Paris xanh ký sự - Bài 2:

Xem người Pháp xây chung cư ở Paris

Người dân Paris tới Trung tâm thông tin khu đô thị sinh thái Clichy-Batignolles để tìm hiểu về các căn hộ nơi đây. Ảnh: Việt Hùng
Người dân Paris tới Trung tâm thông tin khu đô thị sinh thái Clichy-Batignolles để tìm hiểu về các căn hộ nơi đây. Ảnh: Việt Hùng
TP - Tôi leo lên sân thượng một tòa nhà 9 tầng đang xây dở tọa giữa quận 13 Paris.  Mùi phân bò trộn lẫn với đất tơi dày cả mét bốc lên nồng nặc. Hóa ra họ trồng cây xanh cổ thụ trên sân thượng. Tôi tới khu phố sinh thái dùng toàn năng lượng tái tạo nằm ở quận 17 Paris sắp hoàn thành, gạch lát vỉa hè thi thoảng lại không kín mạch, hở toang hoác. Mới biết họ cố tình làm vậy để cho nước mưa ngấm xuống đất, bổ sung cho nguồn nước ngầm. Một xu thế mới, một mô hình mới trong kiến trúc và quy hoạch đô thị đang hiển hiện giữa Paris!

Triết lý xây nhà kiểu Pháp

Một trong những triết lý xây dựng của các kiến trúc sư Pháp tại AFEX (Hiệp hội Xuất khẩu kiến trúc Pháp, thành lập từ năm 1901 với 200 tổ chức thành viên) mà chúng tôi gặp tại Paris là: Tận dụng triệt để hai thứ miễn phí luôn có sẵn trong thiên nhiên, đó là ánh sáng và quang cảnh xung quanh. Chả thế mà cái tòa nhà văn phòng 9 tầng đang xây dựng giữa quận 13 Paris “tấc đất tấc vàng” này bỗng dưng bị khoét rỗng đi một mảng to tướng ở chính giữa mặt tiền. Người ta toan tính để cái tòa nhà không lù lù che khuất cảnh quan của dòng sông Seine thơ mộng uốn quanh cùng kiến trúc mái vòm của một bệnh viện cổ kính phía sau! Được biết, công trình này sẽ là trụ sở chính của Natixis - một công ty về tài chính, ngân hàng lớn của Pháp.  Quận 13 cũng là quận đông người Việt làm ăn, buôn bán nhất Paris.

Chúng tôi leo lên nóc tầng 9 của tòa nhà vừa xây xong phần thô cùng vị kiến trúc sư trưởng công trình, mùi phân bò tươi đang phân hủy trộn với đất dày cả mét bốc lên nồng nặc. Hóa ra, tầng thượng quý giá này được thiết kế để trồng các cây xanh loại lớn y như trồng trên đường phố hẳn hoi. Tôi được dịp biết thêm một tiêu chuẩn nữa cho những công trình xây dựng mới ở Paris: Phủ xanh nóc nhà bằng cây xanh! Thêm một điều đặc biệt nữa, tòa nhà đồ sộ này không có móng, bởi phía dưới vẫn là một ga tàu điện cổ kính, cả chục chuyến tàu vẫn ngược xuôi xuyên qua gầm tòa nhà.

Xem người Pháp xây chung cư ở Paris ảnh 1

Nóc tòa nhà 9 tầng phủ đầy đất để trồng cây xanh. Ảnh: Việt Hùng.

Chính vì vậy, nó được xây lên từ 5 dãy hàng cột chống đâm thẳng xuống nền ga tàu. Lại thêm một bài học quý giá về việc bảo tồn cái cũ mà vẫn xây được cái mới từ người Pháp! Một ví dụ sinh động, một lời giải hoàn hảo cho bài toán khó giữa bảo tồn và phát triển! Vỡ vạc ra một điều, đâu cứ phải đập đi rồi san phẳng, rồi giải phóng mặt bằng như ở ta mới là phát triển. Cái mới không phủ định cái cũ mà cùng cộng sinh và hài hòa phát triển, điều này chí ít cũng quá đúng trong trường hợp này nói riêng và có thể cả trong quy hoạch kiến trúc Paris nói chung? Chả thế mà trong lòng Paris hoa lệ này, suốt nhiều thế kỷ qua vẫn giữ nguyên được dáng vẻ cổ kính và quyến rũ, với những tòa nhà chỉ 4-5 tầng có ban công sắt với hoa văn đặc trưng kiểu Pháp. Những quán cà phê lãng mạn có hàng hiên màu đỏ ấm áp, góc phố nào cũng na ná như đoạn phố Ngô Quyền nơi có khách sạn Metropole ở Hà Nội vậy.

Khu đô thị mới không phát thải cacbon

Vậy kiến trúc mang dấu ấn những năm đầu thế kỷ 21 của Paris là gì? Theo tôi, đó chính là khu đô thị sinh thái Clichy-Batignolles nằm trên quận 17, một khu đô thị rộng 54 ha ở phía Tây Bắc Paris, một dự án được khởi động từ năm 2002 nhằm thể hiện hoài bão và tầm nhìn của Tòa thị chính Paris về một sự phát triển bền vững cho thủ đô. Dự kiến quá trình xây dựng Clichy-Batignolles sẽ hoàn tất vào năm 2020.

Xin dừng một chút để nói về khái niệm “đô thị bền vững” của các kiến trúc sư Pháp thuộc AFEX. Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của đô thị. Hiện nay đã có khoảng 50% dân số sống trong đô thị, con số này sẽ tăng lên 60% vào năm 2030. Nên nhớ đến 2050, trái đất sẽ đón thêm 2 tỷ người so với 7 tỷ hiện nay. Với tốc độ mỗi ngày sẽ có thêm một thành phố 150 ngàn dân, mỗi tuần lại mọc thêm một thành phố 1 triệu dân trên hành tinh này, vấn đề sống còn của quy hoạch và kiến trúc đô thị không thể không đặt ra, đó chính là môi trường.  Dù chỉ chiếm có 3% bề mặt trái đất, song các thành phố lại tiêu thụ tới 75% năng lượng sản xuất ra, phát thải tới 60% khí nhà kính và dùng tới 2/3 nguồn nước uống trên trái đất. Một thách thức không nhỏ cho giới kiến trúc, quy hoạch đô thị và các nhà lãnh đạo, đó là làm thế nào để đảm bảo các thành phố có sự hòa hợp và công bằng hơn? Làm thế nào để các công dân đô thị sống tôn trọng và gìn giữ môi trường hơn? Hay nói cách khác là sống bền vững hơn? Không có cách nào khác là phải có một mô hình mới, một tư duy mới về đô thị. Ở nơi đó, con người không chỉ sống tốt với nhau, mà còn phải đảm bảo các yếu tố về phúc lợi, an ninh, sự đoàn kết gắn bó, sống thọ hơn trong một môi trường đầy đủ về văn hóa, giải trí, giáo dục và những điều thú vị khác của cuộc sống. Tóm lại, một không gian sống lý tưởng và chỉ có trong mơ đó, nhất là đối với ai đang sống trong những đô thị ngột ngạt vì ô nhiễm, tắc đường, kẹt xe như tôi, cái tiêu chuẩn sống đó người Pháp gọi là “đô thị bền vững” (sustainable city).

Và giờ đây, khu đô thị mà tôi nghĩ “chỉ có trong mơ” đang hiện diện trước mặt, với khoảng 30% khối lượng công việc đã hoàn thành. Với ý tưởng thiết kế để kết nối và gia tăng giá trị cho các căn hộ nơi đây, vùng lõi rộng tới 10ha của Clichy-Batignolles được dành làm công viên cây xanh, sau đó nhà ở sẽ được xây dựng lên xung quanh khu rừng cây- công viên này. Và năm 2014, công viên mang tên Martin-Luther-King đã được đưa vào sử dụng. Điểm đặc biệt ở khu đô thị này là tất cả các ngôi nhà đều không phát thải khí các-bon, nước nóng và hệ thống sưởi dùng năng lượng địa nhiệt từ dưới lòng đất, 40.000m2 pin mặt trời phủ trên nóc nhà sẽ cung cấp nguồn điện dân dụng và các trạm sạc điện cho ôtô điện trong quận. Ngoài ra, để đảm bảo đúng tiêu chí không phát thải khí các-bon, chỗ đỗ xe trong khu đô thị được thiết kế rất hạn chế, chỉ vỏn vẹn có 600 chỗ dành cho cư dân và 450 chỗ dành cho khách trên tổng số 7.500 cư dân và 12.700 chỗ làm việc, chưa kể khách giao dịch và vãng lai. Riêng khu tòa án Paris sẽ được chuyển về đây đã có tới 8.500 lượt người giao dịch mỗi ngày. Bù lại tuyến tàu điện ngầm số 14 hiện đại nhất Paris, không người lái, sẽ được nối dài tới khu đô thị với 2 nhà ga. Tuyến tàu điện nổi T3 cũng được nối tới đây, ưu tiên phát triển các tuyến đường dành cho xe đạp. Được biết, hiện đã có tới 50% công dân Paris không sở hữu ôtô cá nhân mà dùng phương tiện công cộng hoặc xe đạp để di chuyển.

Để xe thu gom rác đỡ phải chạy lòng vòng quanh đô thị gây phát thải khí các-bon, tất cả các tòa nhà đều có hệ thống thu gom rác tự động bằng đường ống theo phân loại rác tái chế và không tái chế. Chúng được hút với tốc độ lên tới 70km/h về thẳng trung tâm tiền xử lý rác thải, sau đó được nén lại và chuyển tới một thành phố vệ tinh khác, nơi có nhà máy xử lý rác thải. Theo thiết kế, tới năm 2025, hệ thống thu gom rác thải tự động này sẽ phân loại được 3 loại rác, đó là rác tự phân hủy, rác đốt được và không đốt được.

Chắc do biến đổi khí hậu, Paris và nhiều thành phố châu Âu khác giờ đây vào mùa hè cũng có khi nóng khủng khiếp. Chính vì vậy, bà thị trưởng Paris có kế hoạch phủ xanh thủ đô hơn nữa với 100ha cây xanh trong nhiệm kỳ của mình (2014-2019). Và Clichy-Batignolles cũng không là ngoại lệ, ngoài 10ha công viên cây xanh, trên nóc các tòa nhà và bờ tường nơi đây, cùng với 40 ngàn m2 pin mặt trời là 26 ngàn m2 cây xanh. Cây xanh và hồ nước không những có tác dụng hấp thụ CO2, làm mát, mà còn đảm bảo sự đa dạng sinh thái – một tiêu chí của đô thị bền vững.

Xem người Pháp xây chung cư ở Paris ảnh 2

 Gạch lát vỉa hè Paris cố tình để hở cho cỏ mọc để làm chỗ cho nước mưa ngấm xuống đất, bổ sung cho nguồn nước ngầm. Ảnh : Việt Hùng.

Việc xử lý với nước mưa cũng được tính toán rất chi tiết. Nếu để nước mưa không ngấm được xuống đất mà chảy hết xuống cống, nhà máy xử lý nước thải sẽ phải tăng công suất làm việc mà nước ngầm trong lòng đất lại không được bổ sung. Chính vì vậy, khi đi ngay trên vỉa hè được lát gạch của khu đô thị, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp những khoảng hở giữa các viên gạch, cỏ mọc lên xanh rì, đó chính là chỗ để nước mưa thấm xuống đất. Chi tiết này, các vỉa hè Hà Nội nên học theo, không nên lát đá tự nhiên kín mít như hiện nay, vừa góp phần hủy hoại núi đá lại ngăn cản nước mưa ngấm xuống tầng nước ngầm vốn đang tụt giảm nghiêm trọng.

Tôi cứ đinh ninh rằng, một đô thị văn minh và hiện đại giữa lòng Paris là thế, xanh và sạch là thế, làm gì có chỗ cho người nghèo hay người thu nhập thấp? Ấy vậy mà ngược lại, trong tổng số 3.400 căn hộ nơi đây (tất cả đều cùng một tiêu chuẩn về tiện nghi, tiện ích) có tới 50% dành cho nhà ở xã hội, 30% mới để bán và 20% còn lại để cho thuê. Hỏi ra, đây cũng lại là một tiêu chí cho khái niệm “đô thị bền vững”. Đó phải là nơi các tầng lớp xã hội, các lứa tuổi cả già lẫn trẻ được sống đoàn kết, chan hòa, cùng chia sẻ các tiện ích công cộng…

Và thêm một điều ngạc nhiên nữa, chủ đầu tư khu đô thị sinh thái Clichy-Batignolles chính là nhà nước, là tòa thị chính Paris! Chính quyền ra đầu bài và đấu thầu từ thiết kế cho tới thi công, các công  ty tư nhân trúng thầu thực hiện. Như vậy, vai trò định hướng, dẫn dắt xu thế về nhà ở, về lối sống trong các đô thị kiểu mới, đô thị phát triển bền vững trong thế kỷ 21, tất yếu cũng phải do nhà nước. Bởi chỉ có thể chế nhà nước mới đủ sức cân bằng lợi ích, đủ sức và đúng bổn phận chăm lo cho mọi tầng lớp công dân của mình. Đến khi xu thế đã dần phổ biến, tự xã hội và thị trường sẽ làm nốt phần còn lại.

Viết đến đây, tôi chợt nghĩ không biết ở Hà Nội hoặc TPHCM đã có khu đô thị kiểu mẫu nào do chính quyền làm chủ đầu tư chưa? Trong phong trào các công ty tư nhân đua nhau xây khu đô thị, xây nhà chung cư để bán có phần bát nháo hiện nay, thiết nghĩ rất cần có vai trò của nhà nước để làm mẫu và dẫn dắt xu hướng đúng đắn trong kiến trúc đô thị bền vững. Bằng không, những đô thị của chúng ta sẽ mãi manh mún, sẽ khó phát triển bền vững trong một thế giới sẽ có thêm 2 tỷ người trong vài ba thập kỷ tới.

_________________

(còn nữa)

Đón xem bài 3: Công nghệ xanh của người Pháp

Khu đô thi sinh thái Clichy-Batignolles nằm trong quận 17 Paris có diện tích 54ha. Trong đó có 10 ha làm công viên, 3.400 căn hộ, 140.000 m2văn phòng, 120.000 m2 dành riêng cho tòa án và trụ sở chính cảnh sát Paris di dời về, 31.000m2 cửa hàng, 38.000 m2 các tiện ích công cộng, 7.500 cư dân, 12.700 chỗ làm việc. Dự án khởi động từ năm 2002 và sẽ hoàn thành vào năm 2020.
MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.