Xuất 50 tỷ đồng và 1.500 tấn gạo giúp dân

Xuất 50 tỷ đồng và 1.500 tấn gạo giúp dân
Ngày 2/10, tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã công bố quyết định của Thủ tướng hỗ trợ các tỉnh miền Trung tổng cộng 50 tỷ đồng. Cùng ngày, Thủ tướng cũng ký QĐ xuất 1.500 tấn gạo dự trữ giúp dân 4 tỉnh miền Trung.  

>> Báo Tiền phong kêu gọi giúp đỡ đồng bào miền Trung

Xuất 50 tỷ đồng và 1.500 tấn gạo giúp dân ảnh 1
Bão số 6 gây thiệt hại lớn và làm ngập lụt trên diện rộng tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong ảnh: Nhiều vùng ở huyện Phú Vang bị ngập sâu trong nước ngày 2/10. Ảnh : Quốc Việt - TTXVN.

Cụ thể : Đà Nẵng 20 tỷ đồng; Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam mỗi địa phương 10 tỷ đồng; Quảng Ngãi 5 tỷ đồng; Quảng Trị 3 tỷ đồng và KonTum 2 tỷ đồng .

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký đã Quyết định 1289/QĐ-TTg về việc xuất 1.500 tấn gạo dự trữ quốc gia ( không thu tiền) hỗ trợ cho các địa phương để khắc phục hậu quả bão số 6 gây ra. Số lượng gạo hỗ trợ được phân bổ cho tỉnh Thừa Thiên Huế: 500 tấn, Đà Nẵng 500 tấn và Quảng Nam 500 tấn.

Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam; thành phố Đà Nẵng chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số lượng gạo hỗ trợ trên đúng mục đích, đúng quy định.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Đây là cơn bão lớn, tốc độ cao, nhưng với những thông tin về dự báo chính xác, kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chỉ đạo. Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, tất cả mệnh lệnh đưa ra đều được thi hành nhiêm chỉnh, cho thấy các Bộ, ngành, địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ tính mạng của nhân dân. Do đó đã hạn chế thấp nhất về sự thiệt hại, đây chính là kết quả của việc chủ động phòng chống ngay từ đầu.

Tính đến ngày 02/10 số người chết 11 (trong đó Đà Nẵng 9 người), 211 người bị thương. Có 235.820 nhà bị sập, trôi, bị tốc mái... 2074 phòng làm việc của, cơ quan, trường học bị ngập, hư hỏng; 29.900m3 đất bị sạt lở, trôi trên các tuyến giao thông.

Nhiều công trình thuỷ lợi bị đất sạt lở, bồi lấp tới 120.000m3; lúa, hoa màu các loại bị ngập, ngã đổ trên 10.000ha; 427 tàu thuyền bị chìm tại nơi neo đậu. Hơn 1.000 cột điện và bưu điện bị ngã, đổ...

Nhiệm vụ trước mắt: các địa phương tiếp tục tập trung chống lũ để hạn chế thấp nhất về thiệt hại. Nhanh chóng ổn định nơi ăn chốn ở, đảm bảo an toàn cuộc sống cho người dân. Ưu tiên khôi phục trạm xá, bệnh viện, trường học; sớm đảm bảo giao thông, điện, bưu điện thông suốt toàn bộ. Chuẩn bị các điều kiện để tăng gia sản xuất ổn định. UBMTTQ cần có đợt kêu gọi, vận động nhân dân cả nước sẻ chia với đồng bào những vùng chịu thiệt hại do cơn bão gây ra.

Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương cũng đề nghị các tỉnh, thành phố cần khẩn trương thực hiện những công việc cấp bách: Nhanh chóng ổn định, khôi phục đời sống nhân dân ở những vùng bị thiệt hại do bão và lũ; hỗ trợ ngay cho các hộ gia đình có người bị chết, bị thương, gia đình bị thiệt hại về nhà ở, đảm bảo không được để dân đói, không để dân phải chịu cảnh chịu nắng, mưa mà không có mái che. Cung cấp thuốc khử trùng, thuốc phòng chống dịch bệnh, cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường. Khôi phục sản xuất, hỗ trợ giống, sửa chữa tàu thuyền để nhanh chóng có thu nhập cho dân.

Thiệt hại do bão số 6 gây ra rất nặng nề. Tuy nhiên, với cơn bão số 6 với gió mạnh cấp 12, giật trên cấp 13-14, phạm vi ảnh hưởng rộng...thì số thiệt hại trên cũng ở mức thấp nhất nhờ được dự báo sớm và có sự chỉ đạo sát sát sao của Chính phủ. Nếu không thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống bão thì chắc chắn số thiệt hại do bão số 6 gây ra là rất thảm khốc.

Qua bão số 6, một bài học cần xác định là: Kết hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng, từ dự báo khoa học đến sự chỉ đạo của Trung ương, việc chấp hành nghiêm mệnh lệnh chỉ đạo, kiên quyết áp dụng các biện pháp phòng, chống bão; không chủ quan...sẽ hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra.

(Tổng hợp từ TTXVN)

MỚI - NÓNG