Xét tố cáo nặc danh như 'đãi cát tìm vàng'

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng phát biểu tại hội trường Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng phát biểu tại hội trường Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Vấn đề tố cáo và giải quyết tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo (tố cáo nặc danh) gây nhiều tranh luận tại phiên thảo luận về dự luật Tố cáo, sáng 18-11. Một số ĐB cho rằng, tố cáo nặc danh là một nguồn tin quý - nhưng giống như 'vàng trong cát'.
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng phát biểu tại hội trường Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng phát biểu tại hội trường Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

ĐB Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) và một số ĐB cho rằng, nên quy định chủ thể tố cáo là công dân như quy định trong Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành. Bởi tố cáo là hành vi làm phát sinh những hậu quả pháp lý, trách nhiệm gắn với cá nhân. Người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi tố cáo của mình. Trường hợp tố cáo sai sự thật thì phải có biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự. Vì vậy, không nên mở rộng chủ thể tố cáo là tổ chức vì sẽ rất khó quy trách nhiệm cho từng cá nhân khi tố cáo sai.

Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng có cách nhìn khác: “Bây giờ doanh nghiệp bị nhũng nhiễu, chẳng lẽ lại không có quyền tố cáo và Quốc hội chấp nhận việc đó là coi như bỏ đi một kênh rất quan trọng. Tôi thấy đây là vấn đề cần phải nghiên cứu”.

Báo cáo của Chính phủ năm 2010 phân tích: Trong 6.681 vụ việc tố cáo thì có 912 tố cáo đúng, bằng 13,3%, có 1.945 tố cáo có đúng, có sai, bằng 28,6%, có 4.025 tố cáo sai, bằng 58,5%. 

Về tố cáo nặc danh, ĐB Nguyễn Thị Sáng (Tiền Giang) nói, luật hiện hành không xem xét, giải quyết loại tố cáo này. Quy định đó đề cao trách nhiệm của người tố cáo, hạn chế lợi dụng tố cáo sai sự thật, gây mất đoàn kết nội bộ. “Nguyên nhân do người tố cáo sợ bị trù dập. Dự thảo luật đã dành hẳn một chương quy định bảo vệ người tố cáo, vì vậy thống nhất quy định người tố cáo phải nêu rõ họ tên, địa chỉ của mình”- ĐB Sáng nói.

ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) phân tích, nhiều người băn khoăn về tố cáo nặc danh nhưng trong thực tế quản lý, thông tin đó rất đáng quý. Tố cáo qua điện thoại, đường dây nóng… và tố cáo nặc danh về cơ bản là giống nhau. Trong không ít trường hợp, không có cách nào khác để biết được sai phạm xảy ra ngoài thông tin tố cáo đó.

“Có một đống cát mà có một thỏi vàng, tôi sẵn sàng đãi để tìm thỏi vàng ấy. Cho nên, tôi đề nghị xem xét tất cả nguồn thông tin chúng ta có được”, ông Xuân nói.

ĐB Lưu Thị Chi Lan (Vĩnh Phúc) cho rằng, trên thực tế đã có trường hợp người tố cáo bị trả thù, người vi phạm thì không bị xử lý. Do vậy, nhiều người không dám tố cáo. Nhưng không thể phủ nhận, mặc dù luật không công nhận, hình thức tố cáo nặc danh vẫn đang rất phổ biến. “Luật cần quy định trường hợp tố cáo nặc danh có nội dung rõ ràng, có bằng chứng và có cơ sở xem xét thì vẫn cần được thụ lý. Tất nhiên, phải hết sức thận trọng, chặt chẽ” - ĐB Lan đề nghị.

MỚI - NÓNG