Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Những khoản tiền khó nói

Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Những khoản tiền khó nói
TP - Do thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt nên Hàn Quốc là thị trường thu hút đông đảo người lao động tham gia. Tuy nhiên, không phải lao động nào có được chứng chỉ tiếng Hàn và hoàn tất các thủ tục đều được sang nước này làm việc.
Xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc: Những khoản tiền khó nói ảnh 1
Một lớp học tiếng Hàn do Trung tâm Lao động Ngoài nước tổ chức tại Hà Nội. Ảnh: Thiện Phúc

Cơn sốt đi Hàn

Trước năm 2004, Việt Nam đưa lao động sang Hàn Quốc theo hình thức tu nghiệp sinh (TNS) thông qua một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ). Số lượng TNS được cử sang Hàn Quốc tu nghiệp trung bình hằng năm từ 4.000 đến 5.000 người.

Năm 2004, theo luật cấp phép cho người lao động (NLĐ) nước ngoài của Hàn Quốc, ta và bạn ký thỏa thuận về đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo hình thức phi lợi nhuận, NLĐ chỉ phải chi 699 USD.

Để bảo đảm chất lượng lao động gửi sang cho người sử dụng lao động lựa chọn được tốt và đưa đi được nhiều lao động, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Quốc phòng, một số bộ, ngành có trường dạy nghề và các địa phương tập trung tuyển chọn lao động là học sinh đang học nghề có nhu cầu đi Hàn Quốc.

Các đơn vị do Bộ LĐ-TB&XH trực tiếp quản lý (Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, Trung tâm Lao động Ngoài nước – LĐNN) để xảy ra sai phạm khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lao động đi làm việc ở nước ngoài, theo kết luận mới đây của Thanh tra Chính phủ.

Kết quả, có 85 phần trăm hồ sơ dự tuyển của lao động Việt Nam gửi đi được chủ sử dụng lao động phía Hàn Quốc tiếp nhận. Đây là tỷ lệ được tiếp nhận  cao nhất trong số 15 nước được phép đưa lao động sang nước này.

Đi Hàn chi phí thấp, thu nhập cao nên xảy ra tình trạng người người muốn đi Hàn. Đỉnh điểm cơn sốt là cuối năm 2006 đến những tháng đầu 2008. Tuy nhiên, do vướng hạn ngạch nên cung hạn hẹp.

Tại nhiều địa phương (Hà Tĩnh, Nghệ An, Hải Dương…), nhiều người không nắm rõ được việc XKLĐ sang Hàn Quốc là phi lợi nhuận nên đã chi cho cò mồi hàng trăm triệu đồng. Hàng loạt vụ lừa đảo XKLĐ liên quan đến thị trường Hàn Quốc xảy ra, gây thiệt hàng trăm tỷ đồng cho NLĐ.

Tận thu NLĐ khoản chênh lệch hơn 50 tỷ đồng

Trước nhu cầu lớn của NLĐ muốn sang Hàn Quốc làm việc, sau khi ký kết thỏa thuận về đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo hình thức phi lợi nhuận, Bộ LĐ-TB&XH ngay lập tức ban hành quyết định, quy định rõ từng khoản tiền mà NLĐ phải đóng trước khi đi với tổng chi phí là 699 USD. Trong số đó, khoản chi cao nhất là chi mua vé máy bay một lượt 350 USD.

Tuy nhiên, mức quy định của Bộ LĐ-TB&XH lại cao hơn giá vé mà Trung tâm LĐNN thực sự phải mua 320 USD.

Tương tự, khoản phí đào tạo, giáo dục định hướng mà Bộ LĐ-TB&XH ấn định là 40 USD/ người cũng cao gấp hai lần mức chi phí thực tế. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, từ đầu 2003 đến tháng 4/2008, tổng thu của Trung tâm LĐNN từ khoản này lên tới hơn 16 tỷ đồng, nhưng thực chi chỉ hơn bảy tỷ đồng.

Trong danh mục thu tiền của Trung tâm LĐNN còn có khoản lệ phí lý lịch tư pháp với tổng số tiền hơn 4,6 tỷ đồng trong khi thực tế Trung tâm không chi một đồng nào cho khoản phí này.

Với những khoản thu trên (chênh lệch vé máy bay, tiền giáo dục định hướng, lệ phí lý lịch tư pháp…), Thanh tra Chính phủ cho rằng Trung tâm LĐNN đã thu vượt chi tổng cộng hơn 53 tỷ đồng từ NLĐ. Việc quy định một số khoản thu của NLĐ cao hơn thực tế trong thời gian dài với số tiền lớn là có trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ.

Về nguyên tắc, khoản tiền này phải trả lại cho người đi XKLĐ Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, việc xử lý khoản tiền này rất khó nên tạm thời chuyển toàn bộ số tiền này vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ, chờ xử lý.

Được biết, hiện vẫn còn hơn 11 nghìn lao động chưa được xuất cảnh sang Hàn Quốc dù đã hoàn tất hồ sơ.

Hơn 40.000 lao động đã được đưa sang Hàn Quốc làm việc theo chương trình phi lợi nhuận. Tính cả TNS, đã có khoảng 50.000 lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, hàng năm gửi về nước trên 700 triệu USD.

Lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc chủ yếu trong các nhà máy công nghiệp. Số còn lại làm việc trong các ngành nông nghiệp, xây dựng, thủy sản. NLĐ làm việc tại Hàn Quốc có điều kiện bảo đảm, việc làm ổn định, thu nhập cao (trung bình 1.500 USD/tháng).

MỚI - NÓNG