Xuôi về Đất mũi

Xuôi về Đất mũi
TP - Trong tâm thức của người Việt, Đất Mũi thiêng liêng, xa xôi nhưng rất gần gũi. Nơi đó, đất nở, rừng đi sinh sôi vươn ra biển lớn thành Xóm Mũi, ấp Mũi, xã Đất Mũi. Người dân Đất Mũi khảng khái, hào sảng và giàu tình thương.

Đường đến Đất Mũi không còn cách trở. Ca- nô dập dìu, bồng bềnh trên sông nước đưa đón khách. Anh tài công vừa ôm vô- lăng ca-nô vừa đưa chuyện với khách lạ: “Từ TP Cà Mau đi Đất Mũi chỉ mất hơn 2 tiếng đồng hồ. Ngày trước, muốn đi xuống Đất Mũi phải mất gần một ngày đêm bằng tàu đò. Vài năm nữa, đường Hồ Chí Minh nối TP Cà Mau - Đất Mũi khởi công, xe cộ bon bon về Đất Mũi không mấy hồi!”.

Chiếc ca-nô khách chạy tuyến TP Cà Mau- Đất Mũi (Ngọc Hiển, Cà Mau) lượn vòng trên sóng, vùng sông nước mênh mông, rừng đước xanh thẳm. Những cụm dân cư ven sông nhộn nhịp, tấp nập. Bà con xây cất nhà tựa lưng vào vườn cây, rừng đước để quay cửa ra sông. Mũi tôm cá khô mặn mà, theo làn gió mát từ biển trở nên thân quen của làng chài lưới Đất Mũi.

Chiếc ca-nô khựng lại, cặp ngôi nhà sàn làm bằng gỗ đước, không cửa như bao ngôi nhà ở Đất Mũi. Ông Nguyễn Văn Mốt (Sáu Mốt), 64 tuổi, Trưởng ấp Mũi, xã Đất Mũi, cười rất tươi, đón khách. “Anh em đến Đất Mũi chơi hay có chuyện gì? Ngồi đây nói chuyện luôn!”- Ông Sáu Mốt nói rõ to như sợ gió biển lấn át. Nhà không cửa thoáng mát, tiện dụng, rộng rãi như tấm lòng người dân nơi cuối trời Tổ quốc.

Trong những ngày cuối tháng tư, Đất Mũi đón nhận sự kiện Lễ công bố Mũi Cà Mau được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Ông Sáu Mốt khoe: “Mấy ngày nữa, Đất Mũi đón khách đông lắm, Tuần lễ Văn hóa Du lịch Đất Mũi Cà Mau”.

Xuôi về Đất mũi ảnh 1

Ghe xuồng mua bán trên sông

Đất nở, rừng đi...

Ông Sáu Mốt kể rằng vùng đất này gọi là Xóm Mũi, thành lập ấp Mũi, rồi xã Đất Mũi (Ngọc Hiển) như bây giờ. Vùng Đất Mũi có sức sinh trưởng lạ: Đất nở, rừng biết đi…Sức bền bỉ, vững chãi, nở ra là nhờ cây nắm tiên phong lấn biển, giữ phù sa, lắng đọng thành bãi bồi ra phía biển. Cây đước, sú, vẹt…thành rừng. Đứng trên dải đất xanh tươi cuối trời Tổ quốc, thấy mặt trời mọc lên từ lòng Biển Đông mỗi sớm mai và lặn xuống Biển Tây khi hoàng hôn đến.

Trong chiến tranh, Xóm Mũi lưa thưa vài ngôi nhà nhỏ, người dân phải lùi vào ấp Rạch Tàu, xã Đất Mũi cất nhà ở. Tan giặc, im tiếng súng, bà con vô rừng bắt cua, lội ra bãi biển sạt sò huyết, giăng lưới cá... Ông Sáu Mốt nhớ lại: “Mỗi người vào rừng bắt cua cũng được vài chục ký, sạt sò cũng hàng trăm ký… Khi nước lên, rắn nước leo lên đọt cây mấm lúp xúp mé biển, cầm dao xả một cái cũng được hàng chục con!”.

Về thăm Đất Mũi, chúng tôi bùi ngùi nhớ hình bóng ông Ba Nhớ, ông đã mất vài năm rồi. Ông tên là Nguyễn Văn Dễ, hoạt động cách mạng lấy bí danh Ba Nhớ. Các đồng đội của ông là Võ Văn Dùm (bí danh Ba Ơn), Hứa Văn Coi (bí danh Ba Cách) và Võ Văn Bời (bí danh Ba Mạng). Cách gọi của người dân Nam Bộ, 4 ông cùng lấy thứ ba với các bí danh ghép lại rất có nghĩa: Nhớ- Ơn- Cách- Mạng. Sau này, các ông trở thành cán bộ Đảng, chiến sĩ Đoàn tàu Không số đường Hồ Chí Minh trên biển…

Chị Nguyễn Ngọc Anh- con gái ông Ba Nhớ vừa thương tiếc, vừa tự hào: “Ba mẹ tôi có 5 người con thì 2 người con trai là Nguyễn Ngọc Em, Nguyễn Văn Sạch hy sinh, cách vài chục ngày nữa là đến ngày Giải phóng!”.

Ấp Mũi có khu du lịch văn hóa Đất Mũi xây dựng nhà hàng nhô ra biển, Vọng hải đài vút trên cao, biểu tượng Mũi Cà Mau, cột mốc tọa độ quốc gia…

Xuôi về Đất mũi ảnh 2
Phơi cá khô khoai. Ảnh: T.H

Tương lai của đất Mũi

Anh Trương Văn Sệ, 28 tuổi, vừa được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi khái quát: “Xã Đất Mũi chia làm 15 ấp, 15.024 ha, mô hình rừng- tôm hơn 2.220 ha và 400 phương tiện khai thác đáy hàng cạn, hàng khơi. Tỷ lệ hộ nghèo còn 6% nhưng nếu xét theo tiêu chí thu nhập thì không còn hộ nghèo vì bà con dễ kiếm tiền từ rừng, từ biển, từ bãi bồi”.

Thật bất ngờ, trong ngôi nhà không cửa của ông Kiều Văn Thừa có rất nhiều giấy khen, bằng khen. Ông Kiều Văn Thừa nâng niu bằng khen học sinh giỏi quốc gia môn sinh vật của con trai là Kiều Anh Vũ.

Hiện nay, Kiều Anh Vũ đang là sinh viên Đại học Luật TPHCM. Ông có vẻ tự hào về người con trai vượt khó, học giỏi: “Thằng Kiều Anh Vũ đi học trên thành phố nhưng không tốn tiền nhiều nhờ học giỏi, được học bổng và rất tích cực làm công tác Đoàn trên đó! Nghe đâu, nó dính chân trong cán bộ Thành Đoàn TPHCM”.

Ông Kiều Văn Thừa cũng là một dân chài lưới thứ thiệt. Ông cùng với các ông Trần Văn Bạch, Trần Văn Gò, Trần Chiến Thắng đóng ghe chạy máy D22, ra khơi đóng đáy hàng cạn nuôi sống gia đình. Gia đình ông có chiếc máy vi tính để bàn, có đường line ADSL. Thấy tôi tò mò, ông phân trần: “Thứ vi tính vi téo, internet thì tôi không biết. Nhưng rể của ông là Nguyễn Văn Toàn, làm Hiệu phó Trường tiểu học Đất Mũi 1, dạy vi tính gần chục học trò, chúng mang đến học bằng máy vi tính xách tay, nhỏ xíu”.

Anh Trương Văn Sệ, Phó Chủ tịch UBND xã Đất Mũi ước ao: “Hiện nay, xã Đất Mũi có 2.259 học sinh từ mẫu giáo, tiểu học đến THCS. Chúng tôi đang làm tờ trình xin mở tiếp lớp 10 để các em học sinh khỏi phải đi xa học lên THPT. Trường lớp khang trang, đầy đủ. Yêu cầu Sở GD&ĐT Cà Mau gật đầu một cái là được!”.

MỚI - NÓNG