Xử nghiêm cán bộ bảo kê, tiếp tay buôn lậu (*)

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ-Trưởng Ban chỉ đạo 389
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ-Trưởng Ban chỉ đạo 389
Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc-Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Chính phủ-Trưởng Ban chỉ đạo 389 về công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Chúng ta đang vận hành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Thực hiện mục tiêu này, toàn đảng, toàn dân đã và đang nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, nhiều khó khăn thách thức đặt ra cần phải được khắc phục, đó không chỉ là sự tụt hậu về công nghệ, năng suất lao động thấp, chi phí sản xuất lớn, năng lực quản lý hạn chế,... mà còn là tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả diễn ra ngày càng trầm trọng, đang trở thành vấn nạn lớn. Tình trạng này dẫn đến hủy hoại sản xuất, kinh doanh chân chính, tác động tiêu cực đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng, làm vẩn đục môi trường kinh doanh và làm xấu đi hình ảnh quốc gia trong con mắt các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế.

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và tích cực trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp với thủ đoạn tinh vi, quy mô ngày càng lớn, diễn ra với không gian rộng, từ hải đảo đến đất liền, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thành thị đến nông thôn,... làm ảnh hướng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng, gây mất niềm tin trong giới kinh doanh và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.

Câu hỏi đặt ra là vì sao tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả ở nước ta lại diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng? đã có nhiều câu trả lời, song nhìn chung thực trạng này xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan chủ yếu sau:

Trước hết Nước ta có bờ biển và đường biên giới với tổng chiều dài gần 8.000km, chạy qua nhiều địa hình phức tạp là điều kiện thuận lợi cho hoạt động buôn lậu. Là quốc gia đang phát triển có quy mô dân số trên 90 triệu người, nằm ở trung tâm khu vực sản xuất năng động của thế giới, vì vậy Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, nền sản xuất của chúng ta còn nhỏ bé, sức cạnh tranh yếu, hệ thống luật pháp hiện thiếu đồng bộ, quy chế, quy trình chưa đầy đủ, phân định trách nhiệm chưa rõ ràng, phối hợp giữa các lực lượng chưa chặt chẽ; tâm lý sính hàng ngoại, thích sử dụng “hàng hiệu” cũng là điều kiện để tệ nạn này xâm nhập và phát triển.

Mặt khác, một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong phát triển kinh tế- xã hội, dẫn đến còn thờ ơ trong chỉ đạo, trong tuyên truyền, trong kiểm tra đôn đốc, trong phối hợp công tác. Trong nhiều trường hợp vì lợi ích cục bộ nên đã làm ngơ, buông lỏng quản lý, đáng chú ý là một bộ phận cán bộ, chiến sỹ thừa hành nhiệm vụ thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu rèn luyện phẩm chất đạo đức dẫn đến tha hoá, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bảo kê, tiếp tay cho bọn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả …

Từ những nguyên nhân nêu trên dẫn đến cuộc đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng, nhà nước và nhân dân mong đợi.

Chúng ta đều biết, Đảng, chính phủ luôn quan tâm và đã đề ra nhiều chủ trương chính sách nhằm ngăn chặn, phòng ngừa “vấn nạn” này. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) đã nhấn mạnh: "Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, phát huy vai trò của nhân dân để tiến hành có hiệu quả những biện pháp chống buôn lậu trên các tuyến biên giới, vùng biển và trên thị trường nội địa. Ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại hoặc tiếp tay, bao che cho buôn lậu". Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Chỉ thị Chỉ thị số 853/CT-TTg ngày 16/10/1997, xác định: “ Buôn lậu đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, đã gây ra những hậu quả nguy hại về kinh tế- xã hội, cản trở quá trình phát triển lành mạnh của kinh tế đất nước..”, yêu cầu “Chính quyền các cấp cần tập trung lực lượng để đấu tranh mạnh mẽ vào các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là các hoạt động buôn lậu có tổ chức”, chỉ đạo “xử lý nghiêm minh các vụ buôn lậu, gian lận thương mại; điều tra kết luận và xử lý ngay một số vụ buôn lậu điển hình để răn đe và giáo dục chung” . Gần đây Chính phủ tiếp tục khẳng định, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả không chỉ là cản lực đang làm suy yếu nền kinh tế đất nước mà còn liên quan, gắn bó và nảy sinh tệ nạn tham nhũng. Quyết tâm ngăn chặn đẩy lùi ”quốc nạn” này, ngày 19/03/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 389/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên cơ sở củng cố và nâng cấp ban chỉ đạo 127 đã được thành lập năm 2001 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389), Cơ quan thường trực đặt tại Bộ Tài chính, cùng với sự tham gia của các Bộ ngành khác như Bộ Công thương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an,..., nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cũng được xác định rõ ràng hơn trước đây. Điều này thể hiện sự kỳ vọng của chính phủ vào kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 thời gian tới.

Dựa trên cơ sở pháp lý mới, để thực hiện tốt nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chúng ta cần suy nghĩ và tập trung một số nội dung, giải pháp sau đây:

1. Các cấp uỷ đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thường xuyên quán triệt cán bộ, đảng viên về nguy hại của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trên cơ sở đó có chủ trương, giải pháp cụ thể để kịp thời lãnh đạo công tác phòng chống vấn nạn lớn này đạt hiệu quả cao nhất. Chúng ta phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị và việc làm này phải được triển khai thường xuyên, liên tục, bền bỉ và lâu dài.

2. Thủ trưởng các Bộ, Ngành, chính quyền các cấp, lãnh đạo các đơn vị phải chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên lực lượng chức năng làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc địa bàn, quản lý từng hộ, từng người, từng tuyến biên giới, từng khu vực dân cư, từng cơ quan, doanh nghiệp để phát hiện những phương thức, thủ đoạn, mặt hàng mới, những tuyến, địa bàn, khu vực nhạy cảm đối tượng thường lợi dụng để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trên cơ sở đó chỉ đạo lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường, Công an, cơ quan thuế chủ động và phối hợp chặt chẽ xây dựng phương án, biện pháp, kế hoạch phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ có hiệu quả với phương châm phát hiện ngăn chặn từ biên giới, bắt giữ, xử lý quyết liệt trong nội địa, kiên quyết điều tra triệt phá các đường dây, ổ nhóm, xử lý nghiêm, đúng pháp luật những đối tượng chủ mưu, cầm đầu nhằm phòng ngừa, răn đe và tuyên truyền rộng rãi toàn xã hội.

3. Kịp thời rà soát lại mô hình tổ chức của các đơn vị chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hoàn thiện quy chế, quy trình, thủ tục với tinh thần cải cách hành chính nhưng phải chặt chẽ, cụ thể hóa trách nhiệm của đơn vị, cá nhân; lựa chọn, sắp xếp cán bộ phải bảo đảm đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị. Đồng thời, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc để các đơn vị có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thường xuyên giáo dục chính trị, tư tưởng nâng cao tinh thần trách nhiệm kết hợp phòng và chống các biểu hiện tiêu cực trong cán bộ, chiến sỹ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, xử lý nhanh chóng, nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với những tập thể và cá nhân buôn lậu, bảo kê, tiếp tay, dung túng cho các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

4. Chính quyền các cấp, các cơ quan truyền thông phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật cả bề rộng và chiều sâu về nguy hại và công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả để mọi người không tham gia, không tiếp tay, không bao che, không làm ngơ đối với hoạt động này. Mặt khác, cần động viên, khuyến khích người dân phát hiện, tố giác các đường dây, ổ nhóm hoạt động vi phạm pháp luật, kịp thời nghiên cứu đề xuất phương án bảo vệ danh tính, chế độ đãi ngộ vật chất, tinh thần đối với người có công phát hiện, cung cấp thông tin liên quan cho các lực lương chức năng. Quá trình điều tra, bắt giữ, xử lý vi phạm, chú ý phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý nhà nước, chế độ chính sách, pháp luật để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tới.

5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng đường biên giới đoàn kết, hợp tác, hữu nghị với các nước láng giềng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, cụ thể, phù hợp thực tiễn. Các ngành chức năng cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp xây dựng, bảo vệ thương hiệu, nhãn mác, kiểu dáng sản phẩm, giúp nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, xây dựng chính sách phát triển thương mại mậu dịch khu vực biên giới kết hợp phòng, chống, gắn với giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập để người dân không tham gia, không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, tiêu thụ hàng giả.

Có thế nói rằng, chưa bao giờ công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả lại được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo quyết liệt như hiện nay. Trên nền tảng pháp lý mới, chúng ta đã thiết lập mô hình tổ chức mới, có đủ năng lực và thẩm quyền, phân công rõ trách nhiệm, đặc biệt sự vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành. Vì vậy, địa bàn nào để hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra phức tạp, kéo dài thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, thủ trưởng các đơn vị cơ sở như công an, bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Quản lý thị trường, thuế phải chịu trách nhiệm.

Với quyết tâm chính trị và các giải pháp đồng bộ trên sẽ là động lực để chúng ta có thể từng bước ngăn chặn và đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn ra hết sức phức tạp hiện nay, qua đó lấy lại niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần khôi phục lại môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của người dân Việt Nam.

Nguyễn Xuân Phúc
Ủy viên Bộ Chính trị- Phó Thủ tướng Chính phủ , Trưởng Ban chỉ đạo 389 

(*): Tít bài do tòa soạn đặt.

MỚI - NÓNG