Xóa độc quyền - đừng để chậm hơn nữa!

TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng
TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng
TP - TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, nêu ra những việc cần làm ngay để thoát cảnh thiếu điện.

 >> Bài 5: Độc quyền và đặc quyền

TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng
TS Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng.

Kinh doanh đang lẫn lộn với công ích

Giá điện hiện nay của ta so với các nước trong khu vực thì thế nào, thưa ông?

So với Trung Quốc, giá điện của mình cao hơn, còn so với các nước khác trong khu vực, ta thấp hơn. Giá điện Trung Quốc thấp do các thiết bị xây dựng nhà máy điện họ đều chế tạo được, nên suất đầu tư rẻ, còn Việt Nam xây nhà máy điện gần như tất cả đều phải nhập khẩu, nên suất đầu tư cao.

Nhưng giá điện là một chuyện, chuyện quan trọng hơn, đang kìm hãm sự phát triển ngành điện ở ta, chính là cơ chế độc quyền của EVN, thưa ông?

Hiện chúng ta mới chỉ xóa được độc quyền về nguồn phát điện, còn khá nhiều khâu EVN vẫn nắm độc quyền. Theo tôi, muốn phát triển ngành điện thì phải tách bạch ra.

Như ở Thái Lan, họ có hai TCty độc lập. Một TCty là e-gate, quản lý tất cả nguồn điện, đường dây truyền tải cao áp và chỉ bán điện cho khu vực thành phố. Còn khu vực nông thôn thì có một TCty trực thuộc Bộ Nội vụ đảm trách, thực hiện nghĩa vụ công ích.

Sự tách bạch về kinh doanh và nghĩa vụ công ích này giúp họ quản lý minh bạch hơn. Ở ta, EVN vừa làm kinh doanh, vừa thực hiện nghĩa vụ công ích, nên nhiều khi lúng túng như gà mắc tóc.

Trước mắt, cần tách truyền tải, mua bán điện khỏi EVN

Theo ông, trong bối cảnh hiện nay thì có thể cải tổ EVN ở những khâu nào?


Hậu quả của thiếu điện rất nặng nề, nhưng không ai chịu trách nhiệm cả. Trên thế giới, một nhà máy nhiệt điện chỉ xây dựng khoảng 36 tháng. Ở ta hàng loạt nhà máy bị chậm tiến độ, có nhà máy 6 năm mới xong, nhưng cũng không ai chịu trách nhiệm.
 

Tách phần công ích ra để cho mọi việc minh bạch, và làm sao khi tăng giá điện thì người dân không phản ứng thái quá, vì chỉ có tăng giá điện thì mới phát triển được nguồn điện. Cùng với đó, cần tách các khâu độc quyền của EVN. Cty mua bán điện phải là một doanh nghiệp độc lập.

Theo đề án chuyển kinh doanh điện sang cơ chế thị trường Cty mua bán điện trực thuộc EVN hiện nay sẽ được tách ra thành đơn vị độc lập. Các nhà máy điện của EVN và đơn vị khác phải bán cho Cty này. Việc đó sẽ hạn chế độc quyền của EVN, tạo sự bình đẳng với các Cty khác.

Công ty này, theo ông, sẽ trực thuộc cơ quan nào?

Có thể trực thuộc Cục Điều tiết điện lực. Nó phải hoạt động theo quy định chặt chẽ về chống độc quyền. Cũng có thể tách phần truyền tải sang Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, để chống độc quyền trong truyền tải. Doanh nghiệp này không đặt mục tiêu kinh doanh lấy lợi nhuận mà hoạt động như một doanh nghiệp công ích, ai cũng có thể thuê truyền tải. Như vậy, mới xóa được độc quyền.

Phải kiểm soát đàm phán giá điện

Hiện việc đàm phán giá điện do ai kiểm soát, để đảm bảo giá ấy là khách quan, trung thực, thưa ông?

Theo tôi, không chỉ có người mua và bán, mà còn có sự tham gia của Bộ Công Thương. Còn việc có tiêu cực trong đàm phán không, thì tôi không rõ. Cái này đúng là cần có sự kiểm soát của cả Bộ Tài chính và cơ quan kiểm toán.

Thưa ông, EVN vẫn kêu giá bán điện theo cách tính luỹ tiến hiện nay là thấp, không thu hút được nguồn vốn đầu tư vào điện. Nhưng thực tế chưa có cơ quan nào kiểm soát cơ cấu giá như vậy là cao hay thấp, EVN lỗ lãi ra sao?

Chưa có ai kiểm tra. Đáng lẽ cơ quan quản lý nhà nước, là Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, phải làm việc đó. Ngay cả việc EVN đang bán điện, giá trung bình là cao hay thấp, cũng chưa ai tính. Còn việc EVN bán điện lỗ là không có, họ vẫn có lãi để nộp ngân sách. Một số nhà máy điện EVN phải mua giá cao hơn giá bán, phải bù lỗ, nhưng phần bù lỗ này lấy từ chỗ khác sang, chứ về tổng thể không lỗ.

Cảm ơn ông.

Bá Kiên - Phạm Tuyên
Thực hiện

MỚI - NÓNG