Y tế tư nhân 'sợ hãi' trăm bề

Y tế tư nhân 'sợ hãi' trăm bề
TP - Cả nước hiện có trên 170 bệnh viện tư nhân, hơn 30.000 phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, các cơ sở y tế tư nhân vẫn chưa thể phát triển do gặp rất nhiều rào cản từ pháp luật, thủ tục hành chính, và cả sự phân biệt đối xử công - tư.

Sáng 13/4, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có buổi giải trình về công tác cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh trước Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Bất bình đẳng

Bác sĩ Phạm Thành Vận - Chủ tịch Hội Hành nghề Y tư nhân Việt Nam, cho biết, cả nước có trên 170 bệnh viện tư và hơn 30.000 phòng khám tư nhân. Tuy nhiên, nhà nước đang có sự “ưu ái” quá nhiều đối với bệnh viện công, chưa công bằng với bệnh viện tư nhân.

“Các bệnh viện, phòng khám tư nhân phải đối mặt với những khó dễ, rườm rà về mặt giấy tờ hành chính, tốn thời gian chờ đợi khá nhiều để giải quyết các vấn đề cần thiết”, bác sĩ Vận nói.

Ông cũng đề nghị bổ sung vào luật nội dung về cấp chứng chỉ hành nghề cho các chuyên khoa hiếm như răng miệng, chẩn đoán hình ảnh, sinh hóa, xét nghiệm sinh học phân tử… để khu vực y tế tư nhân được làm hợp pháp.

“Là người quản lý đầu ngành, tôi vẫn thấy có cái gì đó chưa thật sự công bằng, tạo sân chơi bình đẳng giữa y tế tư nhân và y tế công lập”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

Bác sĩ Vận còn nêu một thực tế, các y, bác sĩ làm khối y tế tư nhân đang phải chịu một áp lực rất lớn khi có tai biến y khoa. “Tại các bệnh viện công, khi xảy ra tai biến, bệnh viện được cơ quan quản lý chỉ đạo thành lập hội đồng thẩm định. Còn bệnh viện tư, chúng tôi phải tự giải quyết vấn đề của mình. Chưa biết sai đúng thế nào, nhưng người nhà bệnh nhân đã kéo thẳng đến bệnh viện, gây khó dễ. Ai bảo vệ chúng tôi?”, ông Vận đặt vấn đề.

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm, hiện chưa có quy định trong việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép cho các lương y, cơ sở y học cổ truyền. Trong khi đó, lực lượng này đang đóng vai trò quan trọng trong khám chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân.

Bộ trưởng Tiến cho biết, là người quản lý đầu ngành, tôi vẫn thấy có cái gì đó chưa thật sự công bằng, tạo sân chơi bình đẳng giữa y tế tư nhân và y tế công lập.

Bà nêu ra vài điều chỉnh để chứng minh rằng Bộ có quan tâm đến y tế tư nhân. Về việc mở phòng khám đa khoa tư nhân, trước đây yêu cầu phải có đủ 6 chuyên khoa kèm y bác sỹ cho các chuyên khoa đó, nay Bộ đã điều chỉnh còn 2 nhóm chuyên khoa lớn là hệ ngoại và hệ nội. Bộ đã ban hành thông tư thí điểm bác sĩ gia đình và đề nghị TPHCM quyết liệt thực hiện.

“Tôi ủng hộ y tế tư nhân. Tôi đề nghị các sở cấp phép bớt phiền hà cho tư nhân và tôi cũng tự hỏi chúng ta đã tạo hết điều kiện cho họ chưa”. Sắp tới, chúng tôi sẽ ban hành chính sách tạo điều kiện cho bệnh viện tư nhân tham gia hệ thống bệnh viện vệ tinh”, bà Tiến cho biết.

Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh, sẽ xem xét, ban hành quy trình thẩm định khi xảy ra tai biến y khoa, để vừa bảo vệ bệnh nhân, vừa bảo vệ nhân viên y tế. Về đông y, Bộ cũng sẽ bàn bạc với Hội Y học cổ truyền để thống nhất thông tư hướng dẫn việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động cho các lương y, cơ sở y học cổ truyền.

Không thể đổ hết trách nhiệm cho Bộ

Y tế tư nhân 'sợ hãi' trăm bề ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình trước Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội về công tác cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh

Trả lời câu hỏi của đại biểu ở Bến Tre về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Y tế trong việc cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động theo Luật Khám bệnh chữa bệnh còn chậm, Bộ trưởng Tiến nêu ra hai rào cản. Rào cản lớn nhất là nguồn nhân lực quá mỏng. “Có sở y tế chỉ có 23 người, nhưng xin thêm biên chế rất khó. Thanh tra cả nước gồm 63 sở cùng với thanh tra của bộ tổng cộng chỉ có 240 người”, bà Tiến nói.

Rào cản thứ hai là việc không chấp hành nghiêm luật, cố ý làm sai. “Những phòng khám có yếu tố nước ngoài cố tình làm chui, làm không theo quy trình như vụ Cát Tường, hoặc các vụ tai biến vắc - xin… Những cái đó xảy ra, không thể cứ đổ lỗi cho Bộ Y tế, cũng không thể nào đổ lên đầu Bộ trưởng Y tế, đương nhiên chúng tôi có trách nhiệm chung về mặt quản lý nhà nước”, bà nói.

Theo bà Tiến, quy định bộ, sở, phòng y tế làm gì đều rất rõ. Cho nên khi kiểm tra, thanh tra, sai phạm ở đâu, cấp đó phải trực tiếp chịu trách nhiệm. Không thể nào các cấp ở dưới sai phạm, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm. Bộ là cơ quan quản lý nhà nước, việc xảy ra tại địa phương thì chủ tịch UBND, sở y tế, phòng y tế, trung tâm y tế nơi đó chịu trách nhiệm. Ai cấp giấy phép hoạt động, ai chịu trách nhiệm, trong luật, nghị định đã có hướng dẫn đầy đủ.

Một số ý kiến đề nghị Bộ Y tế giao việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các hội nghề nghiệp. Bộ trưởng cho rằng rất muốn hội tham gia, nhưng trong giai đoạn này ngay cả hội cũng không thể nào có đủ nguồn lực. “Tương lai, hội tham gia chúng tôi rất khuyến khích và sẽ có những văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn”, bà Tiến nói. 

MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.