Xử lý ách tắc tại trạm thu phí BOT Cai Lậy: Chưa hạ nhiệt!

Tài xế dùng tiền lẻ mua vé tại trạm thu phí Cai Lậy chiều 13/8 như một cách phản ứng.
Tài xế dùng tiền lẻ mua vé tại trạm thu phí Cai Lậy chiều 13/8 như một cách phản ứng.
TP - Trước tình trạng ùn tắc Quốc lộ 1A đoạn qua trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), sáng 14/8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có cuộc họp bàn với Sở GTVT Tiền Giang để tìm biện pháp xử lý tình trạng ùn tắc tại đây.

Ngay sau cuộc họp, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN đã gặp gỡ chớp nhoáng với báo chí. Ông Thắng cho biết, đây là chuyến làm việc nhằm ghi nhận những kiến nghị, thắc mắc của địa phương, qua đó có phương án giải quyết theo thẩm quyền và đề xuất báo cáo Bộ GTVT. “QL1 qua Tiền Giang là tuyến đường huyết mạch nên không thể để ùn tắc, không chỉ là để đảm bảo an toàn giao thông mà còn an ninh trật tự, an toàn xã hội…”- ông Thắng nói.

Khó đảm bảo công bằng tuyệt đối

Trước thắc mắc của báo chí về tình trạng người dân bức xúc vì chỉ sử dụng đoạn đường 3km QL1 cũng phải đóng phí tại trạm Cai Lậy, ông Thắng hứa sẽ xem xét từng trường hợp trên cơ sở kinh nghiệm giải quyết ở một số trạm khác. “Bộ cũng đã trả lời báo chí nhiều lần, để đảm bảo thu đúng tuyệt đối thì việc thu phí hở như thế này khó đảm bảo công bằng. Đối với việc thu phí kín, chạy qua bao nhiêu cây số tính tiền bấy nhiêu thì mới đảm bảo được, nên chúng ta cũng phải tuyên truyền cho người dân biết. Chúng tôi cũng sẽ có dữ liệu cụ thể báo cáo Bộ để hướng dẫn các đơn vị”- ông Thắng thông tin.

Trong khi đó, trả lời Tiền Phong chiều 14/8, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay sẽ xem xét cả hai khía cạnh: Giảm giá cho người dân xung quanh trạm và giảm chung cho toàn bộ các phương tiện. Về giảm giá đối với các hộ dân quanh trạm, ông Đông cho hay, đây là chủ trương chung của Bộ GTVT đối với toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc. Về đề xuất giảm mức phí chung qua trạm Cai Lậy, trong đó có thời gian thu phí tại dự án này chỉ khoảng 6 năm nên mức phí cao, ông Đông cho hay, so sánh với các dự án khác, trạm Cai Lậy vẫn nằm trong mặt bằng chung với các dự án khác nhưng phương án tài chính thu hồi 6 năm là ngắn hơn các dự án khác. Để giải quyết việc này phải tiến hành đàm phán với ngân hàng cho vay vốn thực hiện dự án. Trung bình, Bộ GTVT và nhà đầu tư xây dựng phương án hoàn vốn khoảng 15-20 năm, cá biệt có dự án 25-30 năm. Việc kéo dài thời gian thu phí có thể giảm mức phí thu.

Giám đốc Sở GTVT Tiền Giang Trần Văn Bon cho biết, địa phương đã có phương án để đảm bảo tình hình giao thông. Trước đó, Sở cũng đã đề xuất với nhà đầu tư xem xét giảm giá tại trạm thu phí này. Sau cuộc họp này, Sở sẽ cùng với phía công an thống nhất phương án không để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông như những ngày qua. Vừa qua, Sở GTVT cũng đã có công văn báo cáo tình hình hoạt động tại trạm thu phí gửi UBND tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, nhà đầu tư đã thuê đa số nhân viên phục vụ tại trạm là người địa phương, thực hiện miễn giá dịch vụ cho phương tiện cơ giới đường bộ không phục vụ mục đích kinh doanh của người dân trên địa bàn 4 xã Bình Phú, Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam và Phú An.

Xử lý ách tắc tại trạm thu phí BOT Cai Lậy: Chưa hạ nhiệt! ảnh 1 Ách tắc giao thông tại trạm Cai Lậy.

Nhà xe kêu trời vì phí cao…

Ông Huỳnh Văn Nguyện - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết: “Hiệp hội chưa nhận được thông tin phản hồi nào của doanh nghiệp gửi đến, tuy nhiên chúng tôi cũng thấy bức xúc”.

Chiều 14/8, trao đổi với Tiền Phong, ông Hải, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở quận Cái Răng, (thành phố Cần Thơ) cho biết, ông có 4 xe tải trên 8 tấn, hằng ngày chạy lên TPHCM chở hàng thuê về các tỉnh miền Tây, có khi một chiếc chạy 2 tour với tổng cộng 4 lần qua trạm BOT Cai Lậy. Đặt trạm như thế là vô lý vì ông đã đóng tiền bảo trì đường bộ, giờ lại phải đóng thêm 60.000 đồng/chiếc/lần là vô lý. Trong khi đó, đoạn Quốc lộ 1A qua trạm Cai Lậy đường xấu, xuống cấp. “Phát sinh phí đường bộ trong khi giá vận chuyển hàng hóa không tăng. Chưa kể, hiện nay có rất nhiều xe cạnh tranh nhau chở hàng. Tình trạng này kéo dài không chỉ người dân mà doanh nghiệp vận tải cũng sẽ “chết” vì phát sinh chi phí bất hợp lý”, ông Hải nói.

Là người thường xuyên qua lại trạm thu phí Cai Lậy, ông Đỗ C. (ngụ TP Tân An, Long An) cho biết, đoạn đường tránh dài 12km, hai làn xe ô tô chạy lẫn xe máy nhưng phải đóng phí 180.000 đồng đối với xe 18 tấn trở lên và 35.000 đồng với xe con. Trong khi đó, vẫn đi qua Tiền Giang, cao tốc Trung Lương thu phí, QL1 không thu phí nhưng xe vẫn tập trung đi cao tốc bởi vì dài tới 60km, với 6 làn mà xe con đi hết tuyến chỉ đóng 40.000 đồng. Theo ông C. tính toán, thu tại trạm Cai Lậy cao hơn 10 lần cao tốc Trung Lương.

Còn ông Nguyễn A.Đ (ngụ Long An) cho biết: Xe 18 tấn nhận chở hàng đi từ Cà Mau ra Hà Nội rồi quay về (không có hàng), mỗi tấn hàng nhà xe thu được 2,5 triệu đồng cước phí, tính trên 12km tuyến tránh Cai Lậy thì nhà xe thu được 135.000 đồng tiền cước vận chuyển (chưa trừ chi phí) nhưng phải đóng tới 360.000 đồng (hai chiều qua trạm). Nghĩa là lộ phí cao gần gấp 3 lần doanh thu vận tải… Ông V. (tài xế ngụ TPHCM) cho rằng chủ đầu tư xây dựng tuyến tránh nhưng đặt trạm thu phí trên QL1 là điều bất hợp lý. “Tôi đề nghị chủ đầu tư, Bộ GTVT và UBND tỉnh Tiền Giang phải giải quyết thỏa đáng việc này” - ông V. nói.

Như Tiền Phong đã đưa tin, chiều tối 13/8, các tài xế khi qua trạm thu phí Cai Lậy đã dùng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng, 500 đồng… để mua vé khiến giao thông ùn tắc và hỗn loạn, trạm đã buộc phải “xả cửa” nhiều lần, đến gần 19 giờ tình hình tạm vãn hồi. Tuy nhiên, đến 20 giờ cùng ngày, các phương tiện này tiếp tục quay trở lại nên nhà đầu tư xả trạm, đến 0 giờ ngày 14/8 mới bắt đầu thu lại…

Xả cửa trạm thu phí Cai Lậy

Chiều tối 14/8, trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) lại tiếp tục buộc phải “xả cửa” không thu phí vì tình trạng kẹt xe tái diễn. Ghi nhận của Tiền Phong lúc 16 giờ, cảnh tượng đoàn xe dài ùn ứ khi qua trạm lại diễn ra. Tình trạng càng kéo dài buộc trạm thu phí không lâu sau đó phải xả trạm, các phương tiện lưu thông tự do. Đến gần 20 giờ, phương tiện qua trạm vẫn lưu thông bình thường mà không cần mua vé. Tại các cabin không có nhân viên, gác chắn cũng không hạ xuống, trạm thu phí như “vườn không nhà trống”… 

Bộ GTVT sẽ chỉ giảm giá vé?

Trả lời Tiền Phong chiều 14/8 về tình hình căng thẳng tại trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay Tổng cục Đường bộ đã cử đoàn công tác vào làm việc tại trạm thu phí. “Sau khi có báo cáo của Tổng cục Đường bộ, lãnh đạo Bộ sẽ họp bàn ngay để giải quyết các bức xúc của chủ phương tiện” - ông Đông nói và cho biết: Bộ GTVT sẽ xem xét cả hai khía cạnh: Giảm giá cho người dân xung quanh trạm và giảm chung cho toàn bộ các phương tiện.  

Về giảm giá đối với các hộ dân quanh trạm, ông Đông cho hay, đây là chủ trương chung của Bộ GTVT đối với toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc. Trước đây, Bộ GTVT dự định ban hành một chính sách chung cho toàn bộ các trạm thu phí theo hướng sẽ giảm cho người dân quanh trạm theo khoảng cách (nội dung này được công bố tại Toạ đàm Giải pháp nào giải quyết bất cập tại trạm thu phí do Tiền Phong tổ chức ngày 19/4/2017). Sau đó, lãnh đạo Vụ Đối tác công tư (cơ quan tham mưu thuộc Bộ GTVT) cho biết, do mỗi trạm thu phí có đặc thù khác nhau nên Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục Đường bộ khảo sát để đưa ra chính sách cho từng trạm. Chiều 14/8, Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện cho hay, hiện công tác khảo sát để xây dựng chính sách chung cho dân sống quanh các trạm thu phí và của riêng trạm Cai Lậy vẫn đang trong quá trình khảo sát, xây dựng.

Sỹ Lực

MỚI - NÓNG