Xót xa Phìn Ngan

Cầu tạm bằng luồng được dựng lên để chính quyền đến với người dân. Ảnh: Nguyễn Trường
Cầu tạm bằng luồng được dựng lên để chính quyền đến với người dân. Ảnh: Nguyễn Trường
TP - Trong một đêm mưa gió cách đây 7 năm, 4 ngôi nhà của thôn Sủng Hoảng, xã Phìn Ngan (huyện Bát Xát, Lào Cai) bị cả ngàn mét khối đất, đá đổ ụp vào, 23 con người đang trong bữa cơm tối đã vĩnh viễn không được nhìn thấy mặt trời. Đầu tháng 8 này, mưa lũ lại cướp đi sinh mạng của 3 người dân nơi đây.

Họa vô đơn chí

Nhà báo Quốc Hồng, phóng viên báo Nhân dân thường trú tại Lào Cai, nói anh vẫn nhớ như in ngày cùng mọi người vào đến Sủng Hoảng cách đây 7 năm. Cảm giác rợn người khi nhìn thấy từng thi thể cứng đơ được đưa ra khỏi đám bùn đất nhầy nhụa, lá cây nhớp nháp. Anh không thể ngờ bây giờ câu chuyện xót xa ở Sủng Hoảng lại tái diễn…

Vượt qua xã Quang Kim vẫn ngập trong bùn đất, với những người dân mải miết phun nước rửa nhà, rửa sân, những chiếc xe máy bị ngâm nước được đưa ra xì khô, chúng tôi tiến sâu vào xã Phìn Ngan. Con sông Hồng chảy vào đất mẹ vẫn đỏ quạch phù sa, thứ màu đỏ thường thấy ở vùng đất Phìn Ngan. Màu đỏ ấy mới hôm trước vẫn còn trên đỉnh núi, giờ ăm ắp giữa lòng sông. Bác xe ôm chỉ cho chúng tôi từng đoạn núi lở loét với màu đỏ nhức mắt, cảm giác có thể ụp xuống người bất cứ lúc nào. “Ở Phìn Ngan năm nào cũng có lũ, cũng có lở đất. Năm ngoái không có ai chết, chứ các năm trước đều có người chết cả”, bác xe ôm nói.

Phìn Ngan hiện ra. Hoang tàn. Những cây to vài người ôm cũng bật rễ, theo dòng lũ trôi xuôi giờ nằm im lìm trong nắng. Nhà máy thủy điện của Cty Cổ phần Thủy điện Leader Nam Tiến bị bủa vây bởi những thân cây to như thế. Nhiều cột điện gục gẫy, vương vất cành cây đủ loại của núi rừng Hoàng Liên. Các thiết bị trong nhà máy vẫn ngập trong bùn đất. Con suối chảy qua thôn Sủng Hoảng vẫn gầm gừ như muốn tiếp tục đe dọa người dân nơi đây. Bà Chảo Thị Xây, 62 tuổi, kể: “Tôi từng này tuổi đầu mà chưa thấy có trận lũ nào như thế. 

Mưa to, nước lớn nên người dân chả biết chạy đi đâu, cứ tìm chỗ cao để đến thôi”. Ông Chảo Láo Khờ, Trưởng thôn Sủng Hoảng, cho biết, nhận được tin báo của lãnh đạo xã Phìn Ngan về việc có lũ, dù trời tối đen, mưa to, gió lớn, đường đi trơn trượt, nhưng ông hối hả đến từng hộ thông báo cho mọi người đi tránh lũ. Hơn 50 người theo ông vượt khe suối, chạy lên ngọn đồi cao nhất.

 Khi trở về nhà, mọi người đều bàng hoàng vì 16 ngôi nhà của mình cùng đồ đạc, vật nuôi… đã hoàn toàn biến mất. Kiểm lại số cư dân ở đó thì thấy mất 3 người… Chị Chảo Lờ Mẩy, 29 tuổi, lắp bắp: “Nhà mình cũng mất hết, chả còn gì cả. Bây giờ phải xuống ở với bố mẹ. Cả vườn, cả gà lợn chả còn thứ gì”.

Tập trung tìm kiếm người mất tích

Cây cầu treo, con đường duy nhất dẫn vào thôn Sủng Hoảng, bị lũ cuốn phăng đêm ngày 4/8, trơ lại hai cột trụ. Chính quyền địa phương đã làm hệ thống ròng rọc để đưa nhu yếu phẩm vào cho người dân, chấm dứt tình trạng cô lập tại đây trong mấy ngày qua. Anh Nguyễn Việt Tiến, thành viên nhóm vận chuyển, cho biết, khi nghe tin người dân Sủng Hoảng bị cô lập, tổ chức tình nguyện của các bạn trẻ Lào Cai đã tự huy động chăn màn, quần áo, lương khô, mì tôm vận chuyển vào cho người dân. Cách đó không xa, hai chiếc cầu tạm làm bằng những cây luồng được lắp tạm để chính quyền địa phương, cơ quan, đoàn thể đến với người dân. Bên kia Sủng Hoảng, hàng cứu trợ được tập kết lại; người dân lặng lẽ đến tiếp nhận và trở về nhà mình để dọn dẹp đống đổ nát.

Xót xa Phìn Ngan ảnh 1

Hệ thống ròng rọc trên cầu treo đưa hàng hóa cứu trợ vào thôn Sủng Hoảng.

Ông Chảo Hùng Phẩy, Chủ tịch UBND xã Phìn Ngan, cho biết, xã đã huy động mọi lực lượng, đoàn thể, tập trung cao độ cho công tác cứu trợ tại Sủng Hoảng. Đến nay, đã tiếp cận được tất cả các hộ dân ở Sủng Hoảng, kịp thời hỗ trợ, động viên các hộ dân vượt qua khó khăn, xây dựng lại nhà cửa, ruộng vườn. Ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, nói: “Chúng tôi cũng đang xây dựng phương án tái định cư cho hơn 20 hộ dân trên tổng số hơn 60 hộ dân nằm trong vùng nguy hiểm của thôn Sủng Hoảng”.

Ba người hiện vẫn mất tích ở Sủng Hoảng là bà Chảo Khờ Mẩy (SN 1953), Chảo Láo Tả (SN 1998) và Chảo Láo Chiểu (SN 1994). Công tác tìm kiếm người mất tích sau lũ vẫn được chính quyền địa phương dồn sức triển khai tại tất cả các bờ bụi dọc con suối Sủng Hoảng. Ông Khoa cho biết, huyện đã huy động lực lượng gồm hơn 100 cán bộ, chiến sĩ công an tập trung tìm kiếm người mất tích. “Chúng tôi vẫn cố gắng tập trung với quyết tâm cao nhất để đưa những người dân bị nạn trở về”, ông Khoa nói. 

Thông xe tuyến đường từ thành phố Lào Cai đi Sapa

Do ảnh hưởng của mưa bão, trên tuyến quốc lộ 4D có 20 điểm sạt lở, sụt lún, trong đó có 3 điểm sạt lở nghiêm trọng khiến hàng trăm du khách bị mắc kẹt tại đây. Theo thông tin từ UBND tỉnh Lào Cai, đến sáng 6/8, tuyến quốc lộ 4D từ thành phố Lào Cai lên Sapa chính thức được thông xe sau một ngày khắc phục sự cố sạt lở đất do mưa lũ. Khách du lịch bị mắc kẹt đã có thể di chuyển. Tuy nhiên, lái xe và người dân cần hết sức cảnh giác khi tham gia giao thông tại các điểm này.

Chưa tìm thấy 7 người mất tích

Sáu người chết trong đợt mưa lũ tại Lào Cai vừa qua là: Giàng Thị Lá (SN 2007) trú tại xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà; Giàng Sảo Chấn (SN 1998), xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương đều bị chết do sét đánh; Trần Việt Anh (SN 2015) chết do cây đổ sập nhà; Hồ Ngọc Anh (SN 2005), Hồ Mạnh Hà (SN 2013), Hồ Cao Sơn (SN 2016) đều ở xã Cốc San, huyện Bát Xát và đã tìm thấy xác. Bảy trường hợp mất tích là: Vũ Thị Quỳnh (SN 1989), Vàng Thị Mỹ Duyên (SN 2013), xã Tòng Sành, huyện Bát Xát; Chảo Láo Tả (SN 2012); xã Trung Trải, huyện Sapa; Chảo Láo Chiểu (SN 1994), Chảo Khờ Mẩy (SN 1953) và Chảo Láo Tả (SN 1998) đều ở xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát.

MỚI - NÓNG