Lạng Sơn: Rửa mặt sư tử và lấy nước thiêng tại đền Cấm (huyện Chi Lăng)

Xuân mới muôn nơi

Xuân mới muôn nơi
TPO - Sắc xuân tươi mới đang tràn ngập muôn nơi, thiên nhiên đất trời rạo rực, phơi phới trong từng nụ cười, ánh mắt của muôn người... Cùng TPO ngắm đất nước vào xuân.

Dù đã xế chiều nhưng dạo quanh các chùa trên đường phố Hà Nội vẫn thấy người người tấp nập ghé vào thắp hương cầu chúc cho năm mới sức khoẻ và mọi sự may mắn

Xuân mới muôn nơi ảnh 1
Bãi đỗ xe tại Phủ Tây Hồ không còn một chỗ trống

Từ sáng sớm, tại Phủ Tây Hồ (Quận Tây Hồ, Hà Nội), đã nườm nượp khách ra vào. Các trai thanh nữ tú kéo nhau đến chùa để cầu may mắn cho cả năm.

Để đảm bảo cho giao thông đi lại, đường tới Phủ Tây Hồ đã được ngăn ra làm hai lối cho xe máy và ô tô. Nhưng do lượng khách và lượng xe quá lớn nên vẫn xuất hiện tình trạng ùn tắc.

Xuân mới muôn nơi ảnh 2
Người dân mua lễ vào Phủ Tây Hồ

Năm nay lượng người đến Phủ Tây Hồ lên tới hàng nghìn lượt nhưng lại rải rác đều trong cả ngày. Bác Nguyễn Tiến, Định Công , Hà Nội, cho biết:

“Mọi năm gia đình tôi có thói quen dậy sớm tới Phủ thắp hương rồi cùng quây quần ăn bát bún ốc nhưng năm nào cũng gặp tình trạng chen lấn, xô đẩy, ách tắc. Năm nay tôi quyết định đi vào tầm trưa, tuy vẫn rất đông nhưng còn đỡ hơn so với buổi sáng”.

Xuân mới muôn nơi ảnh 3
Trong Phủ Tây Hồ

Bãi đỗ xe máy trong Phủ Tây Hồ lên tới hàng nghìn chiếc. Giá ghi trên vé là 1.000đồng/xe nhưng Ban quản lý bãi xe thu tới 5.000 đồng/xe, bởi: “Ghi là ghi vậy, chứ ngày tết 1.000 đồng/xe có mà hết tết luôn à”.

Xuân mới muôn nơi ảnh 4
Ùn tắc giao thông trước cửa đền Trấn Quốc

Tại đền Trấn Quốc trên đường Thanh Niên, lượng khách tới thăm quan cũng tăng chóng mặt so với ngày thường. Người dân tràn sang 2 bên đường để đợi người thân vào chùa đi lễ, gây ách tắc và mất an toàn giao thông trên đoạn đường này.

Xuân mới muôn nơi ảnh 5
Chùa Quán Sứ

Chùa Quán Sứ trên đường Quán Sứ, Hà Nội, mở cửa đón hàng trăm lượt khách từ tối 30 Tết. Có khá nhiều khách du lịch nước ngoài tới chùa để ngắm cảnh và tìm hiểu phong tục tập quán của người dân Việt Nam.

Chiều mùng 1 Tết ở Hòa Lạc (Hà Tây)

Sau thời khắc hân hoan đón Giao thừa và không khí tấp nập đi hái lộc thâu đêm, ngày mùng 1 Tết, nét sôi động dường như lắng hẳn trên nẻo đường quê...

Tuy vậy, ở thị trấn Hòa Lạc (Hà Tây) – đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội và cũng là “thủ phủ” của lính, chiều mùng 1 Tết vẫn thấy những “hương vị” riêng.

Xuân mới muôn nơi ảnh 6

Trung tâm thị trấn Hòa Lạc lúc 16h ngày mùng 1 Tết Đinh Hợi: Nhiều hộ dân phố vẫn “cửa đóng then cài”, và ít người qua lại trên đường.

Xuân mới muôn nơi ảnh 7

Vẫn có những nhà dân mở cửa bán hàng ngay từ ngày đầu tiên của Năm mới.

Xuân mới muôn nơi ảnh 8

Trên con đường ven thị trấn, nam thanh nữ tú rủ nhau đi chơi xa.

Xuân mới muôn nơi ảnh 9

Và người cao tuổi đến mừng nhau thượng thọ…

Xuân mới muôn nơi ảnh 10

Khi hỏi các chiến sĩ “chốt” ở góc đường này, tôi mới biết: Học viên thì được nghỉ Tết theo tiêu chuẩn. Còn 100% cán bộ chiến sĩ của trường Sĩ quan Lục quân 1 vẫn ở lại trường “trực chiến”.

TP.HCM: Đầu năm nhộn nhịp cửa thiền

Sáng mồng 1 Tết, dạo một vòng quanh các chùa ở TPHCM, đâu đâu cũng đông nghịt nam thanh nữ tú đi cầu tài lộc đầu năm, cầu cho một năm an lành, sung túc. 

Nhiều người vào chùa cầu cho các thành viên trong gia đình cả năm vui vẻ, tài lộc dồi dào. 

Xuân mới muôn nơi ảnh 11

Tên những người thân được gia chủ tự ghi lại hay nhờ các sư trong chùa ghi giúp.

Xuân mới muôn nơi ảnh 12
Xuân mới muôn nơi ảnh 13

Tại cổng chùa, hoa sen, cây phát lộc là những mặt hàng chủ yếu của những người đi chùa.

Xuân mới muôn nơi ảnh 14
Xuân mới muôn nơi ảnh 15

Nhiều người cũng nhân dịp đầu năm mới thả phóng sanh chim chóc, cầu cho vạn sự bình an.

Lạng Sơn: Rửa mặt sư tử và lấy nước thiêng tại đền Cấm (huyện Chi Lăng)

Xuân mới muôn nơi ảnh 16

Sư tử múa chầu tại đền Cấm (thị trấn Đồng Mỏ- huyện Chi Lăng)

Sau giao thừa bước vào ngày mùng một tết, đội múa sư tử của khu Hoà Bình (thị trấn Đồng Mỏ) tổ chức lễ "rửa mặt cho sư tử Mèo" tại khu đền Cấm- khu vực linh thiêng của người dân trong vùng tại khu Hoà Bình (thuộc thị trấn Đồng Mỏ).

Sau tuần "múa sần" chào hỏi, sư tử được những giọt nước thần gột rửa những "bụi trần". Tiếp theo, đoàn rước sư tử tiến đến chính điện đền Cấm. Tại đây, đoàn rước được các thủ nhang lì xì những phong bao đỏ lấy may.

Xuân mới muôn nơi ảnh 17

Xin nước thiêng tại đền Cấm ( thị trấn Đồng Mỏ)

Trong dịp này, tại lạch nước chảy từ dãy núi Kai Kinh (khu đền Cấm), nhiều thanh thiếu nhi cầm xô đến lấy nước thiêng về nhà. Trước khi lấy được nước quý, mọi người thắp hương xin phép, đồng thời khấn trời phật ban cho sự may mắn, lộc đầy nhà.

Công việc này được tái diễn từ khi giao thừa cho đến hết ngày mùng một tết, nên tại khu đền Cấm không ngớt người đến xin lộc trời.

Xuân mới muôn nơi ảnh 18

Mọi người đều được người nhà đền phát lộc đầu năm

Ngày mùng một tết, một số người già và nam thanh nữ tú ngược núi Kai Kinh, qua Đèo Rộ đến ngôi đền Mỏ Ba (thuộc xã Hoà Bình, huyện Chi Lăng (cách thị trấn Đồng Mỏ chừng 5 km đường rừng) để lễ phật, xin lộc, cầu may mắn.

Đến đầu buổi chiều, theo quan sát của phóng viên Tiền Phong có tới hàng chục lượt người đi lễ tại đền Mỏ Ba. Trên đường đi, ai cũng ghé qua thắp nhang tại miếu Cô Chín. Trạm nghỉ chân này, mọi người bỏ đồ nhậu "ăn liền" chúc tụng nhau vang vọng vào vách núi...

Tại thị trấn Đồng Mỏ, đội sư tử đến từng nhà để múa vui, chúc tụng. Thêm một ngày xuân an toàn trên phố núi, nơi biên cương xứ Lạng.

Phú Yên: Tưng bừng lễ hội đua thuyền trên sông Lò Gốm

Xuân mới muôn nơi ảnh 19

Sáng mồng 1 Tết, tiếng trống rộn ràng và hội đua thuyền truyền thống trên sông Lò Gốm, thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), đã đánh thức cả một vùng quê.

Theo ông Vũ Kỳ Việt, Phó phòng Văn hóa thông tin huyện Tuy An, một trong những người gây dựng hội đua này, cho biết: Lúc đầu chỉ vài ba thanh niên đánh cá trên sông khích nhau đua để “lấy hên” đầu năm. Sau nhiều người quan tâm, hưởng ứng, nên đăng ký và được chính quyền thôn Ngân Sơn và thị trấn Chí Thạnh ủng hộ, trao thưởng cho những đội chiến thắng, và qui mô ngày càng rộng lớn hơn.

Xuân mới muôn nơi ảnh 20

Hội đua này đến nay đã có bề dày vài chục năm, ngư dân các làng ven sông Cái, Phong Hậu (An Định), Mỹ Long, Phú Mỹ, Bình Hoà (An Dân), Hội Tín (An Thạch), Hội Phú (An Ninh Tây), đều hăng hái tham gia đua và cổ vũ.

Sở dĩ phải tổ chức đua sớm như vậy là để các tay đua cũng như bà con dự hội còn về đi chúc Tết đầu năm. Năm nay, ngoài đua thuyền, lễ hội còn tổ chức các trò chơi dân gian như đập ấm, đi cầu khỉ…Đây là dịp để người dân trong huyện vui chơi và cầu mong mưa thuận gió hòa để cho nhiều tôm cá…

Cũng tại huyện Tuy An, trong những ngày Tết còn diễn ra nhiều cuộc đua thuyền chài ở một số nơi khác, như ở cầu An Hải, Bàu Súng, Mỹ Long…

Cùng trong thời điểm này, trong sáng nay, hàng ngàn người dân đã đi lễ chùa và các khu du dịch ở Phú Yên cũng tấp nập người du xuân.

Cần Thơ: Các tiệm vàng mở cửa từ sáng sớm

Xuân mới muôn nơi ảnh 21
Tiệm vàng Bích Liên trên đường Phan Đình Phùng.

Phong tục xưa của người Hoa, sáng Mồng Một bà con đến tiệm vàng mua vàng để lấy hên cho cả năm, mua nhiều ít tùy giàu nghèo.

Phong tục này năm nay lan đến nhiều người Việt, bởi được mở mang sản xuất kinh doanh, nhiều người có của ăn của để và có thêm nhiều niềm hy vọng, cũng mong cả năm vàng bạc vào dồi dào hơn năm cũ.

Xuân mới muôn nơi ảnh 22 Xuân mới muôn nơi ảnh 23

Tiệm vàng Kim Tín trên đường 30/4.

Tiệm vàng Minh Vũ 1 kế tiệm vàng Kim Tín.

Tinh mơ Mồng Một, tất cả các tiệm vàng ở TP Cần Thơ đã mở cửa và khách mua vàng đến khá đông.

Giá vàng ở Cần Thơ sáng Mồng Một: Vàng 24K bán ra 1.250.000 đồng/chỉ, còn vàng SJC bán ra 1.265.000 đồng/chỉ.

Xuân mới muôn nơi ảnh 24

Tiệm vàng Hùng gần chợ Xuân Khánh.

Khách mua vàng vừa bước vào cửa được chủ tiệm vàng đón tiếp niềm nở, mời thuốc lá, bánh kẹo, nước trà và tặng bao “lì xì” bên trong có 10.000 đồng hoặc 1 tờ vé số.

TPO rảo qua một số tiệm vàng ở quận Ninh Kiều, trung tâm TP Cần Thơ, ở đâu cũng thấy xe máy dựng nhiều phía trước, khách mua vàng nhiều phía trong, chủ tiệm vàng thấy máy ảnh giơ lên thì cũng giơ tay chào thân thiện “chúc phát tài, phát lộc”.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.