'Xóm nổi' Hà thành

'Xóm nổi' Hà thành
TP - Nhìn từ cầu Long Biên, xóm “nổi” giống như những vết sẹo chằng chịt trên con sông Hồng thơ mộng. Những vật thể tạm được gọi là “nhà” trên xóm nổi lại càng nhiều vết “sẹo” hơn.

Lọt khỏi con hẻm bé tí tẹo đầy mùi xú uế nằm trên phố Phúc Xá, chúng tôi đến bên bờ sông Hồng – nơi chứa đầy rác thải, kim tiêm… Lội qua bãi đất trống với những lạch nước cống đen ngòm từ khu dân cư trên bờ chảy xuống, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Thảo đang giúp bà vợ đặt tải nilon nhàu nhĩ lên đầu để mang lên bờ bán.

Ông Thảo tâm sự: “Tôi năm nay 73 rồi, bà ấy 70. Trước kia cả hai vợ chồng cùng đi nhặt rác thì ngày cũng kiếm được khoảng hai, ba chục. Năm nay tôi yếu quá không đi được nữa, mình bà ấy đi làm, bà ấy bắt đầu ra khỏi nhà từ 5h sáng và đến khoảng 7h tối thì về, mỗi ngày cũng kiếm được 15-16 nghìn”.

Ông Thảo kể, quê mãi tận Nam Định, lên Hà Nội đã hai mươi năm nay và cùng vợ sinh sống bằng nghề lượm rác. Ông bà “xuống sông” chừng 7 năm vì đã quá già mà số tiền kiếm được không thể đủ để thuê nhà trọ.

Theo ông Thảo, cả xóm nổi có 17 hộ với chừng sáu chục con người  thì có 5 gia đình chuyên sinh sống bằng nghề nhặt rác, số còn lại đều làm thuê, làm mướn mà chủ yếu là gánh hàng hay bốc vác cho chợ hoa quả Long Biên.

Chúng tôi hỏi thăm về gia đình khó khăn nhất xóm, ông Thảo cười và bảo: “Những người phải xuống cái xóm này đều là những kẻ bần cùng, không thể sống ở trên bờ được nữa. Xóm này chủ yếu là người già, người ốm yếu và các gia đình đông con”.

Xong, ông Thảo như chừng ngẫm nghĩ rồi bỗng “à” lên một tiếng: Bà Thắm ở xóm có lẽ mới là người khổ nhất. Chẳng ai nhớ bà bao nhiêu tuổi, chỉ biết bà rất già nhưng hiện đang phải sống vất vưởng, nay chỗ này, mai chỗ khác.

Bà Thắm từng có một gia đình như ai nhưng rồi chồng bà qua đời, anh con trai bệnh tật mà chết và cô con gái thì nghe đâu bị bán qua biên giới mất tăm hơi. Bà cũng từng có một cái bè dập dềnh trên sông để ở nhưng bè bị trôi mất nên bà chẳng còn giữ lại được chút gì cho bản thân.

Ông Thảo chỉ dẫn cho chúng tôi ngồi lên một chiếc phao nổi để bơi sang nhà vợ chồng anh Vương Tiến Dũng và chị Phan Thị Thủy. Vợ chồng anh cùng tuổi Hợi, bước sang tuổi 51.

Chị Thủy chua chát: “Người ta cứ bảo vợ chồng cùng tuổi, nằm duỗi mà ăn. Vợ chồng tôi thì đúng là cùng nằm duỗi nhưng là vì không ngồi dậy được!”.

Kể về lý do mà cả hai vợ chồng cùng “nằm duỗi”, chị Thủy cho biết mình vốn làm phụ hồ nhưng cách đây 6 năm trong khi đi làm việc chị đã bị ngã tổn thương cột sống mất hẳn khả năng lao động, thậm chí di chuyển cũng rất khó khăn, hầu như chị không ra khỏi nhà.

Anh Dũng một mình đêm đêm lên chợ Long Biên bốc vác thuê kiếm tiền nuôi vợ. Nhưng rồi, anh Dũng cũng lại bị viêm tủy cột sống. Sau khi được một bác sỹ hảo tâm chạy chữa, bệnh của anh Dũng có phần đỡ nhưng sức lao động thì cũng đã giảm hẳn.

Tháng này, anh Dũng ốm nhiều, không kiếm được tiền nên vợ chồng anh đã phải đi vay một yến gạo để ăn. Gạo đã hết mà vẫn chưa có tiền để trả nợ.

Không quá khứ và không tương lai

Họ từ đủ các miền quê Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An… tụ về. Những ngôi nhà trong xóm nổi vá chằng vá đụp bởi những vật dụng cũ kỹ khác nhau.

Những người lớn trong xóm thì sống bằng đủ nghề còn đám trẻ con cũng có nhiều cách để giúp cha mẹ kiếm sống. Ngoài giờ học tại lớp học tình thương thì một trong những cách kiếm sống dễ nhất là ăn xin.

Chúng tôi quan sát thấy, trong số 17 ngôi nhà thì có chỉ có hai nhà nghe chừng khá giả hơn vì “dám” đầu tư dây diện để dòng điện từ trên bờ xuống, các nhà còn lại đều trong tình trạng “tù mù”.

Tuy nhiên, ngoài hai cái đường dây thể hiện “đẳng cấp” trong xóm ấy thì tất cả đều có chung một cách sinh hoạt là sống bằng nước sông. Mọi thành viên trong xóm đều tắm giặt trên sông, đi cầu trên sông và múc chính thứ nước ấy để làm nước ăn.

Chị Phan Thị Thủy cho biết, để có phần “vệ sinh hơn” thì các gia đình đều múc nước sông vào các thùng chứa để cặn lắng xuống. Mùa này nước sông Hồng cạn, cả đoạn sông nơi xóm nổi trở thành “ao tù”, nước đen kịt, mùi xú uế nồng nặc.

Hỏi về quá khứ và những họ hàng thân thích, thì câu trả lời của cả ông Thảo, chị Thủy, anh Dũng và những người khác trên xóm nổi đều là những câu trả lời bỏ lửng. Dường như họ không muốn khơi gợi lại những gì mà bấy lâu đã chôn chặt vào ký ức.

Người ở đây đều không có hộ khẩu và bản thân họ cũng không rõ mình có còn hộ khẩu ở quê nhà hay không vì hầu hết đều sống trong mặc cảm, không quay trở lại quê hương.

Chính quyền địa phương cũng nhiều lần mở các chiến dịch dẹp xóm nổi nhưng cứ đến chiến dịch thì họ lại kéo bè đi nơi khác. Bản thân ông Thảo và những nguời dân xóm nổi cũng tự nhận mình là “lì lợm” với những chiến dịch như thế nhưng họ chẳng còn con đường nào khác. 

Ông Thảo thở dài nói với chúng tôi: “Đời chúng tôi đã quá khổ rồi. Tôi chỉ mong mình chết đi cho nhanh. Nhưng nói thật là nếu tôi có chết thì tôi cũng chẳng hiểu là mình sẽ được làm ma thế nào và chôn ở đâu nữa! Thôi đành phó mặc ông Trời. Nhưng những người già như tôi chết thì thôi, tôi lo cho đám trẻ con ở đây lắm!”.

MỚI - NÓNG