Xử lý tham nhũng: Cấp dưới nhùng nhằng, cấp trên sẽ giải quyết!

Xử lý tham nhũng: Cấp dưới nhùng nhằng, cấp trên sẽ giải quyết!
TP - Bên hành lang Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã có cuộc trao đổi với báo giới về việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các địa phương, cũng như các giải pháp đối với tình trạng khiếu kiện đông người đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương.
Xử lý tham nhũng: Cấp dưới nhùng nhằng, cấp trên sẽ giải quyết! ảnh 1

Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền

Tổng Thanh tra nói:

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng, có nội dung về việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư (Ban chỉ đạo địa phương - PV), sẽ được trình QH trong kỳ họp thứ nhất này...

Dự kiến, mô hình tổ chức của các Ban Chỉ đạo địa phương tương tự ở T.Ư, tức là dưới địa phương do Chủ tịch UBND là người đứng đầu làm Trưởng ban, có một ủy viên thường trực làm chuyên trách, còn lại các cơ quan chức năng có liên quan khác tham gia làm thành viên.

Dĩ nhiên, để Ban Chỉ đạo địa phương hoạt động tốt, phải có quy chế, quy định cụ thể, nhất là các cơ quan liên quan đến việc thanh tra, kiểm tra, điều tra, càng phải có quy chế riêng.

Trong việc xử lý các vụ án trọng điểm, Trưởng ban Chỉ đạo địa phương phải chịu trách nhiệm chỉ đạo phối hợp để các cơ quan tham gia làm thật tốt, tránh đùn đẩy, chồng chéo, và né tránh.

Có nhiều dư luận lo ngại vấn đề Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở địa phương, thưa ông?

Vấn đề này đã được bàn đến. Trên Chủ tịch UBND các tỉnh, đã có Ban Chỉ đạo T.Ư để kiểm tra và giám sát việc thực hiện phòng, chống tham nhũng ở các tỉnh. Nếu như thấy ở địa phương có những vụ việc liên quan đến trách nhiệm của những người đứng đầu, thì cấp T.Ư sẽ lấy lên để xem xét, giải quyết, chứ không để ở địa phương làm.

Như thế sẽ đảm bảo được tính nghiêm minh và khách quan, ở chỗ nếu để địa phương làm thì có khi sẽ dẫn đến nhùng nhằng do nể nang, do liên đới trách nhiệm, nhưng trong các trường hợp đó T.Ư sẽ lấy các vụ việc đó lên để xem xét, giải quyết.

Phải có sự chuyển động về trách nhiệm từ trên xuống dưới

Thời gian qua có nhiều đoàn khiếu nại đông người, vượt cấp tại trụ sở các cơ quan Nhà nước tại Hà Nội và TPHCM. Được biết, Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp nhằm hạn chế, chấm dứt tình trạng khiếu kiện đông người. Xin ông cho biết nội dung những giải pháp đó?

Để giải quyết khiếu kiện đông người, trước hết cần rà soát lại cơ chế, chính sách, nhất là cơ chế, chính sách liên quan đến đền bù giải tỏa đất đai. Thủ tướng đã chỉ đạo ngay trong tháng 8 tới đây, phải điều chỉnh lại một số quy định về đất đai, đền bù giải tỏa cho người dân.

Tổng số lượt công dân đã tiếp của các cơ quan chức năng của các tỉnh, TP phía Nam trong 6 tháng đầu năm là 51.577 lượt công dân; số đơn thư khiếu tố tiếp nhận là 31.387 đơn; trong đó đã giải quyết theo thẩm quyền 52.356 đơn.

Trụ sở tiếp công dân của T.Ư Đảng và Nhà nước tại 210 Võ Thị Sáu TPHCM đã tiếp 2.919 lượt người, trong đó nhiều đoàn khiếu nại đông người thuộc các tỉnh: Cần Thơ, TPHCM, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp,Tiền Giang, An Giang, Bình Dương, Bến Tre, Bình Thuận…

Đi liền với vấn đề này, cần có chính sách xã hội để hỗ trợ cho những người dân bị thu hồi đất, vì nói chung vừa qua việc đền bù chưa thực sự thỏa đáng.

Thứ hai là nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đặc biệt là của người đứng đầu ở địa phương. Ví như việc triển khai các dự án phải công khai, bàn bạc với người dân, hay là trong giải quyết khiếu kiện phải tổ chức tiếp dân, xử lý đơn thư khiếu kiện của người dân cho đến nơi đến chốn, các vụ việc nhùng nhằng thì phải tổ chức đối thoại với dân để giải quyết dứt điểm.

Thứ ba là tăng cường tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục người dân, bởi vì qua khiếu kiện có thể thấy sự hiểu biết pháp luật của một số người dân nói chung chưa đầy đủ. Sau cùng, phải có biện pháp kiên quyết đối với những người lợi dụng việc khiếu kiện để gây rối, kích động và vụ lợi.

Trong tất cả các giải pháp đó, tôi nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền địa phương và trách nhiệm của các cơ quan chức năng thuộc Chính phủ. Phải có sự chuyển động về trách nhiệm từ trên xuống dưới chúng ta mới có thể giải quyết vấn đề khiếu kiện đông người.

Chúng ta đã nói nhiều về chuyện địa phương nào để dân khiếu kiện mà không xử lý thì Chủ tịch ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý. Tuy nhiên hiện nay chưa có một chế tài nào để thực hiện việc xử lý như thế nào, xử lý ra sao?

Đúng là chưa có quy định cụ thể, tới đây trong việc sửa đổi Luật Khiếu nại, tố cáo cũng như sửa Luật Thanh tra, chúng tôi có đề cập vấn đề này. Tuy nhiên, trước mắt vẫn có những quy định về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước trong nhiều lĩnh vực, nhất là cải cách hành chính, nhằm chấm dứt phiền hà cho dân.

Liên quan đến vấn đề này, qua thanh tra chúng tôi nhận thấy tỉnh Tây Ninh là một điển hình, ở chỗ vấn đề của tỉnh này đã được đặt ra từ lâu nhưng giải quyết chưa rốt ráo.

Hiện Thanh tra Chính phủ đang có một đoàn làm việc ở Tây Ninh, để cùng với các đồng chí ở đây giải quyết, sau đó tuỳ thuộc và diễn biến thực tế chúng tôi sẽ kiến nghị xử lý cụ thể hơn.

Thưa ông, việc thanh tra TCty Hàng không VN kết thúc đã lâu, vì sao chưa có thông báo kết luận thanh tra?

Chỉ là trục trặc về kỹ thuật viết thôi, chứ không có vấn đề gì, hiện đã có dự thảo thông báo kết luận này.

Xin cảm ơn ông!                                                       

Võ Văn Thành ghi

MỚI - NÓNG