Lâm Trường như hiện nay.

Số diện tích lâm trường đã cho 217 hộ mượn là 41,37 ha, thực tế hiện nay lâm trường chỉ quản lý sử dụng 4,03 ha. Việc 130 hộ dân thôn Lâm Trường đề nghị cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ đỏ là do nguyên nhân chờ chuyển đổi sắp xếp lại lâm trường quốc doanh trên địa bàn nên không trả lại đất cho địa phương để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ.

Việc Lâm trường Lục Ngạn cho Cty TNHH Thành Sơn thuê 2.379 m2 đất là không đúng thẩm quyền, vì theo điều 109 Luật Đất đai quy định thì lâm trường không có quyền cho thuê quyền sử dụng đất đã được Nhà nước giao. Do vậy, lâm trường phải huỷ bỏ hợp đồng thuê đất trái thẩm quyền.

Sở yêu cầu lâm trường cùng với Cty TNHH Thành Sơn thống nhất cách giải quyết trên cơ sở hướng dẫn của Sở NN&PTNT, Sở TNMT để đảm bảo đúng quy định của pháp luật.

Báo cáo của Sở cho thấy, một số hộ không phải là CBCNV lâm trường ở trên đất của lâm trường là do một số hộ CBCNV lâm trường đã nghỉ hưu chuyển về quê, hoặc chuyển công tác đã chuyển nhượng lại vườn cây cho các hộ như hiện nay.

Mặt khác, từ những năm 1995 (25/5/1995) lâm trường Lục Ngạn có phương án cho một số CBCNV của lâm trường và cán bộ của sở, ban ngành mượn, sau được giao đất ghi trong hồ sơ các hộ này sẽ phải trả lại đất cho lâm trường (nếu không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo quy định của Luật Đất đai); không phải lâm trường đã chuyển nhượng cho một số CBCNV.

Việc thu hồi sân bóng đã tồn tại hàng chục năm nay “của thôn” làm vườn ươm như báo nêu là có.

Mặc dù đã có kết luận thanh tra của Sở NN&PTNT Bắc Giang, tuy nhiên vẫn còn chung chung, chưa quy được trách nhiệm rõ ràng đến từng cá nhân. Trong kết luận thanh tra vẫn chưa trả lời được các câu hỏi: Việc lâm trường Lục Ngạn tự ý ký kết hợp đồng kinh tế với Cty TNHH Thành Sơn trái với quy định của pháp luật, ai là người phải chịu trách nhiệm?

Hiện, Cty TNHH Thành Sơn đã xây dựng tường, nhà xưởng kiên cố bằng bê tông, việc giải quyết thế nào cũng không được giải trình cụ thể, mà chỉ mập mờ: “thống nhất cách giải quyết...”(?).

Theo quy định của pháp luật, nếu CBCNV có đất tại lâm trường mà hiện không sinh sống, đã nghỉ hưu, hoặc chuyển công tác khác... phải trả đất lại cho lâm trường, vậy tại sao nhiều cán bộ đã chuyển công tác từ lâu mà vẫn không chịu trả đất? Tại sao những “chủ đất” này vẫn có tên trong danh sách “dự kiến” cấp sổ đỏ với diện tích lớn?

Kết luận cho rằng, “những vườn ươm trước đây hoạt động không hiệu quả đã bị lâm trường bán là không có...”, vậy diện tích đất một số vườn ươm từng tồn tại trên đất thôn Lâm Trường, hiện sử dụng vào mục đích gì, ai quản lý, cũng chưa được xác minh, làm rõ (?)...

MỚI - NÓNG