Xin ý kiến đại biểu quốc hội bằng hệ thống điện tử

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc ảnh: Quang Khánh
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc ảnh: Quang Khánh
TPO - Tổng thư ký Quốc hội đề nghị nghiên cứu thực hiện xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về một số nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau để tiết kiệm thời gian, nâng cao trách nhiệm của đại biểu trong việc thể hiện chính kiến, có kết quả kịp thời cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo.

Kỳ họp thứ 7 dự kiến diễn ra trong 19 ngày

Sáng 16/4, báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết; ại kỳ họp này sẽ bổ sung 4 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.

Đồng thời rút 3 dự án luật: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện.

Bên cạnh đó sẽ rút Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2018 để chuyển sang báo cáo tại kỳ họp thứ 8 cùng báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Đối với một số dự án Luật trình tại phiên họp này (Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Bộ luật Lao động (sửa đổi),...), căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến chương trình chi tiết sẽ được điều chỉnh cho phù hợp để gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 19 ngày. Trong đó, xây dựng luật: 9,75 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác: 7 ngày; khai mạc, bế mạc và thông qua: 2,25 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/5 và dự kiến bế mạc vào ngày 13/6.

Về chuẩn bị nội dung, ông Phúc cho biết, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực phối hợp, chủ động nghiên cứu để chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, bảo đảm chất lượng, tiến độ. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn chưa nghiêm túc.

Xin ý kiến đại biểu bằng hệ thống điện tử để tiết kiệm thời gian

Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động phối hợp với cơ quan hữu quan, tích cực triển khai rà soát, hoàn thiện để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chuẩn bị và phục vụ về cung cấp thông tin, tài liệu, công tác tuyên truyền, báo chí, cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn kỳ họp và các công tác phục vụ khác… bảo đảm cho kỳ họp diễn ra thành công. Trong đó, đang khẩn trương phối hợp, hoàn thiện ứng dụng cung cấp thông tin trên thiết bị di động để phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này.

Tổng thư ký Quốc hội đề nghị nghiên cứu thực hiện xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hệ thống điện tử về một số nội dung quan trọng, còn ý kiến khác nhau để tiết kiệm thời gian, nâng cao trách nhiệm của đại biểu trong việc thể hiện chính kiến, có kết quả kịp thời cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự án, dự thảo. Nội dung và các phương án xin ý kiến sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu trước khi thể hiện chính kiến thông qua hệ thống điện tử.

Mặc dù Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội nhưng vẫn còn tình trạng đề nghị điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh sau thời gian ngắn được Quốc hội thông qua chương trình. Tổng thư ký đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trao đổi để Chính phủ lưu ý khắc phục tại các kỳ họp sau.

MỚI - NÓNG