Xử “quan thua dân”, sợ bị “thù lâu nhớ dai”

Theo đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội), một thẩm phán xử “quan thua dân” khi được đề bạt cán bộ gặp rất nhiều khó khăn, phải chuyển công tác. Ảnh: Như Ý.
Theo đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội), một thẩm phán xử “quan thua dân” khi được đề bạt cán bộ gặp rất nhiều khó khăn, phải chuyển công tác. Ảnh: Như Ý.
TP - “Có một vụ án mà đồng chí nằm trong Hội đồng xét xử đã quyết định là “quan thua dân”, đến khi đề bạt đồng chí này gặp rất nhiều khó khăn, cuối cùng phải chuyển công tác đến một đơn vị hành chính khác”, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) kể tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật Tố tụng hành chính sửa đổi ngày 27/10.

Không sợ khó chỉ sợ không khách quan

Theo ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), Luật Tố tụng hành chính rất đặc thù, khó đi vào cuộc sống vì nó quy định việc “dân kiện quan”. Do đó, xác định thẩm quyền xét xử là vấn đề mấu chốt đầu tiên cần phải sửa để bảo đảm luật đi vào cuộc sống. 

“Người dân đi kiện, đi tìm công lý phải tìm và chọn được nơi phân xử mà họ tin là khách quan, có đủ thẩm quyền để phân định đúng, sai”, ông Hùng nói. Ông Hùng đề nghị nghiên cứu thật kỹ về thẩm quyền xét xử các vụ án hành chính sao cho bảo đảm khách quan, đúng công lý.

ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang) cũng cho rằng, dù chủ trương cải cách tư pháp là tăng thẩm quyền cho Tòa án nhân dân (TAND) cấp huyện, bảo đảm thẩm phán và tòa án độc lập xét xử. Nhưng thực tế TAND cấp huyện vẫn phụ thuộc rất nhiều vào cấp ủy, cơ quan hành chính. Do vậy, khi xét xử TAND cấp huyện vẫn bị ảnh hưởng, chi phối.

“Cũng có ý kiến cho rằng nếu để người dân lên cấp tỉnh thì đường xa gây khó khăn cho công dân. Nhưng đôi khi người dân không cần thắng thua được bao nhiêu tiền, mà cái họ cần là danh dự và công lý được thực hiện”.

ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội)

Dẫn chứng về những khó khăn trong việc xử “dân kiện quan”, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) kể: Có một vụ án mà đồng chí nằm trong Hội đồng xét xử đã quyết định “quan thua dân”. Lập tức thẩm phán đó dù có năng lực, có trình độ nằm trong quy hoạch nhưng đến khi đề bạt rất khó khăn và cuối cùng phải chuyển công tác đến một đơn vị hành chính khác để công tác. “Lấy ví dụ như vậy để chúng ta thấy rằng căn bệnh thù lâu nhớ dai trong cán bộ chúng ta không phải là không có”, ông Hà nói.

Ông Hà cũng phản ánh ý kiến của một Chánh án tòa huyện nói rằng: Nếu như quy định thẩm quyền của TAND cấp huyện mà xử các quyết định của UBND huyện thì “quan” luôn là người thắng cuộc. Từ đó, ông Hà đề nghị, cấp huyện chỉ xử các vụ án hành chính cấp xã, cấp tỉnh xử cấp huyện và Tòa án tối cao xử cấp tỉnh. 

Có như thế mới bảo đảm bản án khách quan, không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích cơ bản của công dân. “Cũng có ý kiến cho rằng nếu để người dân lên cấp tỉnh thì đường xa gây khó khăn cho công dân. Nhưng đôi khi người dân không cần thắng thua được bao nhiêu tiền, mà cái họ cần là danh dự và công lý được thực hiện”, ông Hà nói.

Băn khoăn quy định ủy quyền cho cấp dưới hầu tòa

Đề cập đến nội dung bắt buộc người ra quyết định hành chính phải hầu tòa, ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) cho rằng “không phù hợp”. Bà Bình dẫn chứng, nếu cấp tỉnh 1 năm có 100 vụ án hành chính liên quan đến UBND tỉnh thì Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch sẽ phải mất vài trăm buổi đến Tòa án để tham gia tố tụng. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội, an ninh trật tự của địa phương.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Hà (Nghệ An) cho rằng, việc người bị kiện không trực tiếp ra tòa mà chỉ ủy quyền cho cán bộ tham mưu, giúp việc là một trong những nguyên nhân khiến các vụ án hành chính kéo dài. 

ĐB Trương Thái Hiền (Kiên Giang) cũng cho rằng, đội ngũ giúp việc không nắm chắc nội dung, không có quyền quyết định nên chỉ biết nghe, ghi nhận và báo cáo lại lãnh đạo, dẫn đến nhiều vụ án bị chậm. Ngay cả việc ủy quyền cho cấp phó ra tòa, ông Hiền cũng khẳng định, khó đảm bảo tính khả thi vì cấp phó cũng có trường hợp không phải là người trực tiếp giải quyết vụ việc.

Để giải quyết vấn đề trên, ông Hiền đề nghị Luật Tố tụng hành chính nên quy định rõ, người đứng đầu cơ quan tổ chức bị khởi kiện khi ủy quyền cho người khác đại diện thay mình thì phải là người có thẩm quyền quyết định. Trong đó, người được ủy quyền phải hiểu rất rõ nội dung và chịu trách nhiệm toàn bộ việc đại diện của mình.

“Thực tế có nhiều đồng chí đi về không dám báo cáo lại đồng chí Chủ tịch và chúng tôi có khi phải trực tiếp gặp đồng chí Chủ tịch để phản ánh lại. Đây là một ách tắc trong thực tế mà chúng ta cần phải nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp”, ông Hiền phản ánh.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.