Xin ý kiến nhân dân về 8 vấn đề trong Dự luật Phòng, chống tham nhũng

Xin ý kiến nhân dân về 8 vấn đề trong Dự luật Phòng, chống tham nhũng
(TPO) Hôm nay, Dự luật Phòng chống tham nhũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức công bố lấy ý kiến nhân dân (từ 20/7 - 20/9) về 8 vấn đề quan trọng. Phóng viên Tiền phong Online đã ghi nhận ý kiến của ông Đinh Văn Minh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ) - xung quanh sự kiện này.

Cơ chế nào để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân?

Cơ quan Quốc hội và Thanh tra Chính phủ sẽ có những địa chỉ cụ thể (kể cả bằng thư điện tử) để nhân dân chúng đóng góp ý kiến. Tuy nhiên theo tôi biết, bất cứ dự luật nào khi đóng góp cũng cần có sự định hướng cho xã hội.

8 vấn đề đưa ra xin ý kiến

Phạm vi điều chỉnh của luật; Biện pháp phòng ngừa; Kê khai tài sản thu nhập; Trách nhiệm của người đứng đầu; Tiếp nhận xử lý tố cáo hành vi tham nhũng; Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng; Vai trò của báo chí trong PCTN; Vai trò và trách nhiệm của xã hội trong PCTN. Ngoài ra còn một điểm rất mới là mở rộng luật PCTN trong cả lĩnh vực tư nhân.

Lần này sẽ đưa ra 8 vấn đề và một số vấn đề “nhạy cảm” sẽ có nhiều phương án để người dân lựa chọn. Chẳng hạn như vấn đề kê khai tài sản của người có chức vụ quyền hạn có tới 3 phương án để lựa chọn: Kê khai tài sản của mình và vợ chồng con cái; Chỉ kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình; Kê khai cả tài sản của vợ chồng con cái có cùng một hộ khẩu.

Tôi cho rằng, các báo điện tử, trong đó có tienphongonline.com.vn sẽ là kênh đóng góp hết sức có hiệu quả và thuận tiện cho người dân. Các cơ quan chức năng cũng sẽ rất thuận tiện trong theo dõi, tổng hợp các ý kiến. Ngoài ra, đợt lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật PCTN chắc chắn sẽ được người dân quan tâm, và cũng là dịp tuyên truyền hiệu quả để luật PCTN đi vào cuộc sống.

Một điểm rất mới trong dự thảo Luật này là quy tắc ứng xử, tức là quyền và nghĩa vụ của công chức, văn hóa lãnh đạo. Anh là lãnh đạo có vấn đề gì anh nên tự nguyện từ chức trước. Việc này nhiều nước đã thực hiện được. Theo nghiên cứu của chúng tôi, ở các nước khác, không phải bất cứ cái gì cũng quy ra trách nhiệm cụ thể được. Thậm chí xã hội càng dân chủ thì công luận mới là điều quan trọng nhất, dễ gây sức ép nhất. Đến một lúc nào đó, luật pháp sẽ chính là vấn đề văn hóa ứng xử.

Chẳng hạn tại Singapore, có quy định nếu là sếp thì không nên vay tiền của nhân viên quá 3 tháng. Trong khoa học về làm luật, chúng tôi luôn quan niệm rằng pháp luật chưa bao giờ là tất cả. Ý thức tự giác, đạo đức, văn minh xã hội hay nói cách khác là phạm trù văn hóa luôn là yếu tố hết sức quan trọng trong việc thực thi pháp luật.

Báo chí thường phát hiện sớm các sự việc

· Toàn văn dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng.

· Mời bạn đọc đóng góp ý kiến về dự thảo Luật tại đây

Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy báo chí có vai trò tương đối toàn diện. Nếu nhìn từ một khía cạnh nào đấy, nó toàn diện hơn cái mà chúng ta vẫn thường quan niệm về báo chí. Đó là, trong nhiều vấn đề đã đi trước được sự việc, ngửi thấy “mùi” tham nhũng, tiêu cực từ khi còn chưa có ai động đến, trước khi các chứng cớ được phơi bày và trước khi các cơ quan pháp luật vào cuộc.

Trong suy nghĩ của công luận, sự thật có cái lý riêng của nó, đôi khi thanh tra, cơ quan chức năng chưa đủ bằng chứng pháp luật để kết luận, nhưng báo chí đã giúp họ có cái nhìn đầy đủ và toàn diện hơn.

Xin ý kiến nhân dân về 8 vấn đề trong Dự luật Phòng, chống tham nhũng ảnh 1
Ông Đinh Văn Minh - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ)

Trong nhiều trường hợp, báo chí đã chủ động nêu trúng vấn đề, trúng mạch suy nghĩ của người dân, do đó đã tạo ra sức mạnh rất lớn. Trước dư luận của báo chí, các cơ quan nhà nước đã phải xử lý rốt ráo vụ việc được nêu vì trách nhiệm và nghĩa vụ của họ.

Tham nhũng là căn bệnh bẩm sinh của quyền lực. Dân bầu nên các cơ quan nhà nước, nên dân cũng có quyền giám sát quyền lực đó. Do vậy, vấn đề công khai minh bạch cũng chính là một nội dung lớn trong Dự thảo Luật PCTN lần này. Công khai minh bạch chính là phương thuốc đặc trị chống tham nhũng.

Nhà báo cần được Luật PCTN bảo vệ

Trong luật có điều nghiêm cấm sự trù dập, trả thù đối với người đấu tranh chống tham nhũng. Vấn đề nhà báo cần được bảo vệ chính đáng trong khi thực thi nhiệm vụ chống tham nhũng đúng là chưa được quy định cụ thể trong Dự thảo Luật PCTN lần này.

Với tư cách là người tham gia soạn thảo, tôi cho rằng đây là điều đáng phải suy nghĩ bởi tính chất nguy hiểm mà nhà báo phải đối mặt trước các vụ việc ngày càng tinh vi và xảo quyệt. Các cơ quan nghiên cứu nên suy nghĩ thêm về điều này. Trong quá trình đóng góp cho dự thảo Luật, chúng ta nên có ý kiến về vấn đề này.

Về mặt tâm lý xã hội thì đó là điều hết sức cần thiết, giúp nhà báo nói riêng và người dân nói chung, có đủ dũng khí để đương đầu với tham nhũng, tiêu cực.

Trong soạn thảo chúng tôi đã nghĩ tới chuyện thưởng vật chất cho người đấu tranh, sau này chắc chắn phải thực hiện, song khi đưa vào luật đã gặp một số khó khăn trong khi thực thi.

Trước đây khoảng trên 20 năm, chúng ta đã có pháp lệnh chống tham ô, lãng phí với quy định người phát hiện sẽ được thưởng tối đa 10% giá trị tham ô. Thời bao cấp, ta chỉ mới gọi là tham ô, tính chất chưa phức tạp, giá trị vụ việc chưa lớn, có thể tính ngay được tài sản tham ô để trích thưởng.

Song ngày nay, tham nhũng đã rất tinh vi, nhiều vụ việc liên quan tới nhiều người, nhiều khâu, trên thực tế rất khó đánh giá lượng hóa cụ thể để khen thưởng. Do vậy, việc xác định vai trò của người tố giác là rất khó. Tuy nhiên, theo tôi về mặt nguyên tắc, pháp luật nên có những quy định cụ thể, song quy định như thế nào cho khả thi thì cần phải có thời gian.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.