Xuất hiện tội phạm nguy hiểm do yếu kém trong quản lý người nước ngoài tại VN

ĐBQH Đinh Công Sỹ
ĐBQH Đinh Công Sỹ
TPO - Trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến các hoạt động tội phạm của người nước ngoài tại Việt Nam, theo đại biểu Quốc hội, có tình trạng thiếu sâu sát của cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền một số địa phương về quản lý xuất nhập cảnh và cư trú.

Tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng 31/10, ĐBQH Đinh Công Sỹ (Sơn La) cho rằng, pháp luật về hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, lao động, cư trú, đầu tư kinh doanh của người nước ngoài tại Việt Nam khá đầy đủ. Những quy định cũng đã được đơn giản hoá, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Điển hình như quy định miễn thị thực, thí điểm cấp thị thực điện tử đã tạo thuận lợi cho thủ tục xuất nhập cảnh thì số lượng người nước ngoài vào Việt Nam đã tăng dần theo các năm. Báo cáo của Chính phủ cho thấy, hết năm 2018 đã đạt trên 16 triệu lượt người và trước năm 2019 sẽ đạt 18 triệu lượt người nước ngoài vào Việt Nam. Sự tham gia của người nước ngoài vào các hoạt động đầu tư, thương mại và dịch vụ đã góp phần tích cực vào công cuộc phát triển chung của nước ta.

Tuy nhiên theo ông Sỹ, chính sự tăng lên của lượng người nước ngoài vào Việt Nam cũng đã và đang nảy sinh những vấn đề tiêu cực, như người nước ngoài tổ chức các hoạt động kinh doanh trái pháp luật, tổ chức đánh bạc, tội phạm ma tuý, lừa đảo, vi phạm pháp luật về cư trú, lao động...

“Những vụ việc không chỉ có tính chất đơn lẻ mà có đường dây, có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia. Những vi phạm này không chỉ vi phạm hành chính mà nghiêm trọng hơn còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự”, đại biểu đoàn Sơn La nói.

Chính thực tế này đã đặt ra những yêu cầu mới trong công tác quản lý nhà nước về người nước ngoài. Theo ông, nguyên nhân có nhiều, như lợi dụng kẽ hở của quy định pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của một số nhà thầu và người nước ngoài trong tuyển dụng, sử dụng và cấp phép lao động, xuất nhập cảnh và cư trú; cũng như trong sự chồng chéo trong quy định về thẩm quyền quản lý xuất nhập cảnh và quản lý cư trú.

“Đặc biệt là thiếu sự sâu sát của cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền một số địa phương về quản lý xuất nhập cảnh và quản lý cư trú”, ông đánh giá, và đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý người nước ngoài, nhất là các văn bản dưới luật; sớm cụ thể hoá và triển khai có hiệu quả Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị công tác thanh tra, kiểm tra phải được tiến hành một cách thường xuyên, nhất là chính quyền địa phương có đông người nước ngoài đến cư trú, làm việc; cũng như trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, gồm trách nhiệm quản lý ngành, quản lý địa phương. Đặc biệt liên quan đến các vụ việc sau điều tra, cần được xem xét, xử lý kịp thời và minh bạch.

Nhập siêu từ Trung Quốc tăng cao

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM), trong 4 năm qua, Việt Nam xuất siêu đạt 19,7 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng trưởng ngoại hối. Tuy nhiên, điều cần lưu ý, trong tổng kim ngạch xuất khẩu có hơn 70% là đến từ doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Theo ông, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương khi cấp phép đầu tư cần ưu tiên yếu tố an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, khoa học công nghệ.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân liên hệ, hiện nay nhiều nước trên thế giới đang thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch, tạo ra rào cản thương mại, vì vậy Chính phủ cần quan tâm hơn nữa tới thị trường trong nước, triển khai có hiệu quả cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tiến tới Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam.

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, ông Ngân viện dẫn thu nhập bình quân của Việt Nam đang tăng gấp đôi so với năm 2010 (hơn 1.300 USD/người/năm), nay là hơn 2.700 USD/người/năm). Trong 5 năm qua, Việt Nam giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát liên tiếp trong 5 năm lạm phát dưới 4%, kéo giảm bội chi, xử lý nợ xấu, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia và an toàn hệ thống ngân hàng. 

Mặc dù vậy, đại biểu cũng băn khoăn trước việc nhập siêu từ Trung Quốc tăng cao, cán cân thương mại, diễn biến hàng hóa phức tạp. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm ngăn chặn hiệu quả. Việc hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế cao trên thị trường Mỹ lại là điều kiện giúp hàng hoá Việt Nam vào thị trường này. Trong 10 tháng của năm 2019, Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ 49,9 tỷ USD.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".