Xót rừng, xin làm kiểm lâm

Xót rừng, xin làm kiểm lâm
TP - Ngày 25/7, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị báo cáo điển hình tiên tiến của ngành lâm nghiệp. Những đại biểu về dự là những người từng hy sinh cả máu, nước mắt để giữ cho những cánh rừng xanh mãi…

Những năm trước đây, địa bàn (Bắc Trà My, Quảng Nam) là điểm nóng của nạn phá rừng.

Hàng chục lâm tặc cấu kết cùng các đầu nậu có tiếng ở vùng đất bán sơn địa này. Mấy trăm héc ta trong tổng số gần 1.000 ha rừng tự nhiên với nhiều loại gỗ quý hiếm đã dần dần trơ trụi.

Nhiều người dân hiền lành, chân chất bị bọn xấu dụ dỗ trở thành những tay phá rừng khét tiếng. Có trai tráng trong vùng đã phải bỏ mạng vì không chịu nghe theo lời lâm tặc.

Còn bây giờ, nạn phá rừng đã gần như không xảy ra trên địa bàn Trà Dương nữa, đặc biệt kể từ khi một người con dũng cảm của địa phương - anh Nguyễn Hồng Lâm - dám đứng lên tuyên chiến với lâm tặc.

“Thấy cảnh rừng bị tàn phá mà thương, tôi quyết định xin vào ngành kiểm lâm” - Anh Lâm tâm sự. Sinh năm 1964, trong cộng đồng người dân tộc Co, Lâm cũng như cả buôn làng nhanh chóng trở thành lâm tặc, phá rừng để kiếm sống. Lấy vợ, sinh 3 đứa con, cái đói luôn đe dọa 5 miệng ăn trong gia đình.

Vì thế, khi anh quyết định từ giã việc phá rừng để đối đầu với bọn lâm tặc, bảo vệ màu xanh của những cánh rừng thì không ai đồng thuận. Họ gọi anh là Lâm “hâm”, Lâm “khùng”, là thằng “bỏ đói vợ con”.

Lâm thì nghĩ khác. Từ năm 2003, Lâm được cử về phụ trách địa bàn xã Trà Dương. Chỉ trong 3 năm, nạn phá rừng đã gần như không xảy ra ở đây. Khi nhận bàn giao, diện tích rừng tự nhiên còn lại của Trà Dương là 148 ha thì đến nay con số này vẫn nguyên vẹn.

Đáng nói hơn, diện tích rừng trồng đã tăng từ 57 ha (năm 2003) lên 410 ha (năm 2006). Tất cả người dân Trà Dương đã được tuyên truyền kiến thức về bảo vệ rừng theo Luật…

Không cần phá rừng vẫn no cái bụng

Xót rừng, xin làm kiểm lâm ảnh 1
Anh Nguyễn Hồng Lâm

Khác với Trà Dương, những khó khăn của xã Mường Toong (huyện Mường Nhé, Điện Biên) bắt nguồn từ chính sự di dân tự do của đồng bào Mông.

Do tập quán canh tác phá nương làm rẫy nên bà con ở đây thường xuyên đốt rừng lấy đất trồng bắp, trồng dưa. Họ đi đến đâu là rừng tan hoang đến đó.

Trước đây, hầu hết diện tích đất tự nhiên của xã (trên 7.300 ha) là rừng tự nhiên. Thế nhưng, chỉ vài năm di cư đến đây, khoảng 2.000 ha rừng tự nhiên với nhiều lâm sản quý hiếm thành đồi núi trọc.

Sinh ra trong một gia đình người Mông, Sùng A Giàng hiểu được nỗi đau mất rừng nhưng cũng thông cảm cho tập quán canh tác của đồng bào mình. Vì thế, khi được Hạt Kiểm lâm Mường Nhé giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn xã, Sùng A Giàng băn khoăn mãi.

Nhưng lòng đã quyết, lại là đảng viên, Giàng không thể lùi bước. Hàng ngày, với con dao quắm trên tay, Giàng đi khắp 42 bản của xã giúp bà con phát quang các khu rừng đã bị đốt để bà con có đất trồng cây bắp, cây dưa.

Trong những câu chuyện chân tình, Giàng thủ thỉ với bà con về tác hại của việc phá rừng. “Không cần phá rừng, bà con mình vẫn no cái bụng cơ mà!”. Dân bản không tin câu nói của Giàng.

Nhưng chính Giàng đã tự tay đưa các giống bắp, đỗ, dưa mới cùng với kỹ thuật canh tác tiên tiến dưới xuôi đã được thử nghiệm trên đặc điểm thổ nhưỡng vùng này, bà con đã trầm trồ thán phục nhìn nương bắp, nương đỗ của Giàng.

42 trưởng bản được bà con cử đến thăm nom nương rẫy của Giàng và lần lượt áp dụng về bản. Bà con Mông tại Mường Toong đã no cái bụng, ấm cái thân; được học tiếng Việt, biết cái chữ, đạo tà cũng không thể xâm nhập cuộc sống đang ngày càng sung túc nữa. Bản thân Sùng A Giàng được cử đi báo cáo điển hình tiên tiến của ngành lâm nghiệp.

MỚI - NÓNG