Xuân trên đỉnh sóng

Xuân trên đỉnh sóng
TP - Chục năm trở lại Trường Sa, với tôi cuộc sống nơi biển đảo vẻ như có nhiều thay đổi. Bắt đầu từ khu thị trấn nghèo ven biển vắng năm xưa giờ đã tấp nập đông đúc hàng quán phố xá và tiệm internet. Tới cầu cảng tấp nập, thuyền bè đánh cá xuôi ngược.

Những rừng cây năm nào mới lơ thơ nay đã xanh biếc một màu. Ký ức về khu cầu cảng vắng cùng những “bác” lính Liên Xô to mập đã được thay thế bằng khung cảnh thơ mộng của một vùng đất đang chuyển dần qua du lịch, thắng cảnh.

Thế đấy, Trường Sa cũng đổi thay chứ chẳng phải đất liền.

Chuyến tàu ra đảo nhiều quà hơn, nhiều lương thực, thực phẩm hơn. Nhiều nơi trên biển người ta có thể gào thật to vào điện thoại di động để gọi về cho gia đình. Điều trước đây không ai tưởng tượng được.

Những người lính đảo cầm những chiếc điện thoại di động của họ để chụp hình anh em nhà báo chúng tôi!

Buổi chiều, tiếng ghi ta vang trên boong. Ngoảnh lại đất liền, không thấy xa xôi mờ mịt mà thấy ánh hoàng hôn vẽ lên không gian một bức tranh thêu. “Bọn anh sắp đến đảo rồi, mẹ nó và thằng cu cứ yên tâm nha”.

Buổi tối, khi tàu thả neo, đem câu ra thả mãi, cá chẳng cắn mồi. Mười năm trước, giật cá ê ẩm cả tay. Bật đèn sáng để hóng con cá chuồn làm mồi cũng lắc lư mãi. Cá chuồn hiện ra xanh biếc dưới ánh đèn nom như ngôi sao chổi vậy.

Xuân trên đỉnh sóng ảnh 1
Những người con của biển  Ảnh: T.N.A

Tàu gần đến đảo, trong đảo gọi điện ra. Tiếng đảo trưởng gào lên trong máy: “Th đây! Th nghèo đây! Thủ trưởng còn nhớ không, mời thủ trưởng vào đảo, chúng em đang chờ!”. Ai cũng phì cười, nhất là đảo trưởng cũ của Th. Anh em bảo: “Nghèo thành biệt danh rồi, nhưng mà giờ kinh tế khá, không nghèo nữa”.

Chúng tôi vô đảo, Th rất mừng. Anh nhường phòng của mình cho tôi, rồi đi tâm sự, kể chuyện với thủ trưởng cũ. Đảo được xây dựng to đẹp hơn, trang thiết bị cũng dồi dào. Hồi xưa cuối tuần mới xem ti vi một lần, tiết kiệm xăng dầu vì tàu ra ít. Bây giờ tối nào cũng xem thời sự, có đoàn ra, anh em hát karaoke tới khuya!

Tôi mong Tết thì hoa mai sẽ nở, rau sẽ xanh trên con tàu trực...Trong đêm giao thừa, con tàu trực vẫn vươn mình đi trên sóng gió của Trường Sa...

Trên đảo giờ ít lính nghĩa vụ mà phần nhiều là sĩ quan chuyên nghiệp, những người tinh thông nghề nghiệp, được đào tạo chính quy và có trình độ cao. Ra ngồi bên mép sóng nói chuyện với cậu nấu ăn, hóa ra cậu ta từng đi dự hội thao thiết giáp toàn quân, bắn bách phát bách trúng. 

Trên hòn đảo nắng gió, có cậu vẫn trồng được phong lan. Chiều, ngồi nhìn qua cửa sổ, nơi cây phong lan trổ lá, cảm giác thực lạ thường. Thấy như trong Trường Sa có Trường Sơn vậy.

Lòng lại nhớ những đồng nghiệp cũ, những người đã đi ra đảo chuyến trước thường hát ca khúc về Trường Sơn nhớ ngày ăn rau rừng. Lâu không gặp, mỗi kẻ một phương.

Th nói với tôi: “Em ở đảo mấy tăng rồi. Cuộc sống nhiều thay đổi lắm. Giờ sướng hơn xưa nhiều. Nhưng mà … vẫn nhớ những ngày nghèo khó, vất vả, chia nhau từng ngụm nước nóng như sôi”.

Ừm, lúc sung sướng nhớ lúc khó khăn là tốt rồi. Biển đời mênh mông, tìm nhau theo tên, theo đảo. Nên nhớ về nhau.

Xuân trên đỉnh sóng ảnh 2

Tôi đang nằm bẹp trên tàu vì say sóng thì Lợi tìm tới. Lợi bảo: “Mỗi lần nhà báo ra đảo, em lại xem danh sách có bác hay không. Chục năm rồi mới thấy bác trở lại. Tối em câu cá nấu cháo bác ăn”.

Tôi mừng quá. Lợi lại bảo: “Nhớ Vũ không, cùng đi chuyến này đó”. Vậy là anh em chúng tôi lại gặp nhau, thực tình cờ mà cũng chẳng tình cờ. Biển đời bao la mái đầu chúng tôi đã bạc, nhưng Trường Sa vẫn còn đây, anh em chúng tôi sẽ hội ngộ.

Lợi chạy máy, suốt ngày cặm cụi dưới cái máy nóng như than, mùi dầu nồng nặc. Vũ lại chở tôi bằng xuồng vô đảo.

Bố của Vũ là sĩ quan chỉ huy nay về hưu, con trai lại nối nghề lính biển.

Anh em chúng tôi cùng trên một chiếc ca nô vượt sóng lớn mà vô đảo. Khuya, tôi lại đứng bên xem Vũ câu cá và chờ Lợi nấu cháo cá.

Tôi còn rất nhiều ảnh đen trắng chụp anh em trên chuyến tàu mười năm trước, nhưng không đem theo. Nhưng tôi vẫn nhớ từng người, dù rằng ai cũng đã già đi trông thấy.

Lần trước tôi lang thang khắp tàu, khắp đảo, bây giờ sóng đánh tôi nằm bẹp. Lúc mở mắt ra thì gặp mấy anh em quen cũ cũng thường đi công tác với báo chí ra đảo. Anh thì sửa ti vi, anh thì cấp phát phụ tùng. Chia nhau từng củ đậu, bảo: “Em có gia đình rồi. Nhận ra bác liền, nhưng chưa hỏi thăm”. Chúng tôi nằm bên nhau cũng trên khoang tàu cũ, của con tàu năm xưa. Trên đầu nghe rõ tiếng máy bay quần thảo. “Lần này vô bờ, mời bác tới thăm nhà em”. Tàu đi suốt đêm. Tàu neo đậu, chúng tôi lại ngồi câu cá, khi đâu đó trên biển có những phát pháo hiệu và những con tàu bí hiểm ẩn hiện như bóng ma.

Lợi bảo: “Nhà em giáo viên, gia đình ổn định, thỉnh thoảng lên bờ lại được về nhà”. Thế đấy, ra ngoài này thì câu chuyện đình đám nhất vẫn là chuyện trong bờ thôi. Cuộc sống ở biển đảo đã quen từng con sóng từng mũi san hô rồi.

Lần trước, khi vô đảo Tốc Tan, sóng đánh chìm xuồng, có cậu nhà tàu phải khâu mấy mũi mà không thuốc tê. Tôi hỏi chuyện, Lợi bảo: “Vẫn trên biển thôi, nhưng lần này đi tàu khác”.

Tàu vào các đảo đưa nhiều hoa đào, hoa mai, đồ để gói bánh chưng cho anh em trên đảo. Rồi con tàu lại đi theo lịch trình riêng của nó.

Chúng tôi chia tay con tàu trực, theo con tàu khác vào đất liền. Lợi và Vũ sẽ ăn Tết trên tàu trực.

Buổi chiều trước khi chia tay, chúng tôi cùng trồng những luống rau xanh trên boong tàu. Một cành mai cũng được cất giữ cẩn thận cho ngày Tết.

“Tháng tư em sẽ vào bờ” - Lợi nói với tôi.

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.