Xẻ thịt khu bảo tồn thiên nhiên

Những cây gỗ lớn bị chặt hạ tại khu vực Huồi Pá Hạ, Khe Oi thuộc khu vực vùng lõi Khu Bảo tồn Quốc gia Pù Huống.
Những cây gỗ lớn bị chặt hạ tại khu vực Huồi Pá Hạ, Khe Oi thuộc khu vực vùng lõi Khu Bảo tồn Quốc gia Pù Huống.
TP - Gỗ quý trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đang bị chặt phá. Những cây gỗ lớn bị chặt hạ ngổn ngang rồi được xẻ thành từng tấm kéo ra khỏi rừng già...

Để thâm nhập vào vùng rừng đang bị chặt phá, qua giới thiệu của người quen, PV Tiền Phong được một người đi rừng lâu năm dẫn vào khu vực Huồi Pá Hạ, Khe Oi (thuộc xã Châu Hoàn, huyện Quỳ Châu, Nghệ An), Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.

 Đến khu vực bản Nợt Trên (xã Châu Hoàn, Quỳ Châu). Những ngọn núi ở đây không còn bóng dáng của rừng. Thay vào đó là những khoảng đất loang lổ vì vừa bị đốt hạ xen lẫn với cây keo đã bén đất.

Tiếp tục đi sâu vào rừng, xuất hiện trên đường những rãnh sâu kéo dài do trâu kéo gỗ đi qua. Những rãnh này mòn đến mức tạo thành những con mương nhỏ dọc đường mòn trên đồi. Chạm đến đất khu vực Huồi Pá Hạ, những gốc sến, táu mật, táu trắng lớn 3-4 người ôm bị phạt tận gốc nằm ngổn ngang. 

Dọc con đường vào rừng chúng tôi bắt gặp hàng chục điểm tập kết gỗ vừa mới được xẻ đang trên đườn vc cxzxg kéo ra khỏi rừng. Càng vào sâu khu vực rừng vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, tình trạng chặt phá càng nhiều hơn. Dọc từ Huồi Pá Hạ đi sâu vào Khe Oi, hàng trăm cây sến, táu mật, táu trắng bị chặt hạ ngổn ngang.

Tại khu vực Khe Oi, mật độ cây bị chặt phá còn nhiều hơn cả tại Huồi Pá Hạ. Nhiều cây sến, táu mật đã được cắt, xẻ thành phiến nằm ngổn ngang.

Lần theo hướng tiếng cưa máy, chúng tôi bắt gặp cây rừng hàng trăm năm tuổi bị cưa đổ ngã; nhiều cây gỗ lớn bị chặt hạ chưa được xẻ thành tấm, che đậy tạm bợ bằng những cành cọ. 

Người dẫn đường cho biết, số cây này chờ nước khe lên để chuyển ra khỏi rừng. Trên đường đi về, tịnh không thấy bóng dáng của một nhân viên kiểm lâm hay quản lý rừng.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống thành lập năm 2001 nằm trong Khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An. Diện tích rừng được giao quản lý 49.806ha gồm lâm phần của 12 xã thuộc 5 huyện vùng núi cao Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương và Con Cuông (tỉnh Nghệ An), có trữ lượng gỗ 377 triệu m3; hệ thực vật ở đây gồm 612 loài, thuộc 117 họ, với 33 loài thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ quốc gia.

MỚI - NÓNG