Xén dải phân cách để giảm ùn tắc: Loay hoay với các giải pháp tình thế

Sau Nguyễn Chí Thanh-Trần Duy Hưng đường Vành đai 3 tiếp tục được xén dải phân cách.
Sau Nguyễn Chí Thanh-Trần Duy Hưng đường Vành đai 3 tiếp tục được xén dải phân cách.
TP - Trước tình trạng giao thông ùn tắc kéo dài, thành phố Hà Nội đồng ý để Sở GTVT xén hàng loạt dải phân cách để mở rộng lòng đường. Nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế và đang làm cho giao thông trên nhiều tuyến phố rối thêm.

Với 3 làn xe mỗi chiều và dải phân cách được trồng cỏ, cây xanh rộng từ 8 đến 13 mét, hàng chục năm qua chục đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng được đánh giá là tuyến đường đẹp nhất Hà Nội. Tuy nhiên, hơn một tháng qua, toàn bộ dải phân cách trên tuyến đường này bị san ủi, xén bỏ gần hết. Theo thông báo của Sở GTVT (đơn vị thực hiện), từ ngày 8 đến 31/1 Sở GTVT Hà Nội thực hiện dự án: Xén dải phân cách mở rộng mặt đường Nguyễn Chí Thanh (đoạn từ nút giao đường Láng đến nút giao Đê La Thành) kết hợp chỉnh trang cây cảnh, thảm cỏ trên dải phân cách đường Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh. Hiện tại, tuyến đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng đã được mở rộng thêm từ 2 đến 4 mét mỗi chiều, dải phân cách chỉ còn rộng vài mét với những gờ bê tông và gốc cây mới trồng. Sở GTVT Hà Nội cho biết, đến nay dự án trên đã thực hiện cơ bản xong và liên ngành cũng đang triển khai phân luồng, tổ chức lại giao thông.

Cuối tuần qua Sở GTVT Hà Nội cũng vừa có thông báo, UBND thành phố Hà Nội chấp thuận cho Sở triển khai dự án xén dải phân cách giữa nhằm giảm ùn tắc cho đường vành đai 3 trong đó có trục giao thông chính như Khuất Duy Tiến, nút giao vành đai 3 - Trần Duy Hưng. Theo đó, trên cơ sở mặt bằng dải phân cách hiện có (tương đương với 4 làn xe) của đường Vành đai 3 dưới thấp, Sở GTVT sẽ thực hiện xén dải phân cách để mở rộng hai bên đường Khuất Duy Tiến, dự án đảm bảo cho mỗi chiều đường Khuất Duy Tiến có bề rộng từ 12 đến 20 mét. Thời gian thực hiện dự án trong năm 2018.

Theo nhiều chuyên gia giao thông, quy hoạch trong bối cảnh lượng phương tiện tăng cao, các tuyến đường đang bị quá tải thì việc tổ chức, quy hoạch lại hạ tầng là việc cần làm. Tuy nhiên, xén dải phân cách, vỉa hè cần phải xem xét, nghiên cứu thấu đáo, kỹ càng và không phải tuyến phố nào cũng thực hiện được. PGS.TS Doãn Minh Tâm - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông cho rằng, dải phân cách và vỉa hè là một trong những hạng mục hình thành lên một tuyến đường. “Do vậy đã là đường đô thị thì phải có dải phân cách, vỉa hè, thậm chí cấp đường nào sẽ có quy mô dải phân cách, vỉa hè tương ứng. Đơn vị sử dụng, vận hành không thể tùy ý thay đổi”, ông Tâm lưu ý.

 Xén dải phân cách, ùn tắc vẫn xảy ra

Đề cập đến dải phân cách trên trục đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, ông Doãn Minh Tâm cho rằng, ngoài mặt cắt rộng tới 3 làn xe mỗi bên, trục đường trên còn có dải phân cách rộng từ 8 đến 13 mét. Sở dĩ dải phân cách tuyến đường này được bố trí rộng vì đây là tuyến đường trong tương lai còn có các tuyến vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), do vậy khi xây dựng đơn vị thực hiện đã thiết kế dải phân cách rộng nhằm để dự trữ quỹ đất. Đánh giá về việc Sở GTVT Hà Nội vừa xén quỹ đất này để mở rộng đường, ông Tâm cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, sau này các dự án VTHKCC triển khai, tuyến đường lại phải trả đất trở lại.

Về việc xén dải phân cách trên đường vành đai 3 để mở rộng đường Khuất Duy Tiến, ông Tâm bày tỏ ý kiến không đồng tình. Theo ông Tâm, ngoài tạo cảnh quan, môi trường với những thảm cỏ xanh ở gầm đường trên cao, sở dĩ tuyến đường đang có dải phân cách giữa rộng và không bố trí đường cho phương tiện đi vào là cứ 2 đến 3 km đường trên cao lại có một nhánh lên xuống, các nhánh lên xuống này chiếm trọn dải phân cách bên dưới. Do vậy, để đảm bảo không tạo xung đột giao thông và an toàn cho các phương tiện, thiết kế tuyến đường (Tư vấn Nhật Bản) đã bố trí toàn bộ phần diện tích dưới gầm cầu cạn làm dải phân cách. Nay nếu đơn vị sử dụng, vận hành xén sâu vào để mở rộng đường hai bên sẽ tạo xung đột theo kiểu đi vào gầm cầu rồi lại đi ra, hơn nữa khi gặp các nhánh lên xuống, đường bên dưới không những không được mở rộng mà còn tạo nút thắt cổ chai.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quang Đạo - Hội Cầu đường Việt Nam cho rằng, để lưu thoát nhanh, phương tiện đi lại trên đường cần tạo thành dòng chảy thẳng như nước chảy. Ông Đạo cũng không tán thành việc tổ chức giao thông phương tiện cứ phải rẽ ngang, rẽ dọc rồi mới đến được đích cần đến. Lưu thông như vậy không những nguy hiểm mà còn làm kéo dài thời gian phương tiện lưu trú trên đường, do vậy việc tổ chức “bịt” các ngã ba, ngã tư hiện nay tại nhiều tuyến phố cũng cần phải xem lại. Với việc xén dải phân cách, vỉa hè trên nhiều tuyến phố, ông Đạo cho rằng, thực chất là đường không hề được mở rộng mà còn tạo nên những nút thắt cổ chai, gây xung đột giao thông. Thực tế, tuy mở rộng được vài mét nhưng khi phương tiện lưu thông đến các cầu vượt hoặc nhánh lên xuống trên đường Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Vành đai 3 nhưng vẫn phải “co” lại để lên hoặc tránh cầu vượt.

TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, để giải quyết căn bản vấn đề ùn tắc cần phải có giải pháp “bắt” đúng bệnh là thực hiện nghiêm túc quy định không cho xây nhà cao tầng trong nội đô và di dời có hiệu quả các trụ sở, cơ quan ra khu vực ngoại thành. Các giải pháp “bịt” ngã ba, ngã tư và xén vỉa hè Hà Nội làm cả chục năm nay đã không còn phát huy nhiều hiệu quả. Thực tế, với trục đường Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, tuy đã mất cả dải phân cách và biệt danh tuyến đường đẹp nhất Thủ đô nhưng giao thông hiện nay cũng không được cải thiện khi ùn tắc kéo dài vẫn xảy ra.

MỚI - NÓNG