Xuân ấm giữa trùng khơi

Sư trụ trì chùa Trường Sa mừng tuổi em nhỏ
Sư trụ trì chùa Trường Sa mừng tuổi em nhỏ
TP - Trong hải trình đến với Trường Sa, Song Tử Tây thường là đảo đầu tiên đón các đoàn đại biểu. Khi chúng tôi đang xem duyệt đội ngũ, ai đó nói bên tai: “Đội hình đang tiến về phía trước kia là lính Ra đa đấy!”. 

Ấn tượng đầu tiên trong mắt tôi là hình ảnh những người lính chỉnh tề trong màu áo xanh không quân dìu dịu. Đó như màu của một bầu trời quang đãng, trong trẻo và nhẹ nhõm. Tôi tìm gặp họ, những người lính đang ngồi tiếp khách thăm đảo dưới tán phong ba. Như thói quen, tôi đưa máy ảnh lên chớp vài kiểu. Lính Ra đa vui tính và tinh tế, đồng loạt nhìn máy ảnh cười thật tươi. Một giọng hát cất lên: Ở nơi này bốn phía là trời mây/ Ăng-ten đứng đưa mắt nhìn lặng lẽ/ Cao hơn núi chúng tôi người lính trẻ/ Chiến sỹ Ra đa nơi biển, chốt biên thùy...

Trong số họ, có người lính trẻ lắm, gương mặt luôn toát lên vẻ hồn nhiên. Cậu tự giới thiệu: “Em tên Hùng, quê ở Thái Nguyên, Tết này sẽ là cái Tết đầu tiên ở đảo của em đấy! Lúc đó, chị nhớ mở điện thoại ra, gửi cho em chút gió lạnh miền Bắc nhé!”. Nghe câu ấy, tôi xúc động đến gai người. Lâu nay, người ta chỉ thường nhủ nhau gửi nụ cười, hơi ấm, còn cậu thì cần chút se sắt gió mùa. Cơn gió trong tưởng tượng ấy lướt qua tôi, từng vệt tỏa lan, biển ngoài kìa ầm ì sóng vỗ.

Chúng tôi tặng quất xuân ra quần đảo Trường Sa, khi cây vừa từ xuồng lên đảo An Bang đã thấy ngay một người đứng đợi sẵn và đón, bê cây một mạch từ bãi cát lên bờ kè. Anh nhanh chóng bước qua chiếc thang bằng sắt mà nếu đi người không đã chông chênh. Bộ đội luyện tập, đi lắm thành quen hay cảm giác đón vật phẩm mùa xuân ra đảo khiến họ quên những bấp bênh rình rập? Hỏi chuyện, được biết anh tên Thắng, quê ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Anh bùi ngùi tâm sự, người ở đảo xa, thấy một cái cây từ quê nhà vượt muôn trùng sóng dữ vào đảo như thấy quê hương đang hiện hữu, cận kề. Cây quất anh ôm vào lòng suốt ngày tháng qua đã vượt hành trình đầy sóng to, gió lớn. Họ ôm cây trong lòng mình, như ôm một đứa con thơ, như ôm trọn tin vui mùa xuân nơi đất mẹ.

Có một bức ảnh luôn thu hút mọi người vào những dịp triển lãm, bức ảnh tôi chụp đầu năm mới 2019, sư trụ trì chùa Trường Sa rạng rỡ, ân cần mừng tuổi em nhỏ đang được ẵm bồng trong vòng tay mẹ. Giản dị thế, song, dường như có những cảm xúc, năng lượng mặc nhiên và đặc biệt lắm nên cứ hút mắt, níu lòng người xem. Hình ảnh ấy khiến tôi nhớ tới không khí xuân trên đảo, vào ngày đầu năm mới, mọi người đều lên chùa lễ Phật, sum vầy, chúc nhau mọi sự an lành, hoan hỉ. Tôi có cơ hội chứng kiến khung cảnh thật bình yên khi thầy trụ trì Thích Tâm Tánh chuẩn bị mọi nghi lễ cho đến quà mừng tuổi mọi người giống như trên đất liền.

Ngày Tết, có đồ tươi, cả đảo mới bừng lên náo nức. Các chiến sĩ xúm vào mỗi người một việc. Đặc biệt, bộ đội thích thịt mỡ lắm. Họ định nghĩa, con lợn ngon phải nhiều mỡ và mỡ thơm. Mùi của mỡ chính là vị tươi kích thích vị giác, khướu giác. Đảo to đảo nhỏ gì bữa ăn cũng chia đều cả. Ngon nhất chính là bữa cỗ Tết đầu tiên. Mâm bát bày ra thịnh soạn, đủ đĩa thịt nướng, thịt luộc, lòng, sinh động ra trò. Riêng mâm ngũ quả thì thật kì công. Ở đảo có dừa như Nam Yết, cả năm chỉ mỗi Tết đảo mới quyết định “hạ” vài buồng để bày ngũ quả. Đơn vị nào cũng muốn chọn những quả đẹp nhất đặt trang trọng lên bàn thờ Tổ quốc. Gọi là ngũ quả, thực ra chỉ có dừa, hiếm hoi lắm thêm quả bưởi vỏ đã ngả màu vàng bày cùng mấy thứ quả bằng xốp được bộ đội cắt tỉa, đẽo gọt, sơn màu như thật. Tôi chợt nhận ra, niềm vui của tất cả mọi người không phải ở chuyện ăn Tết to hay nhỏ, mà chính là không khí chuẩn bị, tâm thế mở lòng ra đón mùa xuân.

Bộ đội giờ có điện thoại kết nối mạng nhưng thời điểm Tết, nhiều tổ chức vẫn phát động phong trào cánh thư gửi đảo xa để lứa bộ đội đầu tiên ra thay quân đã nhận được ngay thư rồi. Xưa thư hiếm, nhiều người đọc chung một lá, bây giờ có khi một người nhận đến cả chục lá thư. Ấy vậy mà họ vẫn đọc chung. Chính trị viên của đảo là người tiếp nhận và chia thư về từng phân đội. “Em đã thấy một trời hoa nắng/Ngay khi vừa nhắm mắt nghĩ về anh/Ngày xa cách ánh nhìn như biển rộng/Nhớ biên thư cho nỗi nhớ âm thầm”. Tôi may mắn được dự một cuộc đọc thư như thế. Bộ đội thích thú, bất ngờ lắm. Những em nhỏ mới học cấp một lời lẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu, lắm khi cả chục em đều viết giống nhau. Các em học sinh cấp hai đã biết làm bưu thiếp. Từng cánh mở ra, thấy trong đó bông hoa bàng vuông dần nở. Không biết bằng cách nào, học sinh cấp hai ở những tỉnh không có biển như Thái Nguyên lại làm được điều đó. Có lẽ, các em may mắn được học tập dưới một mái trường có đủ cảm hứng, không gian cho sự lan tỏa tình yêu biển đảo quê hương. Riêng thư của học sinh cấp ba thì sự chia sẻ thực sự gần gũi.

Hầu hết thư đều bày tỏ niềm mong mỏi nhận thư về từ Trường Sa, các nữ sinh ghi rất rõ niềm riêng ấy. Điều gì từ Trường Sa tới đất liền cũng là vô giá về tinh thần. Đó là cái Tết đầu tiên họ xa nhà, xa lắm, đọc được thư xúc động vô cùng. Lính đảo đến từ khắp mọi miền đất nước, lính Nam nhận thư từ Bắc, lính Trung nhận thư cộp dấu Thủ đô. Mấy anh lính dân tộc Chăm, dân tộc Ê-đê càng lạ lẫm, được mở mang hơn qua những cánh thư vượt nghìn trùng sóng biển. Lắm anh bộ đội chưa biết vùng đất đấy thế nào nhưng về cảm xúc và tưởng tượng thì giữa biển Đông như đang được chu du khắp mọi miền Tổ quốc. Thư nhóm lên cảm xúc, là hoài bão của tuổi trẻ, cho những nụ cười gặp gỡ được nhau. Tôi cũng biết rằng, nhờ những lá thư đó tiếp lửa cho lính trẻ đã thực hiện lời hứa hoàn thành tốt nhiệm vụ, để thực hiện lời hẹn hò trong thư, được ra Bắc một lần, được vào Nam một chuyến.

...Khi đất trời vào xuân, đất liền sum vầy ấm cúng, những người lính đón giao thừa nơi đầu sóng, cùng nhau thực hiện nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc. Trên mũi tàu vẫn có những ánh mắt rưng rưng của những chàng chiến sĩ trẻ lần đầu ra khơi đúng ngày xuân, tiếng họ nghèn nghẹn trong chập chờn sóng điện thoại: “Mẹ yên tâm nhé, chúng con khỏe và đón Tết vui lắm mẹ ơi!”.  

Xuân ấm giữa trùng khơi ảnh 1 Nụ cười chiến sỹ
MỚI - NÓNG