Xuất hiện băng nhóm chuyên đánh hỏng xe ô tô để trộm cắp tài sản

Ban Chỉ đạo 138 họp về công tác phòng chống tội phạm
Ban Chỉ đạo 138 họp về công tác phòng chống tội phạm
TPO - Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, đang xuất hiện các băng nhóm tội phạm chuyên đi trộm tài sản trên xe ô tô. Chúng rình ở những nơi giao nhận tiền rồi đánh hỏng xe để trộm cắp. Hiện Công an thành phố đang tập trung xác lập chuyên án để bắt nhóm tội phạm trên.

Thiếu tướng Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an TP. Hà Nội lưu ý, các băng nhóm tội phạm thường rình ở những nơi giao nhận tiền rồi đánh hỏng xe ô tô để trộm cắp. Ông Toản cũng kiến nghị Chính phủ và Ban Chỉ đạo 138 sớm hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, có chế tài xử lý loại hình kinh doanh ‘bóng cười”, shisa. “Thanh niên, học sinh có xu hướng sử dụng các loại này rất nhiều, đặc biệt trong liên hoan sinh nhật, hội họp, gây nguy hiểm đến tính mạng”, ông Toản đề nghị.

Theo Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an, năm 2016, toàn quốc xảy ra 54.511 vụ phạm pháp hình sự, trong đó nổi lên là hoạt động của tội phạm có tổ chức, có dấu hiệu phức tạp trở lại trên nhiều địa bàn.

Nhiều băng nhóm lưu manh, côn đồ sử dụng vũ khí, hung khí để thực hiện  hành vi phạm tội, có vài chục đối tượng tham gia, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Tội phạm giết người gia tăng, nhất là các vụ giết người thân, giết người do mâu thuẫn thù tức cá nhân.

Về tội phạm kinh tế, tham nhũng, ông Tuyến cho biết, vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, lĩnh vực với tính chất nghiêm trọng, nhất là tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia. 

Đáng lo ngại là tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư công, quản lý, vận hành ở các tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước gây thất thoái lớn nguồn vốn của nhà nước.

Cũng theo ông Tuyến, tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường vẫn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, nhất là vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý chất thải.

Đặc biệt, năm 2016 liên tiếp xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt trên biển, sông, kênh rạch; nổi cộm nhất là việc xả thải, xử lý chất thải công nghiệp ra biển gây hậy quả nghiêm trọng tại 4 tỉnh miền Trung. Phát hiện 17.622 vụ vi phạm pháp luật về môi trường.

Từ thực trạng trên, Ban Chỉ đạo 138 đề xuất, trong năm 2017, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về kinh tế- xã hội, khắc phục sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhằm chủ động phòng ngừa tội phạm và chống vi phạm pháp luật không để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội.

Bên cạnh đó, mở rộng quan hệ hợp tác với cảnh sát, nội vụ các nước và các tổ chức quốc tế về phòng, chống tội phạm, nhằm tăng cường trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, phối hợp đấu tranh chuyên án, truy nã, dẫn độ tội phạm.

MỚI - NÓNG