Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để oan người vô tội

Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để oan người vô tội
TP - Theo báo cáo của ngành Kiểm sát nhân dân, thời gian qua, đã có nhiều trường hợp VKS truy tố nhưng Tòa án tuyên không có tội. Bên lề kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XII, báo chí đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Vượng.
Xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để oan người vô tội ảnh 1
Ông Trần Quốc Vượng

Ông Vượng nói:

Mục tiêu của chúng tôi từ giờ trở đi là không được để oan người vô tội. Chúng tôi đặt chỉ tiêu cho VKS các tỉnh là nếu xảy ra một trường hợp oan thì trong năm coi như cơ quan đó không đạt được bất kỳ danh hiệu thi đua nào...

Để khắc phục tình trạng nói trên, có rất nhiều giải pháp. Trước hết là mỗi cán bộ kiểm sát phải tăng cường trách nhiệm bản thân, kết luận của mình phải có chứng cứ, không được suy đoán...

Cũng phải tăng cường đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ kiểm sát, đồng thời với việc tăng cường kiểm tra, giám sát của các cấp,  nhất là việc quy trách nhiệm cho các viện trưởng và các trưởng phòng.

Thời gian qua, đã xuất hiện một số trường hợp các KSV có hành vi vi phạm pháp luật và đã bị bắt giam. Vậy việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu thế nào?

Trước hết, người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm cá nhân trước pháp luật, nếu vi phạm luật hình sự thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó người đứng đầu cơ quan đó cũng phải bị xử lý trách nhiệm theo quy chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu.

Cụ thể, chúng tôi đang xem xét để xử lý trách nhiệm của Viện trưởng Viện KSND huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) vì đã để  xảy ra tiêu cực và 2 KSV đã bị bắt.

Có ý kiến cho rằng khi ra tranh tụng tại tòa, có những KSV đuối lý hơn so với luật sư?

Nói rằng rất nhiều KSV đuối lý hơn luật sư là không đúng, mà chỉ có một số trường hợp rất ít mà thôi. Về việc này, chúng ta đã có chủ trương lấy việc tranh tụng tại tòa làm trọng tâm, trong đó nhấn mạnh vai trò của luật sư và KSV. Chính vì vậy, trong năm nay chúng tôi đã giao cho VKS cấp tỉnh và VKS cấp huyện phải tổ chức phiên tòa mẫu để rút kinh nghiệm.

Thưa ông, có hay không tình trạng “họp án” để thống nhất quan điểm xử lý một vụ án, và đó cũng là một trong những nguyên nhân gây oan sai?

Điều đó không đúng vì việc “họp án” chỉ nhằm mục đích nhắc nhở nhau làm đúng pháp luật chứ không phải để thống nhất án.

Cảm ơn ông.                                                        

Võ Văn Thành ghi

MỚI - NÓNG