Giao thông Hà Nội năm 2018:

Xóa nhiều điểm ùn tắc, tăng quỹ đất giao thông

Lãnh đạo Sở GTVT và UBND TP Hà Nội cùng đơn vị liên quan cắt băng mở thêm nhiều tuyến trong năm 2018, giúp xe buýt tăng trưởng sản lượng trở lại. Ảnh: Trọng Đảng
Lãnh đạo Sở GTVT và UBND TP Hà Nội cùng đơn vị liên quan cắt băng mở thêm nhiều tuyến trong năm 2018, giúp xe buýt tăng trưởng sản lượng trở lại. Ảnh: Trọng Đảng
TP - Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp và sự linh động trong công tác tổ chức giao thông, năm 2018 giao thông Thủ đô tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Cùng với đó, sau một thời gian chững lại, quỹ đất dành cho giao thông Hà Nội đã tăng lên.

Xử lý 12/37 điểm ùn tắc

Là tuyến đường quan trọng ở cửa ngõ phía Tây Bắc Thủ đô và có kết nối gần nhất từ sân bay quốc tế Nội Bài với trung tâm chính trị Ba Đình, tuy nhiên khi các dòng phương tiện chạy trên đường Yên Phụ thường bị “khựng” lại ở nút An Dương (Tây Hồ). Năm 2018, từ việc Sở GTVT phối hợp tích cực với đơn vị thực hiện dự án, cầu vượt tại nút An Dương đã thực hiện xong, tổ chức lại giao thông và thông xe hồi đầu tháng 10 vừa qua. Cầu Vượt An Dương thông xe đã giúp thành phố giải quyết được nút giao thông thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc kéo tại đây lâu nay. Cũng với phương án khảo sát, xén hè tạo lối rẽ, tổ chức lại giao thông, tính đến cuối năm 2018 Sở GTVT đã xử lý thêm được 5 điểm thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm khác, bao gồm La Thành - Nguyễn Chí Thanh, Đại Cồ Việt - Tạ Quang Bửu, Hoàng Minh Giám - Lê Văn Lương, Trần Phú - Nguyễn Khuyến, Cầu Tó. Trong kế hoạch dự kiến đến hết năm 2018 và hướng đến dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, Sở GTVT đặt ra mục tiêu, xử lý tổng cộng 12 trên tổng số 37 điểm ùn tắc còn tồn tại trên địa bàn thành phố hiện nay.

Xóa nhiều điểm ùn tắc, tăng quỹ đất giao thông ảnh 1 Nhờ có cầu vượt và được tổ chức lại giao thông, nút giao An Dương là một trong các điểm ùn tắc được Sở GTVT Hà Nội xử lý
trong năm 2018

Tương tự, trên lĩnh vực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt, năm 2018 tiếp tục được đầu tư, phát triển về cả số lượng xe và tuyến. Cụ thể, tính đến cuối năm, tổng số tuyến buýt được mở mới là 15 tuyến; nâng tổng số tuyến buýt trên địa bàn thành phố đến thời điểm cuối năm là 124 tuyến. Mạng lưới xe buýt có trợ giá của thành phố hiện đã phủ đến trung tâm 30 quận huyện, cơ bản phục vụ đến các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp và các khu đô thị mới. Sản lượng hành khách đi xe buýt năm 2018 đạt trên 450 triệu/lượt, tăng 3,2% so với năm 2017, đáp ứng được 14,1% nhu cầu của nhân dân. “Sau một thời gian chững lại, việc sản lượng hành khách đi buýt tăng trở lại có vai trò rất quan trọng trong thực hiện các chính sách, chủ trương chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố và cụ thể hóa các Nghị quyết đã được HĐND thành phố thông qua cho lộ trình đến năm 2030”, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện thông tin.

Tăng quỹ đất dành cho giao thông

Sau một thời gian gần như chững lại, năm 2018 lĩnh vực hạ tầng giao thông Thủ đô đã ghi nhận sự tăng về tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông. Theo đó, đánh giá về phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2018, trong báo cáo gửi HĐND thành phố vào tháng 12 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, tỷ lệ đất dành cho giao thông năm 2018 tại Hà Nội đã tăng và đạt 9,38%, tăng 0,28% so với năm 2017. Theo ông Chung, tỷ lệ tăng này tuy chưa nhiều, song cũng đáng mừng vì sau một thời gian hệ thống hạ tầng, trong đó có đường sá, bãi đỗ xe tĩnh gần như chỉ cải tạo, duy tu và không thể phát triển thêm. Dẫn chứng một số phần việc đã làm cho hạ tầng giao thông tăng tỷ lệ đất, ông Chung thông tin: thời gian qua hạ tầng giao thông thành phố được đầu tư hiệu quả, riêng giai đoạn 2017 - 2018 đã thực hiện hoàn thành 291 công trình giao thông, trong đó có 11 cầu, 280 đường, điển hình là cầu vượt An Dương, cầu Văn Lang, cầu Mỹ Hòa, đường Hòa Lạc - Hòa Bình và một số đường trong các khu đô thị mới.

Với công tác đảm bảo trật tự giao thông, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng thông báo, năm 2018 TNGT tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí so với năm 2017, cụ thể: giảm 88 vụ, giảm 44 người chết và giảm 203 người bị thương.

Trên lĩnh vực tổ chức, quản lý điều hành giao thông, Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện thông tin thêm, Sở GTVT đã chủ công phối hợp với các sở ngành liên quan triển khai, cụ thể hóa một số đồ án, kế hoạch đã được HĐND và Thành ủy, UBND thành phố thông qua, trong đó có đồ án “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” được HĐND thành phố thông qua vào tháng 12/2018 với tỷ lệ 100% ; triển khai chương trình tổng thể “Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khung trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030”; Kế hoạch phát triển các phương tiện vận tải công cộng trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của UBND thành phố; đề án Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống VTHKCC tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030.

Với xe vận tải khách liên tỉnh, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Sở tiếp tục rà soát quy hoạch các tuyến đã có trong quy hoạch nhưng chưa có đơn vị vận tải đăng ký khai thác, tổng hợp báo cáo UBND thành phố và Bộ GTVT điều chỉnh cho phù hợp; đề xuất triển khai cắm thí điểm một số điểm dừng, đón trả khách tuyến cố định tại một số khu vực; hoàn thiện hệ thống xử lý vi phạm tự động thông qua hệ thống camera giám sát tại bến xe Giáp Bát… Công tác ứng dụng công nghệ trong việc giải quyết thủ tục hành chính; quản lý duy tu kết cấu hạ tầng giao thông (Govone); hoạt động trông giữ xe (iParking); kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm… cũng được Sở GTVT triển khai, áp dụng đồng bộ, tạo nên những hiệu quả tích cực, đặc biệt là sự linh hoạt, nhanh chóng, chính xác...

Đề cập đến nhiệm vụ trong năm 2019, Giám đốc Vũ Văn Viện cho rằng, với vai trò là đơn vị chủ công, Sở GTVT tiếp tục phối hợp với các sở ngành liên quan, báo cáo thành phố thực hiện hàng loạt các nhiệm vụ, trong đó có những nội dung trọng tâm đã được HĐND, Thành ủy, UBND thành phố thống nhất chỉ đạo thực hiện. Một số nội dung trọng tâm này gồm có: Phối hợp với các bộ ngành có liên quan hoàn thiện quy định, tiêu chuẩn để triển khai đồng bộ một số nội dung đã được nêu trong Nghị quyết 04; Xây dựng kế hoạch phát triển VTHKCC; hoàn thiện đề án Giao thông thông minh; lập đề án thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào khu vực có nguy cơ ùn tắc. Đặc biệt nhiệm vụ đang được Sở GTVT tập trung triển khai ở thực tế là thực hiện có hiệu quả kế hoạch đảm bảo giao thông, vận tải hành khách trong đợt cao điểm phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trước, trong, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và mùa Lễ hội Xuân năm 2019 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

MỚI - NÓNG