Xử lý nhà sai phép : Có thể phạt cho tồn tại

Xử lý nhà sai phép : Có thể phạt cho tồn tại
TPO - Sáng nay, 6/3, Hà Nội đã chính thức có cuộc “giải trình” với báo chí về thực trạng nhà xây sai phép. Trong 2 phương án xử lý, đáng chú ý có phương án 'phạt cho tồn tại' với nhiều điều kiện đi kèm.  

Trước dư luận về tình trạng những công trình xây dựng sai phép, không phép trên địa bàn TP Hà Nội trong thời gian qua, hôm nay (6/3), Hà Nội đã chính thức có cuộc “giải trình” với báo chí về vấn đề này. Tuy nhiên, nội dung “giải trình” dường như chưa thực sự thoả mãn dư luận.

Với việc xử lý cán bộ sai phạm, các đoàn thanh tra công vụ đều đã có báo cáo, hiện đang chờ kết luận của lãnh đạo thành phố, làm cơ sở xử lý cán bộ. Còn với các công trình sai phạm, vẫn phải tiếp tục chờ… chủ đầu tư đề xuất phương án!

Về nguyên tắc xử lý công trình sai phạm, Giám đốc Sở Xây dựng HN Đỗ Xuân Anh trình bày 2 phương án, theo tinh thần chỉ đạo của thành phố:

Thứ nhất, chủ đầu tư phải tự tháo dỡ phần sai phép, nếu không tự khắc phục thì công trình sẽ không được đưa vào sử dụng và có thể bị cưỡng chế tháo dỡ (chủ tòa nhà sẽ phải trả kinh phí phá dỡ).

Thứ hai, căn cứ thời điểm vi phạm và xem xét kiến nghị để cho sử dụng hoặc sử dụng tạm thời với các điều kiện sau: Công trình phải cơ bản phù hợp với quy hoạch, kiến trúc khu vực và an toàn theo quy định. Chủ đầu tư phải tự nguyện khắc phục các thiệt hại gây ra cho cộng đồng và thành phố bằng việc đóng góp kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tương đương với phần hưởng lợi do vi phạm tạo ra.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng, chủ công trình phải đề xuất phương án, trên cơ sở căn cứ quy hoạch-kiến trúc cũ để để công trình mới đảm bảo kiến trúc và an toàn sử dụng.

Hiện tại, các chủ công trình vi phạm đều đã có báo cáo giải trình, nhận lỗi, xin được nhận mức phạt tiền ở mức cao nhất (khoảng 70 triệu đồng/công trình), thay vì tự phá dỡ.

Ông Anh khẳng định, quan điểm xử lý công trình sai phép của Hà Nội là phải xử lý kiên quyết nhưng không cực đoan, vừa nghiêm minh theo quy định vừa đủ để răn đe đối tượng vi phạm.

Đồng thời, bên cạnh việc xử lý chủ đầu tư (đình chỉ công trình, phạt hành chính…), thành phố sẽ xử lý trách nhiệm các chủ thể liên đới, như tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu, cán bộ chính quyền buông lỏng quản lý cũng bị xử lý.

Với các cán bộ trực tiếp để xảy ra sai phạm, ông Đỗ Xuân Anh cho biết, dựa vào báo cáo của thanh tra công vụ, Hà Nội đang xem xét xử lý cán bộ có liên quan do thiếu  trách nhiệm, buông lỏng quản lý. Đây là những sai phạm đã rõ nên xử lý ngay theo lỗi vi phạm hành chính.

Theo ông Đỗ Xuân Anh, trong quá trình kiểm tra các công trình xây sai phép, không phép tại số 4 Đặng Dung, số 2 ngõ 31 Nguyễn Chí Thanh, 221-223 Bạch Mai, 14 Phó Đức Chính, thanh tra Hà Nội chưa phát hiện các hành vi tiêu cực.

Hiện có một số cán bộ bị tạm đình chỉ công tác là do buông lỏng quản lý. “Tuy nhiên, nếu phát hiện có tiêu cực tại đây, thành phố tiếp tục xem xét xử lý nghiêm minh”- Ông Anh nói. 

Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin Đỗ Quý Doãn hoan nghênh sự cầu thị và tiếp thu của Hà Nội đối với những thông tin báo chí phản ánh vừa qua. Ông đề nghị các cơ quan chức năng của Hà Nội tiếp tục hợp tác, cung cấp thông tin cho báo chí trong việc xử lý cán bộ cũng như các công trình xây dựng sai phạm trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG