Xem xét miễn nhiệm ông Đào Đình Bình

Xem xét miễn nhiệm ông Đào Đình Bình
TPCN - Đó sẽ là một trong những nội dung quan trọng trong việc  quyết định vấn đề nhân sự cấp cao của Nhà nước tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội XI, khai mạc vào ngày 16/5 tới đây.
Xem xét miễn nhiệm ông Đào Đình Bình ảnh 1
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI cũng sẽ xem xét việc miễn nhiệm chức Bộ trưởng của ông Đào Đình Bình

Ông Bùi Ngọc Thanh, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết trong cuộc họp báo tổ chức vào chiều 12/5. 

Ông Bùi Ngọc Thanh cho biết: “Đến thời điểm này, ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) mới quyết định hai vấn đề về công tác nhân sự để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9.

Đó là việc bầu Tổng kiểm toán nhà nước do kỳ họp thứ 8 để lại (khi đó, cả hai ứng cử viên cho chức vụ này là ông Trần Văn Tá, Thứ trưởng Bộ Tài chính và ông Vương Đình Huệ, Phó Tổng kiểm toán nhà nước đều không đạt được số phiếu quá bán, Quốc hội đã phải ra nghị quyết để ông Đỗ Bình Dương tiếp tục đảm nhận chức vụ Tổng kiểm toán nhà nước cho đến khi bầu được người giữ chức vụ Tổng kiểm toán- PV) và Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã trình Quốc hội miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ GT-VT của ông Đào Đình Bình”.

 “Quốc hội vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ trình những phương án nhân sự khác trong thời gian tới”- ông Thanh nói thêm.

Tiếp đó, ông Bùi Ngọc Thanh đã trả lời nhiều câu hỏi của báo giới.

TTVN: Tại kỳ họp này, Quốc hội có xem xét tư cách đại biểu Quốc hội (ĐBQH) của ông Đào Đình Bình?

Việc xem xét tư cách ĐBQH của ĐBQH do địa phương giới thiệu phải dựa trên đề nghị của MTTQ cấp địa phương. Ông Đào Đình Bình là ĐBQH do Trung ương giới thiệu nên phải có ý kiến đề nghị của ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam thì ủy ban TVQH mới xem xét và trình Quốc hội.

TTVN: Khi Quốc hội bầu các chức danh cao cấp của nhà nước có đưa ra từ hai ứng cử viên trở lên để các ĐBQH lựa chọn hay vẫn giới thiệu một để bầu một?

Việc làm nhân sự ở Quốc hội tuân theo trình tự phải miễn nhiệm người đang giữ một chức vụ nào đó rồi mới giới thiệu nhân sự mới thay thế để Quốc hội xem xét, quyết định và những người khác có quyền ứng cử.

TTVN: Trường hợp ông Cù Huy Hà Vũ tự ứng cử vào chức Bộ trưởng Bộ VH-TT có được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này?

Ủy ban TVQH đã chuyển đơn tự ứng cử chức Bộ trưởng Bộ VH-TT của ông Cù Huy Hà Vũ sang Thủ tướng Chính phủ theo đúng luật định. Nếu sau khi xem xét, Thủ tướng quyết định trình ra Quốc hội rằng ông Cù Huy Hà Vũ là ứng cử viên chức vụ Bộ trưởng Bộ VH-TT thì Quốc hội sẽ xét.

Lao động: Nhiều ủy viên TVQH nói rằng nên để những người được dự kiến nhân sự cấp cao kỳ này trình bày chương trình hành động của mình trước Quốc hội, vậy việc này có được thực hiện tại kỳ họp thứ 9?

Trong chương trình kỳ họp, chúng tôi đã sắp xếp thời gian, khoảng 10-15 phút mỗi người,  để các ứng cử viên vào một số chức vụ trình bày với các đại biểu Quốc hội về chương trình làm việc của mình để ĐBQH biết được dự kiến công việc cũng như khả năng của người đó.

Nhưng hiện nay chưa biết số ứng cử viên vào các chức danh nhiều hay ít. Trường hợp  có hai ứng cử viên vào một chức vụ thì cả hai người đều được trình bày về dự kiến chương trình công tác của mình và các ĐBQH có thể tranh luận, góp ý về chương trình hành động của bất kỳ người nào là ứng cử viên.

Tuổi trẻ TP HCM: Việc xem xét trách nhiệm của các bộ liên quan trong vụ án PMU 18 ở Bộ GT-VT có được đưa ra xem xét tại kỳ họp Quốc hội lần này?

Ủy ban TVQH vừa giao cho tôi làm việc với Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao về việc này. Ông Đoàn Mạnh Giao cho biết khi đi tiếp xúc với cử tri, nhiều thành viên Chính phủ đã nghe cử tri phản ánh việc này và Chính phủ có cùng cái nhìn với ủy ban TVQH.

Vì thế, tại kỳ họp thứ 9 này, bên cạnh báo cáo chung của Bộ KH-ĐT về việc quản lý, phân bổ các khoản vốn đầu tư lớn sẽ có các báo cáo thành phần như: kết luận điều tra bước đầu về vụ PMU 18; báo cáo của Bộ GT-VT về PMU 18 và cá nhân ông Nguyễn Việt Tiến; báo cáo của Bộ Tài chính về quản lý vốn đầu tư và trách nhiệm của bộ này.

Bên cạnh đó, còn các báo cáo khác như vụ Nguyễn Lâm Thái lừa đảo; vụ việc cầu Văn Thánh 2 và hầm đường bộ; vụ tiêu cực trong ngành dầu khí ở công trình cảng Thị Vải; báo cáo về việc một quan chức cấp Thứ trưởng để quên chiếc cặp tại sân bay trong đó có nhiều phong bì tiền; báo cáo về những tiêu cực tại Thanh tra Chính phủ.

Hữu Khôi (ghi)

Cho ý kiến và thông qua 23 dự án luật

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 10 dự án luật bao gồm: Luật điện ảnh; Luật kinh doanh bất động sản; Luật bảo hiểm xã hội; Luật luật sư; Luật hàng không dân dụng Việt Nam; Luật công nghệ thông tin; Luật phòng chống HIV/AIDS (các dự án này đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp lần thứ 8); Luật tiêu chuẩn hoá; Luật trợ giúp pháp lý; Luật chứng khoán (3 dự án này sẽ được Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại một kỳ họp).

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến về 13 dự án luật khác, bao gồm: Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Luật quản lý thuế; Luật dạy nghề; Luật bình đẳng giới; Luật đê điều; Luật thể dục thể thao; Luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Luật về hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật lao động; Luật cư trú; Luật chuyển giao công nghệ; Luật công chứng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội.

Cũng tại kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội sẽ nghe báo cáo về việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo Luật đất đai; việc các cơ quan tiến hành tố tụng ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện thẩm quyền mới theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Bộ luật tố tụng dân sự; tình hình thực hiện Pháp lệnh dân quân tự vệ và Pháp lệnh dự bị động viên; tình hình thực hiện pháp luật về dân số, người cao tuổi và người tàn tật.

Quốc hội cũng sẽ thực hiện các công việc thường niên khác như chất vấn và trả lời chất vấn; nghe Chính phủ  báo cáo việc triển khai nhiệm vụ và ngân sách nhà nước năm 2006; xem xét và cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2006-2010...

MỚI - NÓNG