Xin tiền nuôi trẻ mồ côi

Sư cô Thích Nữ Minh Tâm và những đứa trẻ nhận về nuôi tại Niệm Phật đường Mỹ Hóa.
Sư cô Thích Nữ Minh Tâm và những đứa trẻ nhận về nuôi tại Niệm Phật đường Mỹ Hóa.
TP - 10 năm qua, sư cô Thích Nữ Minh Tâm, 38 tuổi, trụ trì Niệm Phật đường Mỹ Hóa (thôn Mỹ Hóa, xã Cát Hanh, huyện Phù Cát, Bình Định) âm thầm nuôi những đứa trẻ còn đỏ hỏn bị bỏ rơi trước cổng chùa.

35 phận đời

Sư cô Thích Nữ Minh Tâm, cho biết: Niệm Phật đường hiện đang nuôi dưỡng 35 người, phần lớn là trẻ em. Những em ở độ tuổi đi học đều được đến trường, có 5 em đang theo học Trung cấp Phật học, 19 em đang học phổ thông các cấp. “Có lẽ đó là cái Duyên. Ngay từ những ngày đầu về Niệm Phật đường đã có những thân phận gửi gắm nơi đây. Ban đầu vài ba trẻ rồi tăng dần lên theo các năm” - sư cô Minh Tâm nhẹ nhàng mở đầu câu chuyện.

35 con người là chừng ấy mảnh đời thương tâm. Lớn có, nhỏ có. Đứa quặt quẹo bệnh tật, đứa mồ côi, đứa bị cha mẹ bỏ rơi khi còn đỏ hỏn…

Thấy cặp gia đình lên thăm chùa, đứa con quấn quýt bên cha mẹ, cô bé Tiểu Nhẫn ngây thơ hỏi “Sao bạn đó có ba mẹ dắt đi chơi mà cha mẹ con không đến đưa con đi chơi?”. Những lúc thế, sư cô chỉ biết ôm cô bé vào lòng, rồi trò chuyện khéo léo lý giải. Tiểu Nhẫn được gửi vào đây khi lên 5 tuổi nên đã thấp thoáng hình ảnh về một gia đình, mình cũng từng được ôm ấp trong vòng tay ba mẹ. Nhưng chẳng hiểu vì lý do gì, cha mẹ chia tay người vào TPHCM lập nghiệp, người lên Tây Nguyên lo cuộc sống mới. Cô bé không nơi nương tựa được gửi vào chùa. Từ bấy đến giờ họ biệt tăm, cô bé vẫn hay ngồi buồn, ánh mắt xa xăm chờ đợi.

“Cực bao nhiêu cũng được, nhìn các em khôn lớn mỗi ngày đó là điều hoan hỉ. Mình còn sức thì sẽ còn lo cho trẻ. Có tình yêu thương và chia sẻ của cộng đồng sẽ giúp các em có tương lai hơn”.

Sư cô Thích Nữ Minh Tâm

Hai chị em Hồ Tâm Minh (10 tuổi) và Hồ Tâm Đạo (2 tuổi) được gửi vào cách đây hơn 1 năm. Hôn nhân tan vỡ, đường ai nấy đi nên gửi ba đứa con vào một chùa ở An Khê (Gia Lai), được một thời gian thì đứa giữa mất do bạo bệnh nên lại chuyển xuống đây. Khi mới nhận về Hồ Tâm Đạo oặt ẹo, lở ghẻ đầy mình. Đi khám thì phát hiện bị nhiễm trùng máu. Cũng từ đó cứ đều đặn mỗi tháng sư cô lại đón xe mang vào TPHCM để chữa trị.

Bé Đặng Thị Thảo, 3 tuổi bị bỏ trong ba lô giữa ngã ba đường, người dân đi tập thể dục về thấy nên mang về nuôi. Nhưng được một thời gian thì oặt ẹo bệnh tật nên lại gửi nhờ chùa nuôi giùm. Có em bị bại não không thể ăn uống, sinh hoạt như bình thường; Có em mới 3 tuổi bị ruột ngoài da, sắp tới phải đưa đi mổ sắp ruột lại…

“Tội nhất là mỗi lần có dịch sốt xuất huyết hay tai mũi họng, các trẻ ốm cùng lúc nên cứ tay ôm chân chạy. May sao có các phật tử hỗ trợ chứ một mình tôi sợ lo không hết được” - sư cô chia sẻ.

Còn sức sẽ còn lo cho trẻ

Sư cô Minh Tâm nhớ lại, buổi khai sơ, mọi thứ còn thiếu thốn chật vật. Niệm Phật đường chỉ là gian nhà nhỏ lợp 8 tấm tôn. Bữa cơm thường chỉ có cơm trắng và rau sam đất mọc quanh chùa. Có khi cơm gạo quá ít, cứ đến giờ cơm sư cô lại phải mượn cớ đi công chuyện để nhường cho cơm cho trẻ còn mình thì qua ăn chực chén cơm xì dầu của nhà này nhà nọ cho qua ngày. Những ngày gian khó qua đi cũng nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của những tấm lòng hảo tâm. Nhưng khi số trẻ mồ côi ngày một nhiều lên, những bước chân của sư cô càng thêm cuống quýt, vội vã.

Trung bình chi phí cho các em mỗi ngày hết tới hơn 1 triệu đồng gồm tiền ăn, tiền sữa và chi phí học hành. Đó là chưa kể những khoản chạy chữa khi các em mắc bệnh. Cũng có nhiều người tìm đến để xin nhận trẻ làm con nuôi, nhưng sư cô không đành lòng. “Bị bỏ rơi đã là bất hạnh, cho qua bên đấy chắc gì đã được yêu thương? Rồi thì họ có đưa đồng tiền nào dù chùa có nhận hay không cũng mang tiếng là đi bán trẻ” - sư cô tâm sự.

Cảm được tấm lòng của sư cô, một số phật tử tình nguyện đến hỗ trợ việc nấu ăn, chăm sóc các trẻ. Cũng có nhiều đoàn từ thiện, nhà hảo tâm tìm về để chia sẻ những món quà, ủng hộ chút tiền từ thiện. “Vừa rồi có đoàn nhà hảo tâm đến ủng hộ mỗi em một bộ đồ mới để đón tết. Nhà chùa cũng đã sắm được gạo nếp, đậu xanh để gói bánh tét. Vài ngày tới, các em lớn đi học trên phố về nữa là quây quần sum họp. Những cái tết ở chùa không rôm rả, mâm cao cỗ đầy nhưng đủ để tất cả các thành viên cảm thấy ấm cúng, sum vầy, xua đi mặc cảm mồ côi” - sư cô Minh Tâm phấn khởi.

MỚI - NÓNG