Xưa làm báo thế nào?

Xưa làm báo thế nào?
TP - Cách đây không lâu, vấn đề này vẫn là bài toán hóc búa với các nhà sử học, tâm lý học, khảo cổ học và cả… sinh vật học.

Tuy nhiên, sau đợt khai quật di chỉ cổ tại Hy Mã Hoàng Sơn Thiên cổ đại vừa qua, người ta đã phát hiện được nhiều điều quan trọng về lịch sử, đặc biệt là hoạt động báo chí.

Thời đó, loài người còn ăn lông ở lỗ, sống hoang dã trong các hang động tối tăm thì báo chí đã xuất hiện rồi. Ngày đó chưa có giấy má, da thú thì tương đối đắt nên các phóng viên phải viết trên các mảnh tre. Bởi thế khi nhìn thấy một người nào đó vác trên vai một bó tre to tướng là người ta biết chắc chắn anh ta là một phóng viên.

Người phóng viên phải có sức khỏe phi thường bởi để viết xong một bài báo cỡ vài trăm chữ, anh ta phải dùng tới cả trăm khúc tre, còn dĩ nhiên để viết một bài phóng sự thì anh ta dùng tới cả… bụi tre.

Do phóng viên không thể vừa viết vừa vác bụi tre đó được nên Ban biên tập đã giải quyết bằng cách phóng viên cứ viết rồi ném các thanh tre ở ven đường, tòa soạn sẽ cử người đi lấy.

Có lần một phóng viên nhận được giải thưởng lớn cho bài viết của mình, sau khi nhận giải anh ta thú nhận thực ra không hề viết như vậy, do bản thảo để dọc đường bị… con gì nó gặm nên tòa soạn đã hiểu khác đi.

Ngày đó vì chưa có máy chụp hình nên phóng viên ảnh chính là mấy anh chàng họa sĩ. Các hình vẽ được anh ta đập dẹt đất sét rồi bôi vẽ lên. Do màu đỏ ngày đó dùng toàn bằng tiết heo nên khi đi làm, các phóng viên ảnh đã lén đem theo rượu, đánh tiết canh nhậu tơi bời.

Giờ nộp hình, Ban biên tập cử người đi tìm thì thấy các phóng viên đang ngật ngưỡng, dĩ nhiên phần tiết tiêu chuẩn thì đã sạch sẽ. Sau nhiều lần như thế, cơ quan phải có quy định cấm đem theo rượu thì tình trạng trên mới giảm bớt.

Ngày đó phương tiện kỹ thuật khá đơn sơ nhưng thông tin nóng hổi luôn được chuyển đi một cách kịp thời. Để có sớm kết quả trận đấu vật giữa hai bộ lạc ở cách cả trăm dặm, Ban biên tập cử người đứng cách quãng 0,5km/người.

Từ sân đấu, thông tin được chuyển về tòa soạn theo kiểu giơ tay phải là bộ lạc A thắng, tay trái thì là B thắng. Người sau cứ nhìn người trước rồi báo liên tục như thế để kết quả truyền về tòa soạn. Có lần một người trong nhóm truyền tin tham gia cá độ trận đấu.

Khi nghe tin đội mình thua cuộc, anh ta giơ cả 2 tay kêu trời, báo hại hôm báo ra với kết quả trận đấu là… 2 đội cùng thắng.

Tới hạn nộp bài, người vác tre, kẻ bê đất sét nườm nượp ghé tòa soạn. Cửa hang ban biên tập ngổn ngang toàn tre và đất. Biên tập xong, họa sĩ dùng cưa cắt đục đẽo và treo trước cửa hang để Ban biên tập duyệt. Vì phải bưng bê cắt gọt suốt ngày nên các họa sĩ trình bày thường có đôi tay của một lực sĩ cỡ… kiện tướng quốc gia.

Khi đã được duyệt, các họa sĩ bắt tay vào in ấn. Gọi là in ấn cho nó oai chứ thực ra các họa sĩ chép lại y hệt bài treo trên vách vào mảnh da, dĩ nhiên kích thước nhỏ hơn rất nhiều.

Cuối cùng, khâu cam go nhất như báo chí bây giờ vẫn là khâu phát hành. Do da thú rất đắt nên thời kỳ đầu, người ta ít mua báo. Để khuyến mãi, báo thường được khoác lên người các cô gái đẹp trong trang phục… thiếu đủ thứ. Đại lý phát hành bán vé cho mọi người cùng đọc.

Có lần, giải thưởng Người siêng đọc báo nhất được trao cho một anh thanh niên, khi nhận giải anh ta thú thật là đã mua vé không phải để đọc báo mà để ngắm cô gái mà thôi.

Cảm động trước lời nói thành thật, Ban biên tập đã quyết định trao thưởng cho chàng trai, phần thưởng không gì khác chính là cô gái đẹp mà chàng đã ngưỡng mộ.

Ngày đó chưa có tiền đồng, tiền đô nên người ta mua báo bằng súc vật. Sau đợt phát hành, phòng kế toán thống kê doanh số: Bảy con voi, mười con dê, hai mươi ba con heo, bốn mươi sáu con gà. Và các phóng viên sẽ tập trung lại để chờ thủ quỹ phát nhuận bút (chia thịt) còn da thì để cho lần in báo sau.

Dĩ nhiên sau khi nhận nhuận bút, các phóng viên sẽ hùn nhau mỗi người một ít thịt để làm bữa nhậu tưng bừng và về nhà với bộ mặt phừng phừng đỏ: “Em ơi! Hôm nay anh không ăn cơm nhà đâu. Anh vừa dự liên hoan rồi”.

Và tất nhiên anh nào anh nấy đều gãi đầu gãi tai khi đưa phần thịt đã bị cắt xén cho vợ rồi nói một câu quen thuộc đã trở thành bất hủ: “Không biết sao kỳ này nhuận bút hẻo quá em ơi!”. Câu nói đó còn lưu truyền đến tận ngày nay. 

MỚI - NÓNG
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
HÌNH SỰ: Nhà hàng ở TPHCM có cả trăm nhân viên bán dâm, kích dục cho khách
TPO - TIN NÓNG ngày 28/3: Thêm một Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc bị bắt vì nhận hối lộ; Tạm giữ hình sự tài xế lái xe khách tông chết người rồi bỏ trốn; Người đàn ông bị ‘bắt cóc’ lên ô tô đưa đi ký giấy nợ mua bán thiên thạch; Nhà hàng tuyển cả trăm tiếp viên múa thoát y, bán dâm cho khách nam và nữ...