Hàng loạt lãnh đạo tập đoàn nhà nước vướng vòng lao lý

Xóa tình trạng con ông cháu cha, chạy chức quyền

TP - Trong cuộc trao đổi gần đây với PV Tiền Phong, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng, thực tế thời gian qua cho thấy nhiều DNNN được hưởng các chính sách ưu đãi nhưng lại đang hoạt động và được quản lý một cách không hiệu quả. Chưa kể hàng loạt DNNN đang trong tình trạng thua lỗ với số tiền lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Ðây là vấn đề xuất phát từ bộ máy điều hành và việc quản lý lỏng lẻo vốn đầu tư nhà nước tại các DN. Việc giải quyết các vấn đề thua lỗ của các DNNN là việc khó khăn nhưng không có nghĩa không làm được. Vấn đề đặt ra là Nhà nước có quyết liệt xử lý dứt điểm những vấn đề của các DNNN hay không     

Theo ông Thành, bên cạnh những bộ máy hoạt động không thích ứng kịp thời với sự thay đổi của nền kinh tế, những vướng mắc chính khác trong giải quyết những tồn tại ở các DNNN nằm ở khâu nhân sự. “Hiện chúng ta chưa có những chế tài mạnh tay với những cá nhân quản lý, những người phải chịu trách nhiệm về những nhân sự lãnh đạo DNNN hoạt động không tốt. Khi sự việc xảy ra thường thì chúng ta lại quy sang trách nhiệm của tập thể, thay vì truy tận gốc của những quyết định bổ nhiệm liên quan đến nhân sự đó. Ðây là vấn đề chưa giải quyết được”, ông Thành nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, để tạo sự chuyển biến mạnh trong quản lý hoạt động của khối DNNN chính là tăng cường bán cổ phần nhà nước tại các đơn vị này, đồng thời có “chính sách mở cửa” thật sự trong việc đưa các mô hình quản lý hiện đại với sự tham gia sâu của các nhà đầu tư nước ngoài tại DN. Chỉ khi có các thành phần khác cùng tham gia quản lý doanh nghiệp, thay vì chỉ bỏ vốn đầu tư với tỷ lệ sở hữu nhỏ, hoạt động của DN sẽ hoàn toàn khác.

“Khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu vào quản lý DN sẽ xóa bỏ được tình trạng công chức ăn bám, “sáng cắp ô đi chiều cắp ô về” đồng thời xóa bỏ được tình trạng tham nhũng thông qua việc đưa con ông cháu cha vào nắm giữ DNNN để trục lợi”, ông Thành nói.

Dẫn câu chuyện xử lý những cá nhân, tổ chức gây thua lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng, “chôn” cả trăm nghìn tỷ đồng tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, điển hình là 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành công thương, ông Thành cho rằng, việc trước tiên cần làm là phải xử lý cán bộ quản lý dẫn đến thua lỗ yếu kém. Chỉ xử lý cảnh cáo hoặc không truy cứu với những lãnh đạo DN để xảy ra thua lỗ lên tới hàng nghìn tỷ đồng tại các DN như báo chí nêu thời gian qua là không có tính răn đe.

“Giải pháp đầu tiên là anh gây thua lỗ bao nhiêu thì phải bán toàn bộ tài sản để khắc phục, đền bù cho Nhà nước. Căn cứ vào số tiền thua lỗ còn lại sẽ xử lý tiếp với những hình phạt nặng, thậm chí phải truy cứu hình sự cả với cá nhân tham gia bổ nhiệm những người gây nên dự án thua lỗ”, ông Thành nêu quan điểm.

Vậy, làm sao để ngăn ngừa, không để xảy ra tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong các tập đoàn, DNNN như thời gian vừa qua? Theo bà Phạm Chi Lan, cần có hệ thống quản lý, giám sát chặt chẽ. “Thực tế, khi các DNNN bị thua lỗ, một bộ phận cơ quan nhà nước vẫn che chắn, chỉ đến khi nào không thể che được nữa mới lôi ra. Chẳng hạn, trường hợp 12 DNNN thua lỗ rất lớn của Bộ Công Thương, Nhà nước biết từ rất lâu, đến lúc khối nợ lên đến hàng nghìn tỷ, không thể xử lý được mới bùng ra, trở thành gánh nặng quá lớn cho xã hội. Điều đó cho thấy hệ thống giám sát của chúng ta rất dở. Bởi lẽ, sự giám sát chỉ nằm trong nội bộ Nhà nước, giao cho các đơn vị chủ quản mà họ lại phân chia trách nhiệm, mỗi anh chịu một tí, thành ra không ai chịu trách nhiệm cuối cùng. Nếu có giám sát thực sự thì đã khác”, chuyên gia Phạm Chi Lan chỉ rõ.

MỚI - NÓNG