Gộp giấy phép lái xe ô tô, xe máy làm một:

Xử lý vi phạm sẽ thế nào?

CSGT sẽ khó xử lý đối với tài xế có GPLX mô tô đã bị tạm giữ khi điều khiển ô tô. Ảnh: Minh Đức
CSGT sẽ khó xử lý đối với tài xế có GPLX mô tô đã bị tạm giữ khi điều khiển ô tô. Ảnh: Minh Đức
TP - Sau một tháng triển khai đổi giấy phép lái xe (GPLX) mô tô và ô tô từ giấy sang thẻ nhựa, đồng thời tích hợp 2 loại GPLX này vào làm một, bước đầu cho thấy nảy sinh một số bất cập trong xử lý vi phạm giao thông.

Thông tư số 38/2013 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có hiệu lực từ ngày 1/3/2014, trong đó quy định cụ thể lộ trình đổi 32 triệu GPLX mô tô và ô tô bằng giấy sang GPLX bằng thẻ nhựa (vật liệu PET).

Trước đó, Thông tư số 46 ban hành ngày 7/11/2012 của Bộ GTVT quy định: Mỗi người chỉ được cấp duy nhất một GPLX bằng vật liệu PET. Như vậy, theo lộ trình, người dân sẽ phải chuyển đổi, gộp chung cả 2 loại GPLX ô tô và mô tô vào một GPLX duy nhất bằng thẻ PET (dù khi chuyển đổi GPLX ô tô, chưa quy định bắt buộc phải nộp lại GPLX mô tô).

Lo ngại bất tiện khi xử lý

Việc nhập chung 2 GPLX ô tô và mô tô vào một khiến nhiều người lo ngại sẽ bất tiện và thực tế khi lực lượng CSGT khi xử lý người vi phạm sẽ nảy sinh nhiều bất cập. “Việc gộp GPLX ô tô và mô tô vừa bất tiện cho người điều khiển phương tiện giao thông vừa khó cho cả người xử lý” - Anh Nguyễn Tiến Minh (Long Biên, Hà Nội) nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại tá Trần Văn Luân (Trưởng phòng CSGT - Công an tỉnh Nam Định) nói, việc xử lý vi phạm tùy thuộc vào mức độ vi phạm, ví dụ phương tiện chạy vượt quá tốc độ 10km sẽ tạm giữ GPLX 1 tháng, nếu vượt quá 20 km sẽ tước GPLX. “Việc gộp chung GPLX có thể phát sinh nhiều bất cập khi xử lý, song đó là của bên ngành GTVT” - đại tá Luân nói.

Ngành GTVT đã cấp 34 triệu GPLX trong đó có 2 triệu GPLX ôtô và 32 triệu GPLX môtô. Việc triển khai cấp GPLX theo mẫu mới bằng vật liệu PET đã thực hiện cho hơn 2 triệu GPLX, còn lại gần 32 triệu GPLX bằng giấy, theo lộ trình đến cuối năm 2020 phải chuyển đổi xong. Lệ phí cấp đổi GPLX là 135.000 đồng.

Cụ thể hơn, đại tá Đinh Văn Ninh (Trưởng phòng CSGT - Công an tỉnh Ninh Bình) giải thích, người điều khiển vi phạm Luật giao thông khi điều khiển phương tiện gì sẽ chỉ xử lý tới đó. “Nếu anh đi xe máy bị tạm giữ GPLX trong đó tích hợp cả GPLX ô tô, thì khi điều khiển ô tô sẽ dùng văn bản tạm giữ đó để xuất trình với lực lượng CSGT. Tuy nhiên, khi đó CSGT chỉ có thể dựa vào văn bản vi phạm lần trước làm căn cứ để xử phạt, chứ không còn GPLX để lập biên bản tạm giữ hoặc tước. Để xảy ra bất cập này do ngành GTVT chưa nghiên cứu kỹ các phương án xử lý người vi phạm” - ông Ninh nói.

Đại tá Đào Vịnh Thắng (Trưởng phòng CSGT - Công an TP Hà Nội) cũng cho rằng, việc gộp các loại GPLX A1, B1, B2… với nhau là bên Sở GTVT thực hiện, CSGT chỉ xử lý vi phạm theo quy định pháp luật. “Người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm, nếu có GPLX thì xử lý theo kiểu có, không có thì xử lý theo kiểu không...” - ông Thắng nói.

32 triệu GPLX phải chuyển đổi

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chủ trương của Bộ GTVT về cấp mới, đổi 32 triệu GPLX bằng giấy sang thẻ nhựa để phục vụ công tác quản lý và đáp ứng nhu cầu hội nhập.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết thêm, đơn vị đã triển khai việc thực hiện cấp, đổi, gộp GPLX theo mẫu mới từ 1/3/2014, chưa có số liệu tổng hợp đã có bao nhiêu trường hợp đã gộp GPLX.

Ông Thắng cũng thừa nhận có bất cập trong việc xử lý vi phạm. “Trường hợp người điều khiển phương tiện ô tô hoặc mô tô khi vi phạm Luật giao thông thì bắt buộc lực lượng chức năng phải giữ cả 2. Điều này cũng nảy sinh nhiều bất cập và phải phụ thuộc vào sự linh hoạt của lực lượng chức năng khi xử lý vi phạm. Trường hợp quy định bất hợp lý chúng tôi sẽ trình Bộ GTVT điều chỉnh lại” - ông Thắng nói.

Hạn chót 2020 hoàn thành

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thắng, đã có một số trường hợp người điều khiển phương tiện ô tô không hài lòng, khi họ mang GPLX hết hạn đến đổi được cấp gộp lại với GPLX mô tô. Song, do mỗi người dân chỉ có một mã số ID (mã số cá nhân), nên khi nhập mã số GPLX lên hệ thống bắt buộc phải nhập các loại GPLX làm 1, máy móc mới hoạt động. “Hơn nữa, đây là quy định bắt buộc phải thực hiện” – ông Thắng nói.

Trước mắt, những người chỉ sử dụng GPLX mô tô (không xác định thời hạn), việc thực hiện gộp GPLX phụ thuộc vào sự tự nguyện của người dân, nhưng về sau sẽ phải tuân thủ lộ trình. Theo đó, GPLX ô tô sẽ phải chuyển đổi trước ngày 31/12/2014; GPLX A4 chuyển đổi trước ngày 31/12/2015.

Về GPLX không thời hạn (A1; A2; A3): Cấp trước năm 2003 phải chuyển đổi trước ngày 31/12/2016; trước năm 2004 phải chuyển đổi trước ngày 31/12/2017; cấp trước năm 2007 phải chuyển đổi trước ngày 31/12/2018; cấp sau năm 2010 phải chuyển đổi trước ngày 31/12/2020.

Dùng biên bản, quyết định xử phạt để thay GPLX

Liên quan đến việc xử lý các vấn đề phát sinh sau khi tích hợp giấy phép lái xe (GPLX), Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) Hoàng Thế Tùng – người tham gia soạn thảo Nghị định 71/2012 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cho biết: Theo Nghị định này, trường hợp người vi phạm bị tạm giữ GPLX thì biên bản vi phạm hành chính có thể dùng để thay thế GPLX; biên bản này có tác dụng thay thế trong thời hạn phải xử lý vụ việc (được ghi trong biên bản).

Trường hợp bị tước GPLX (mất quyền điều khiển phương tiện), ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh thanh tra Bộ GTVT cho biết: Thanh tra Bộ GTVT đã xây dựng xong dự thảo thông tư của Bộ GTVT hướng dẫn về vấn đề này, đã trình lãnh đạo Bộ phê duyệt. Theo đó, để giải quyết việc một người có quyền lái nhiều loại phương tiện khác nhau (được tích hợp trong một GPLX) bị tước bằng lái này, Bộ GTVT sẽ xử lý theo hướng: Người vi phạm được người xử phạt cấp cho một quyết định xử phạt; trong đó ghi rõ loại phương tiện bị tước quyền điều khiển; loại phương tiện vẫn được quyền điều khiển. Quyết định này có tác dụng như một GPLX.

Sỹ Lực

MỚI - NÓNG