Xóa “điểm đen” trên đoạn đường sắt qua Hà Nội

Xóa “điểm đen” trên đoạn đường sắt qua Hà Nội
TP - Ngoài 9 điểm đen được lập ki ốt canh gác như Tiền Phong đã phản ánh ngày 13-4, theo Sở GTVT, hiện Hà Nội còn 50 đường ngang tàu hỏa có nguy cơ tai nạn cao cần xóa bỏ.

>> Lập ki ốt xóa điểm đen tai nạn đường sắt
>> Dùng đèn tín hiệu xóa điểm đen giao thông
>> "Nếu còn đường ngang dân sinh thì vẫn còn tai nạn"

Hiểm họa

Ngoài vụ tai nạn ô tô chở người dự đám cưới xảy ra tại đường ngang dẫn vào chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, ngày 30-3 làm 9 người chết; tháng 11-2009, tại đoạn đường sắt trên cũng xảy ra vụ tai nạn làm 7 người chết khi một ô tô (cũng chở gia đình đi đám hỏi) vượt đường sắt đoạn qua xã Văn Tự, Thường Tín bị tàu hỏa đâm.

Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuyến đường sắt Bắc - Nam đoạn Hà Nội có chiều dài khoảng 40km. Riêng đoạn từ trung tâm Hà Nội đi Thường Tín có chiều dài trên 30km và đang được xem là khu vực xảy ra nhiều vụ tai nạn đường sắt. Nguyên nhân gây ra tai nạn theo Sở GTVT Hà Nội ngoài ý thức người tham gia giao thông, các đường ngang dân sinh bất hợp pháp mở quá nhiều. Chỉ tính đoạn đường sắt từ trung tâm Hà Nội đi Hà Nam có tới hàng trăm đường ngang dân sinh.

Mặc dù vụ tai nạn đường sắt làm chết 9 người vừa xảy ra, nhưng theo quan sát của PV Tiền Phong ngày hôm qua, cách hiện trường vụ tai nạn chỉ vài trăm mét về phía Thường Tín, hàng chục đường ngang dân sinh vẫn hoạt động nhộn nhịp. Đoạn từ huyện Thanh Trì đến phố Ga, thị trấn Thường Tín chỉ khoảng 3km nhưng có trên 30 đường ngang vượt đường sắt. Ngoài 2 đường dẫn vào UBND xã Nhị Khê (km 189+700) và đường vào chùa Đậu, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín (km 193+895) vừa được lắp đầy ki ốt và các thiết bị cảnh báo, hầu hết các đường ngang còn lại không có đèn hoặc barie chắn phương tiện. Với đường sắt qua các khu dân cư của xã Văn Bình, Thường Tín, ngoài không có hệ thống hàng rào bảo vệ, nhiều quán nước, cửa hàng buôn bán vật liệu ở đây còn tự mở đường ngang riêng cho xe máy, ô tô đi ra vào. Hơn nữa, phần lớn đường sắt chạy qua các khu dân cư ở huyện Thanh Trì, Thường Tín đường ray thường cao hơn cốt đường từ 1 đến 1,5m nên rất dễ xảy ra tai nạn khi xe máy, ô tô vượt qua đường tàu không may bị chết máy.

Văn phòng Ban An toàn giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết, 3 tháng đầu năm 2011, trên đoạn đường sắt qua địa bàn Hà Nội xảy ra 8 vụ tai nạn làm 16 người chết.

Lập ban chỉ đạo xóa 50 "điểm đen"

Sáng qua, Bộ GTVT có buổi làm việc với Sở GTVT Hà Nội. Ngoài nêu thực trạng về sự phối hợp giữa ngành đường sắt và Sở GTVT Hà Nội thời gian qua chưa tốt, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng yêu cầu, thời gian tới ngành đường sắt phối hợp với các cơ chức năng của Hà Nội thành lập ngay ban chỉ đạo về an toàn giao thông đường sắt. Theo thứ trưởng Lê Mạnh Hùng ban chỉ đạo này chỉ tập trung để giải quyết những vấn đề bức xúc về an toàn đường sắt trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là đoạn đường sắt Bắc - Nam từ ga Hà Nội đến Thường Tín.

Cụ thể, để hạn chế những vụ tai nạn đường sắt như vừa qua, ông Hùng yêu cầu ngành đường sắt cần chủ động thực hiện ngay việc trang bị các cột đèn tín hiệu, rào chắn và hệ thống thông tin liên lạc cho các điểm đường ngang có mật độ người qua lại đông. Sở GTVT Hà Nội tiếp tục thực hiện phương án lập trạm gác tại các đường ngang đang có nguy cơ xảy ra tai nạn cao.

Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, ngoài 9 đường ngang Sở đang triển khai lập ki ốt canh gác, trên các tuyến đường sắt chạy qua Hà Nội còn 50 điểm đường ngang có mật độ người, phương tiện qua lại lớn không có người gác cũng như hệ thống báo hiệu. “Cùng với việc khảo sát để lập các trạm gác, để giảm tai nạn thời gian tới Sở tiếp tục chủ động tổ chức lại hệ thống hạ tầng tại các đường ngang như làm thêm gờ giảm tốc, sửa vuốt dốc lên xuống, cắm biển báo và thu dọn đất đá”, ông Tân cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG