Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 1-2010:

Xử lý cán bộ nếu để dân đói

Xử lý cán bộ nếu để dân đói
TP - “Chính phủ đã xuất 23.000 tấn gạo để cứu trợ người dân tại những vùng khó khăn ăn Tết. Chính phủ đã giao cho Chủ tịch UBND tỉnh, TP chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước nhân dân trong việc đưa gạo kịp thời, đúng đối tượng, để mọi người dân có lương thực ăn Tết. Cán bộ nào vi phạm phải bị xử lý nghiêm".

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại buổi họp báo ngày 1-2, thông tin kết quả phiên họp thường kỳ tháng 1-2010 của Chính phủ.

Xử lý cán bộ nếu để dân đói ảnh 1
Hỗ trợ đồng bào khó khăn tại Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Huy

Dẫn báo cáo của Bộ KH&ĐT, ông Phúc khẳng định, nền kinh tế nước ta tiếp tục có bước phục hồi rõ hơn. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1-2010 tăng hơn 28% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng xuất hiện những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô. Đó là khả năng tái lạm phát, trong đó một số mặt hàng tăng giá bất hợp lý; nhập siêu tăng mạnh, đề phòng một cuộc khủng hoảng tiếp theo…

Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu tổ chức Tết vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm. Xử lý nghiêm việc đốt pháo, đốt đèn trời, đi lễ hội nhiều. Chấm dứt việc biếu quà mang tính chất tiêu cực, sử dụng tiền ngân sách cho hoạt động này.

Đang kiểm tra thị trường đường

Trả lời Tiền Phong về những biến động trên thị trường đường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho biết, sau khi Bộ NN&PTNT có kiến nghị về việc nhập khẩu 100.000 tấn đường,  Bộ Công Thương đã có văn bản trình Chính phủ cho nhập ngay 50.000 tấn đường thương mại và một lượng nhất định đường thô để can thiệp thị trường.

Về mức chênh lệch lớn giữa giá bán buôn tại nhà máy và giá đường tại siêu thị, ông Biên cho biết, Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường phối hợp với Ban chỉ đạo 127 cho kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm những cơ sở có hành vi đầu cơ, tăng giá đường bất hợp lý.

Ủy ban Kiểm tra T.Ư đang kiểm tra hoạt động tại SCIC

Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về việc xử lý sau kết luận kiểm toán tại Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Thường trực Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan chủ trì kiểm tra và kết luận về việc chi trả lương ở SCIC đúng hay sai.

Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành khác rà soát, đánh giá lại việc phê duyệt đơn giá tiền lương, tính doanh thu để giao đơn giá tiền lương.

Về các nội dung kiểm toán khác, ông Hà cho biết, cơ chế hiện hành vẫn xác định SCIC là doanh nghiệp nhà nước thuần túy. Nhưng với mô hình đặc biệt của SCIC thì cần phải đánh giá lại và có cơ chế chính sách cho phù hợp.

Hiện, Bộ Tài chính đã dự thảo đề án để củng cố và hoàn thiện mô hình SCIC để báo cáo Bộ Chính trị. Bộ Tài chính cũng đã xây dựng Nghị định riêng về hoạt động kinh doanh vốn Nhà nước, đặc biệt là SCIC và những mô hình có chức năng tương tự SCIC, để trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới.

Trong nghị định này sẽ quy định cụ thể thế nào là doanh thu, chi phí, lợi nhuận của SCIC; cơ chế phân phối lương thưởng ra sao. Từ đó có cơ chế quản lý tài chính đối với SCIC cho phù hợp.

Ông Hà cho biết thêm, hiện nay Ủy ban Kiểm tra T.Ư đang kiểm tra hoạt động liên quan đến SCIC. Ủy ban Kiểm tra đã làm việc với Bộ Tài chính và cá nhân những đồng chí phụ trách SCIC. “Khi nào có báo cáo kết luận chính thức là thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra T.Ư”- Ông Hà nói. 

Tăng mức xử phạt vi phạm giao thông là cần thiết

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ cũng đã nghe đề án về tăng mức xử phạt vi phạm giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ông Phúc cho rằng, đề xuất tăng mức xử phạt là cần thiết, nhiều nước đã áp dụng việc này. Tuy nhiên, vấn đề này cần được xem xét kỹ vì liên quan đến Pháp lệnh xử phạt hành chính.

MỚI - NÓNG