Xuân ở miền núi lở Ra Pân

Đinh Văn Quên và 2 đứa con nhỏ Ảnh: H.T
Đinh Văn Quên và 2 đứa con nhỏ Ảnh: H.T
TP - Những ngày Tết mang lại sinh khí mới cho các gia đình ở vùng núi lở Ra Pân (xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi). Trong những ngôi nhà tạm, gạo mắm, hạt dưa, bánh mứt được chuyển đến tận tay người dân. Trên gương mặt người già, trẻ thơ, nét âu lo đã tạm lui, nhường chỗ cho nụ cười.

Tết trong nhà tạm

Lên đến khu dân cư Măng Lăng, thôn Ra Pân khi trời vừa đúng ngọ. Tiết trời miền tây Quảng Ngãi trở nên dịu nhẹ những ngày Tết đến. Cô con gái nhỏ của Đinh Văn Quên ngồi nơi bậu cửa, bẽn lẽn chào khách, trong tay cầm chặt hộp bánh đang ăn dở.

“Bánh Tết được các đoàn tặng đó. Từ sau sạt lở đến giờ cũng được cho nhiều. Đợt rồi lở núi, cuộc sống khó khăn lắm!”. Dứt lời, Đinh Văn Quên ngoái đầu nhìn về hướng núi Ngọc Prây. Nơi ấy, căn nhà khá khang trang nằm lưng chừng núi của anh hơn 2 tháng rồi vắng chủ. Cách đó không xa là vết lở núi toang hoác như vết thương lớn trên cơ thể người khổng lồ đang hở miệng.

Sau trận sạt lở kinh hoàng hồi cuối năm ngoái, Quên và 5 thành viên già, trẻ không thể trở về nhà vì nguy cơ bị núi vùi luôn chực chờ. Cả gia đình bất đắc dĩ phải làm quen với điều kiện sống mới.

“Lúc dựng lại nhà, trời vẫn còn đang mưa, mấy bao lúa vừa gặt ướt cả. Phải bỏ vào trong cái chậu bắt lên giàn bếp để hong. Cứ vài tiếng thì hong xong một thau lúa, hong cỡ vài chục thau như vậy. Không làm thì lúa hư, không có gì để ăn. Giờ thì không sợ đói, gạo lúc nào cũng sẵn trong nhà, lại bánh, kẹo Tết nữa…”, Quên kể.

Đợt ấy, mưa bão xong thì lo dựng lại nhà, rồi lại đi trả công cho dân làng, vì họ đã giúp Quên làm nhà, Quên phải giúp lại. Ở xứ này, đồng bào Ca Dong đùm bọc lẫn nhau cùng dựng lại nhà, mót lượm những thanh nứa, thanh tre từ nhà cũ bị cuốn trôi xuống dòng suối để đem về chắp vá nơi ở tạm. Dẫu vậy, chỗ ở vẫn khá chật chội so với nhà ở trước kia. Cả gia đình cố gắng sắp xếp, bài trí gọn gàng trong những ngày đón năm mới.

“Nhà ở trên núi cũng vừa mới xây xong nhưng do sạt lở nên giờ không thể về. Giờ chỉ mong mọi chuyện yên ổn, hết dịch bệnh để làm ăn, kiếm tiền làm nhà, trả nợ”, Quên chia sẻ.

Xuân ở miền núi lở Ra Pân ảnh 1

Bữa cơm thường nơi bản Pa Rân  ảnh: HT

Kỳ vọng sớm an cư

Rời nhà Quên, chúng tôi băng qua cây cầu lồ ô ọp ẹp, hướng về nhóm 5 hộ dân đang dựng nhà tạm ở mảnh đất của người cùng làng nằm phía sau UBND xã Sơn Long.

Đinh Văn Tường thấy khách đến tỏ ra ngại ngùng. Trong căn nhà tạm, có khá nhiều vật dụng do các đoàn cứu trợ mang tặng. Nơi góc nhà, chiếc đệm mới tinh được xếp gọn cạnh 4 túi gạo xếp chồng lên nhau, kế đó là nồi cơm điện, quần áo, bánh kẹo. Còn có cả chiếc ti vi hằn những vết xước - tài sản đáng giá nhất Tường “mót” được ở ngôi nhà cũ ở trên núi.

“Không sợ thiếu gạo, mắm vì được chính quyền với mấy đoàn từ thiện hỗ trợ. Năm nay còn ở tạm nên không nấu rượu Tết như mọi khi. Theo phong tục thì cuối năm chỉ mua con gà để cúng tổ tiên, thần linh”, Tường kể.

Nhà Tường có tất cả 7 người, nhưng sau trận núi lở, cha mẹ Tường qua nhà khác ở với đứa em trai vì nhà tạm chật chội, chưa bằng một nửa diện tích nhà cũ. Cũng không có ruộng vườn để trồng trọt hoặc nuôi con gà, con heo nên bây giờ mua sắm gì đều phải tiết kiệm.

Rồi Tường khoe: “Để dành được 6 triệu đồng rồi. Đây là số tiền do các đoàn từ thiện cho. Nghe nói có chỗ tái định cư rồi nên phải để dành tiền để sau này còn làm nhà mới, chỉ mua sắm thứ gì thật cần thiết thôi”.

Phía sau nhà tạm của Tường, mấy mẹ con của chị Đinh Y K’rể đang ăn bữa cơm trưa muộn. Mấy hôm trước Tết, Đinh Y K’rể đi làm thuê nên kiếm them được ít tiền chi tiêu ngày Tết. Từ dạo dựng nhà ở tạm, cuộc sống khó khăn hơn lúc trước.

“Chỗ này chỉ bất tiện là nhỏ so với nhà cũ, còn điện, nước kéo từ ủy ban xã ra nên không phải lo. Dù không có tiền mua sắm nhiều nhưng may có các đoàn từ thiện và chính quyền hỗ trợ, cho quà nên cũng có bánh, có kẹo, có Tết. Chỉ mong sớm có chỗ tái định cư…Giờ mình lo làm để còn có tiền để mà xây nhà mới”, Đinh Y K’rể cười.

Không để dân thiếu đói

Gần 3 tháng trước, mưa, bão liên tiếp quét qua thôn Ra Pân khiến cho cuộc sống của người Ca Dong nơi đây bị đảo lộn. Nhiều gia đình bỗng chốc mất nhà. Những con đường bê tông phẳng lỳ biến thành suối bùn, đá đặc quánh, chia đôi ngôi làng...

Trận sạt lở đầu tiên ở Quảng Ngãi xảy ra tại cung đường Đông Trường Sơn thuộc thôn Ra Pân vùi lấp nhiều nhà dân, khiến 1 người bị thương, 56 nhà dân xiêu vẹo vì thác nước. Rất may không bị thiệt hại về người, nhưng có đến 15/56 hộ không còn nhà để quay về, dù thời tiết đã trở lại bình yên.

Vì không đủ mặt bằng dựng tạm 15 ngôi nhà cùng một chỗ, các hộ dân đã tự kết thành nhóm, di chuyển về 2 nơi để quây quần bên nhau sinh sống. Nhóm 10 hộ khác về khu dân cư Măng Lăng dựng nhà. Nhóm 5 hộ ở nhờ trên đất của một người cùng làng gần trụ sở UBND xã Sơn Long.

Những ngày Tết nơi đây, hầu như nhà nào cũng có hạt dưa, bánh kẹo, mắm muối, dăm chục ký gạo ăn Tết. Một số gia đình còn mua cá về để giàn bếp, ăn dần trong những ngày xuân.

 “Ở đây đồng bào cũng ăn Tết như người Kinh dưới xuôi. Dù hiện tại vẫn còn khó khăn nhưng bà con cũng rất cố gắng. Sau khi dựng nhà tạm, nhiều gia người cũng đã đi làm thêm để kiếm thu nhập, ổn định cuộc sống trong thời gian chờ tái định cư, nhất là để chuẩn bị đón Tết”, ông Đinh Văn Nhích - trưởng thôn Ra Pân chia sẻ.

Theo ông Đỗ Thanh Vượt - Chủ tịch UBND xã Sơn Long, từ sau khi sạt lở núi, cùng với các cá nhân, tổ chức hảo tâm, chính quyền đã rất cố gắng để hỗ trợ cho bà con từ vật dụng, nhu yếu phẩm đến tiền mặt. Theo thống kê, trung bình mỗi hộ đến nay đã được hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng, hộ nhiều nhất lên đến khoảng 90 triệu đồng. Cùng với đó, các chế độ, chính sách đối với người dân cũng được thực hiện đầy đủ.

Dĩ nhiên, vẫn còn không ít khó khăn đang ở trước mắt, vì cần thời gian để hoàn thành dự án tái định cư cho người dân vùng sạt lở. Trong khi đó, ruộng vườn của nhiều người dân khu vực này bị sạt lở, vùi lấp nặng nên phục hóa, chuyển đổi rất khó khăn. Chính quyền cũng động viên thích nghi với điều kiện sống mới, cố gắng làm ăn để sau này an cư ở vùng đất vững chãi hơn.

“Về việc xây dựng nhà ở vùng tái định cư, bên cạnh hỗ trợ của nhà nước, chắc chắn chúng tôi sẽ cố gắng huy động thêm các nguồn khác để trợ lực cho người dân vùng sạt lở”, ông Vượt cho hay.

Chính quyền huyện Sơn Tây vừa thống nhất vị trí xây dựng khu tái định cư cho 56 hộ dân thôn Ra Pân bị sạt lở “nuốt” mất làng. Đó là khu đất rộng, khá bằng phẳng, cách làng cũ một con suối và gần nơi 10 hộ dân bị mất nhà đang tạm cư. Khu tái định cư có mức đầu tư khoảng 29 tỷ đồng và dự kiến được khởi công vào tháng 6/2021. Đây là thông tin được bà con rất trông đợi với hy vọng sẽ có được chỗ ở ổn định, xây cuộc sống mới.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.