Xuất khẩu gạo 2010: Nhiều thách thức

Xuất khẩu gạo 2010: Nhiều thách thức
TP - Mặc dù dự báo lượng gạo tiêu thụ của thế giới tăng 6% và mua bán gạo tăng 4% trong năm 2010, song Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) và nhiều DN kinh doanh gạo vẫn lo ngại phải đối mặt với những thách thức mới.

Phó Chủ tịch VFA, ông Phạm Văn Bảy đã cảnh báo như vậy hôm 5-2. Ông Bảy cho biết, tính đến 31-1-2010, lượng gạo đã ký hợp đồng xuất khẩu trên 2,3 triệu tấn, giảm 18,52% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng trong tháng 1-2010 đã xuất trên 354 nghìn tấn và số lượng gạo còn lại sẽ tiếp tục giao trong thời gian tới theo hợp đồng đã ký là trên 2 triệu tấn.

Sở dĩ hợp đồng xuất khẩu giảm, theo ông Bảy, là do lượng gạo tồn kho lớn cũng như sức tiêu thụ của hầu hết các thị trường truyền thống giảm.

Trầm lắng nhất là thị trường châu Phi (chiếm khoảng 30% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam), các hợp đồng mới gần như không đáng kể, ngay cả những hợp đồng đã ký các nhà nhập khẩu gạo của khu vực này vẫn chưa tiến hành nhập.

Trong khi đó lượng gạo tồn kho của Ấn Độ và Indonesia còn rất lớn, với số lượng tương ứng là 24,3 triệu tấn và 1,2 triệu tấn. “Ấn Độ có nhập khẩu gạo thời gian tới hay không vẫn còn là ẩn số” - Ông Bảy nói. Tương tự, Indonesia nếu có nhập khẩu gạo cũng phải đến cuối tháng 2-2010.

Ông Bảy cũng cho biết, VFA đang thúc đẩy các doanh nghiệp hội viên thực hiện thu mua và giao hàng đối với những hợp đồng đã ký. VFA cũng sẽ có biện pháp can thiệp nếu giá lúa giảm mạnh (do sức mua kém).

Cụ thể, nếu giá lúa có chiều hướng giảm (giá lúa hiện tại: 4.500 - 4.600 đồng/kg), VFA sẽ phân bổ cho các DN thành viên thu mua hết cho nông dân, nhằm đảm bảo không để giá lúa xuống thấp hơn 4.000 đồng/kg.

Theo tính toán, giá thành sản xuất lúa hiện nay (theo phương án cao) là 2.500 đồng/kg, nếu giá bán như hiện nay, nông dân lãi khoảng 60%.

Trong khi đó, Việt Nam đang đối mặt với một đối thủ cạnh tranh mới là Myanmar và Pakistan. Năm 2009, Myanmar  xuất khẩu 900 nghìn tấn gạo và kế hoạch năm 2010 tăng lên 1,5 triệu tấn.

Giá gạo Myanmar chỉ khoảng 320-330 USD/tấn, thấp hơn 100 USD/tấn so với gạo Việt Nam. Vì vậy, nước này sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với gạo Việt Nam ở khu vực thị trường thấp cấp, nhất là khu vực châu Phi.

Hỗ trợ nông dân

Phó Chủ tịch khác của VFA là Nguyễn Thọ Trí cũng cho biết, VFA đang triển khai nhiều biện pháp để hỗ trợ nông dân sản xuất lúa. Trước nhất là yêu cầu các DN thành viên tổ chức lực lượng thương lái và các nhà máy xay xát trên địa bàn hoạt động trở thành vệ tinh của doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thọ Trí cũng cho rằng: Ngoài thiếu thông tin, vấn đề khó khăn hiện nay của nông dân là phải chịu áp lực rất lớn trong việc thanh toán vốn vay cho ngân hàng.

“Vì phải gấp rút trả vốn vay ngân hàng nên nông dân không có nhiều “cơ” để đàm phán giá với thương lái. Dù thương lái không ép giá mà chỉ chần chừ chưa mua ngay là nông dân đã gặp không ít khó khăn” - Ông Trí nói.

DN ký hợp đồng thu mua lúa từ thương lái với mức giá chênh lệch nhất định so với giá thu mua của nông dân. Sự hợp tác này nhằm hạn chế tối đa việc thương lái ép giá nông dân.

VFA cũng đã thành lập quỹ đầu tư, hỗ trợ nông dân và hoạt động ngay trong năm 2010. Mục tiêu của quỹ là hỗ trợ công tác nghiên cứu, sản xuất lúa giống xác nhận cung cấp cho nông dân với mức 1 USD/tấn lúa xuất khẩu.

Quỹ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân vay không lãi suất (hoặc hỗ trợ lãi suất) để đầu tư xây dựng hệ thống liên hoàn gồm: sấy lúa, xay xát, kho bảo quản... hiện đại nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo.

Ngoài ra, nhằm hỗ trợ cho nông dân có thông tin để đàm phán về giá với thương lái, VFA hỗ trợ 1.300 xã ở khu vực sản xuất lúa gạo trọng điểm phía Nam mỗi xã một số máy vi tính có nối mạng internet để người dân cập nhật các thông tin về thị trường, giá cả trong lẫn ngoài nước.

Chương trình này sẽ được triển khai ngay trong năm 2010.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.