Xuân Châu vẫn chìm trong nước

Xuân Châu vẫn chìm trong nước
TP - Là vùng bán sơn địa, nước vào nhanh rút chậm nên dù lũ về đã 7 ngày nhưng nhiều vùng tại xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) vẫn chìm trong nước.

> Thiệt hại do mưa lũ tại Thanh Hóa tiếp tục tăng

Nhiều nhà, đường giao thông ở Xuân Châu vẫn bị ngập lụt, chia cắt. Ảnh: Hoàng Lam
Nhiều nhà, đường giao thông ở Xuân Châu vẫn bị ngập lụt, chia cắt. Ảnh: Hoàng Lam.

Chiều 12-9, lo lắng cho túm gạo chưa kịp gác lên, các đồ dùng chưa kịp di dời, anh Nguyễn Đức Vạn (thôn 5), xã Xuân Châu lúi húi từ trên quả đồi tránh lũ, chèo thuyền, mò mẫm vào nhà.

Thẫn thờ đứng trên thành giếng đang ngập nước để phơi ít gạo bị ướt, anh Vạn kể lại: “Lũ về nhanh đến mức chẳng kịp di dời được gì. Trong nhà lại có cả người già, trẻ con. Đêm 6-9, chúng tôi phải đập vỡ tường, tháo mái nhà để đưa người ra ngoài thuyền, di dời lên vùng an toàn. Đến hôm nay, nước vẫn còn ngập đến nửa nhà, nên mọi người vẫn chưa thể trở về nhà. Vì lo lắng cho nhà cửa cả tuần ngập trong nước nên tôi đánh liều về nhà”.

Chia sẻ với những khó khăn, thiệt hại do mưa, lũ gây ra tại Thanh Hóa, theo kế hoạch ngày 15-9, Báo Tiền Phong cùng với hoa hậu Đặng Thu Thảo và các á hậu, người đẹp sẽ có chương trình từ thiện tại xã Tam Văn, huyện Lang Chánh và Xuân Châu, huyện Thọ Xuân.

Bần thần bên gác xép nhỏ, trên chếch mái nhà ngó được ra trời, anh Vạn bùi ngùi nhìn những bát hương, di ảnh tổ tiên, người thân chịu mưa, chịu gió mấy ngày qua, may mà không bị mưa lũ cuốn đi.

Cả xã Xuân Châu có 8/12 thôn bị ngập lụt, trong đó thôn 7 bị ngập lụt nặng nhất. Nhiều tuyến đường giao thông liên thôn vẫn trong tình trạng ngập nước. Phần lớn, người dân đi tránh lũ vẫn chưa về. Nhiều nhà nước đã rút đến mép sân nên di chuyển bằng thuyền để trở về nhà, dọn dẹp.

Trong ngôi nhà mái pro xi măng, tường bằng đất chấu, cụ Bùi Thị Chuyên (70 tuổi) ngồi rưng rức khóc khi có người đến hỏi thăm.

Cụ kể : “Tối 6-9, tôi bị mệt, đang nằm trên giường nghỉ thì có bác Nam sống gần nhà, đạp cửa vào nói phải di dời thôi, nước lũ đang về nhanh lắm. Tôi nhìn xuống nền nhà thì nước đã ngập. Bác Nam đưa tôi lên thuyền đi đến nhà người khác ở nhờ. Tài sản chẳng có gì ngoài hơn 50 kg thóc để dưới nền nhà nay đã ướt mọc mầm. Mấy con gà thì đã bị chết từ hôm nào trên mái”.

Tài sản không có gì nhiều ngoài những quần áo, chăn màn bị nước lũ, bùn cuốn trôi, trở về nhà, cụ Chuyên lo lắng nhất là vách nhà đã bị nước lũ làm rạn nứt, trôi hết cả vách nhà, làm nhà đổ nghiêng, xiêu vẹo chưa biết sập lúc nào.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Hoàng Huy Tiến- Bí thư Đảng ủy xã Xuân Châu cho biết: “Trong vòng khoảng 60 năm qua, chưa có trận lũ nào mà lớn như lần này. Hiện người dân nơi đây đang phải đối diện với nhiều vấn đề khó khăn như nước sạch, lương thực, thực phẩm… vì nhiều diện tích lúa, ngô, hoa màu bị mất trắng”.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão huyện Thọ Xuân thì mưa lũ đã làm đê bao tại thôn Đát Lát, xã Quảng Phú vỡ dài 20m; đê bao Quảng Phú tràn đê dài gần 5 km; đê hữu sông Cầu Chày tại Long Hồ xã Thọ Lập và tại cống tiêu Sáu Cánh bị vỡ 2 đoạn với tổng chiều dài 80m… chính vì vậy, nhiều xã như: Xuân Châu, Quảng Phú, Thọ Lập… có hàng nghìn hộ dân bị chìm trong nước.

Tình trạng nước rút chậm cũng diễn ra ở nhiều vùng gây khó khăn cho nhân dân nơi đây.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG