Xuất khẩu lao động bị biến thành… du học sinh(?!)

Xuất khẩu lao động bị biến thành… du học sinh(?!)
TP - Đang ở miền quê nghèo nhất của tỉnh Hà Tĩnh, phải tìm đường đi xuất khẩu lao động để xóa nghèo, vậy mà bỗng một ngày người cha được làm Phó Giám đốc Cty TNHH, người con trở thành sinh viên một trường đại học danh tiếng của Hàn Quốc.

Câu chuyện này chúng tôi  được nghe từ anh Hoàng Linh (giảng viên đại học tại Hà Nội). Anh Linh cho biết, đứa cháu tên Nam (con của người hàng xóm, quê Hà Tĩnh) đang đi làm việc tại Hàn Quốc mới đây gọi điện cho anh, nhờ đưa ra lời khuyên. Nam cho biết, em đang học tại trường Đại học Chosun (Hàn Quốc). Đã đến hạn nộp học phí mà chưa có tiền, nhà trường thông báo nếu không nộp đúng hạn sẽ bị đuổi học.

Anh Linh không hiểu chuyện này thế nào, vì Nam đi xuất khẩu lao động chứ có đi học đâu, sao lại đóng học phí? Bố mẹ Nam là nông dân 100%, đưa Nam đi xuất khẩu lao động (nghe đâu chi phí khoảng 100 triệu đồng) để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, sao bây giờ sang Hàn Quốc lại… rơi vào trường đại học?

Nam nói: “Bạn bè khuyên cháu nên bỏ học, vào các Cty làm việc, kiếm tiền. Nhưng trước khi đi gia đình cháu đã thế chấp cả nhà cửa, nếu cháu bỏ trốn thì mất hết. Theo chú, cháu nên làm gì bây giờ?”. “Tôi chưa hiểu rõ ràng điều gì nên khuyên Nam là cứ để yên tình hình, vài ngày nữa gọi về để tìm cách giải quyết” - Anh Linh nói.

Anh Linh càng tìm hiểu càng… không hiểu. Anh tìm đến báo Tiền phong, đề nghị vào cuộc tìm hiểu xem cháu Nam đi xuất khẩu lao động, hay du học?

Lật lại hồ sơ vụ việc, trong Thông báo tuyển sinh du học Hàn Quốc (Trung tâm tư vấn du học và du lịch HORIZON hợp tác với các trường đại học Hàn Quốc, Hiệp hội Hữu nghị Việt Hàn, VPSP giới thiệu chương trình vừa học vừa làm tại Hàn Quốc), có đưa ra một số thông tin như: Đối tượng tuyển sinh (Tốt nghiệp THPT, học lực khá trở lên, tuổi dưới 23), Chương trình học và làm việc (sinh viên sẽ được học và làm thêm, được bố trí chỗ ăn, chỗ ở trong trường hoặc tại nơi làm việc, lương hằng tháng 500 – 700 USD (tùy theo việc) và Tổng chi phí trước khi bay (khoảng 10.270 USD - nữ; 11.270 USD - nam).

Trong thông báo này, học phí mà sinh viên phải trả khoảng 1.500 USD/kỳ. Trên giấy tờ thì Nam đi du học, chứ không phải đi xuất khẩu lao động. Nhưng vì sao, một gia đình nông dân nghèo (ngay cả chi phí cho con học đại học ở trong nước còn không lo nổi) lại đầu tư cho con đi học đại học ở Hàn Quốc? Gia đình Nam lấy tiền ở đâu?

Tại Giấy xác nhận thu nhập ghi bố Nam là Phó Giám đốc kinh doanh, thu nhập trung bình khoảng 5 triệu đồng/tháng và xác nhận là bố Nam có khả năng chi trả toàn bộ học phí học tập và ăn ở trong suốt thời gian con trai du học tại Hàn Quốc.

Tại Phiếu thu có dấu treo của Trung tâm HORIZON, ghi số tiền mà gia đình Nam đã đóng cho trung tâm này là trên 100 triệu đồng.

Chúng tôi đã gọi điện về địa phương xác minh và được biết, bố của Nam là nông dân nghèo, chưa bao giờ là Phó Giám đốc kinh doanh của một Cty nào. Hiện, gia đình đang nợ nần rất nhiều (từ ngân hàng, bạn bè) để lo tiền cho Nam đi xuất khẩu lao động.

Cuộc xuất ngoại không rõ mục đích (?)

Chúng tôi đã tìm đến Trung tâm HORIZON, tại địa chỉ Khu trường học, Đô thị Trung Hoà - Nhân Chính (Cầu Giấy, Hà Nội). Chúng tôi được bà Vũ Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Trung tâm tiếp. Trung tâm này thuộc Cty VINAMEX (Cty có chức năng xuất khẩu lao động).

Trung tâm này đưa học sinh sang Hàn Quốc chương trình vừa học vừa làm (một số Cty xuất khẩu lao động Việt Nam đưa lao động sang Hàn Quốc theo chương trình vừa học vừa làm gọi là Tu nghiệp sinh. Đưa đi theo đường này phải được Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cấp phép).

Việc lập trung tâm đưa học sinh sang Hàn Quốc theo con đường này là qua một nhà môi giới là người Hàn Quốc (và đây là cách làm linh hoạt trong khuôn khổ giấy phép đăng ký kinh doanh của Cty VINAMEX), chứ Bộ GD&ĐT (về du học) và Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (về xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc) đều chưa cho phép.

Vậy, Trung tâm ký kết hợp đồng trực tiếp với các trường đại học tại Hàn Quốc hay chỉ qua môi giới? Trung tâm đã quản lý số “sinh viên” mà mình đưa đi như thế nào tại Hàn Quốc?

Chúng tôi đã đặt câu hỏi với lãnh đạo Cty VINAMEX và lãnh đạo Trung tâm HORIZON thì nhận được thông tin là, tất cả chỉ qua môi giới (một người Hàn Quốc). Cty không có văn phòng đại diện để quản lý “sinh viên” tại Hàn Quốc. “Sinh viên bỏ trốn, vi phạm kỷ luật, hay gây ra chuyện gì đi chăng nữa, Cty VINAMEX cũng không kiểm soát được.

Ràng buộc duy nhất mà Cty VINAMEX có được là Hợp đồng bảo lãnh với người nhà du học sinh với khoản tiền đặt cọc rất lớn (nếu du học sinh bỏ trốn, Cty sẽ giữ khoản tiền ấy). Cách làm này cũng giống một số Cty xuất khẩu lao động Việt Nam đã làm khi đưa lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh quốc… 

Chúng tôi đặt vấn đề, có sự không rõ ràng giữa du học và xuất khẩu lao động (Cty VINAMEX thì chức năng xuất khẩu lao động, Trung tâm HORIZON (trực thuộc Cty VINAMEX) lại có chức năng tư vấn du học) thì được giải thích là đưa đi Hàn Quốc thì ăn thua gì. Hiện ở Hà Nội, không chỉ có Cty VINAMEX tuyển sinh đi du học Hàn Quốc mà có ba Cty làm và họ đưa học sinh đi rất nhiều. Chúng tôi là Cty nhà nước bắt học sinh đặt cọc nên giá cao hơn so với các Cty tư nhân khác….

Chúng tôi có nhận được phản ánh từ du học sinh của VINAMEX (từ Hàn Quốc), đó là để được sang Hàn Quốc theo đường này bố mẹ họ đều phải “biến” thành Giám đốc, Phó Giám đốc…, phải chăng đó là chủ trương của Cty?

Trả lời câu hỏi của chúng tôi, bà Hương cho rằng: “Đó chỉ là thủ tục thôi. Cty chỉ gợi ý, còn việc kiểm tra là do Đại sứ quán. Người ta cần thì chúng tôi tư vấn thôi…”.

Theo phản ánh của một số “sinh viên” đang học tại Hàn Quốc (và đã bỏ trốn ra ngoài làm việc) theo con đường này, đa số sang đây là đi làm chứ không ai đi học.

Họ đang làm việc cùng với lao động bất hợp pháp của Việt Nam tại Hàn Quốc. Việc họ làm gì, làm ở đâu…, Cty VINAMEX không kiểm soát hết. Bởi tại hợp đồng bảo lãnh nếu bỏ trốn ra ngoài, Cty sẽ được giữ lại khoản tiền đặt cọc (tiền bảo lãnh) 250 triệu đồng. Dù sao thì với khoản tiền này phía Cty cũng nắm đằng chuôi!

Người lao động hãy thận trọng

Được biết từ đầu năm 2007, phía Hàn Quốc ngừng tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam. Hiện nay lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc chỉ với 2 con đường: Đi theo Luật Cấp phép mới và Chương trình Thẻ vàng. Luật Cấp phép mới thì Bộ Lao động Thương binh & Xã hội làm (nhận chỉ tiêu phân bổ về các địa phương; doanh nghiệp không được tham gia), còn chương trình Thẻ vàng chủ yếu dành cho đối tượng là chuyên gia.

Như vậy, Tu nghiệp sinh thì phía bạn ngừng tiếp nhận, đưa đi theo Luật Cấp phép mới thì doanh nghiệp không được làm, đi theo chương trình Thẻ vàng thì không đáng kể.

Với thị trường Hàn Quốc, doanh nghiệp gần như chỉ biết “ngồi chơi xơi nước”. Bởi vậy, trong bối cảnh ấy, những cách làm “linh hoạt” để đưa lao động sang Hàn Quốc là điều mà Bộ Lao động Thương binh & Xã hội cần phải lưu tâm, chấn chỉnh.

Hiện tượng mà chúng tôi nêu ở trên rất mong Bộ Lao động Thương binh & Xã hội vào cuộc tìm hiểu, có thông tin chính thức với bạn đọc để tránh hiểu lầm, tránh những hậu quả đáng tiếc trong XKLĐ.

Giang Sáng

MỚI - NÓNG