Ðạt 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội: ​Không lơ là, chủ quan

Ðạt 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội: ​Không lơ là, chủ quan
TP - Ngày 15/10, tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016- 2020; tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch năm 2019.

12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao được hoàn thành, tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ: Vì sao năng suất lao động vẫn thấp? Thu ngân sách khu vực FDI, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân chưa đạt dự toán, số lượng doanh nghiệp giải thể nhiều....?

GDP bình quân đầu người đạt 2.540 USD

Theo đánh giá của Chính phủ, “điểm sáng” nổi bật năm 2018 là hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao (trong đó, 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch), góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra.

Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, nếu GDP tăng 6,7% thì quy mô GDP theo giá hiện hành ước đạt hơn 5,55 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD). Từ kết quả đó, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.540 USD, tăng 155 USD so với 2017 và 325 USD so với 2016. Nếu so với năm 2015, chỉ tiêu này của Việt Nam đã tăng 1,21 lần. Tuy nhiên, nếu so với mục tiêu 3.200- 3.500 USD vào năm 2020 thì vẫn còn khoảng cách tương đối xa.

Về phát triển doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm nay có hơn 96 nghìn công ty lập mới, nhưng bên cạnh đó cũng có 73 nghìn đơn vị ngừng hoạt động. Trước tình hình trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh lo ngại, mục tiêu có một triệu doanh nghiệp vào năm 2020 khó hoàn thành khi việc phát triển doanh nghiệp tiềm ẩn khó khăn, số chờ giải thể, phá sản tăng cao.

Đề cập đến bức tranh kinh tế xã hội 3 năm 2016 - 2018, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh, chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp so với yêu cầu. Mức tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã có cải thiện, nhưng nhập siêu còn lớn, xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Tham nhũng, lãng phí còn lớn

Theo Chính phủ, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí thời gian qua được đẩy mạnh và đạt kết quả tích cực, đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều hành vi vi phạm pháp luật. Trong 8 tháng đầu năm đã phát hiện, xử lý 10.839 vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế; 277 vụ tội phạm và vi phạm pháp luật về tham nhũng, chức vụ, nhiều hơn 148 vụ so với cùng kỳ năm 2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá, trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cơ quan tư pháp, Chính phủ đã đẩy mạnh được công tác phòng chống tham nhũng. “Đây là giai đoạn được đẩy mạnh với phương châm nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, ở cương vị công tác nào, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu”, bà Nga cho hay.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đánh giá cao lĩnh vực thanh tra đã đẩy nhanh kết luận thanh tra các vụ được dư luận xã hội quan tâm như vụ AVG; cảng Quy Nhơn; hãng phim truyện Việt Nam, vụ Thủ Thiêm; đã điều tra các vụ án phức tạp như vụ đánh bạc trên mạng, sai phạm của một số ngân hàng, hay vụ Đinh Ngọc Hệ, Phan Văn Anh Vũ…

Nhắc lại con số 1.000 tỷ đồng lãng phí do sử dụng SGK một lần, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải tính toán, xây dựng một nhà cho người có công hết 50 triệu đồng. Với 1.000 tỷ đồng này, có thể xây được 20.000 căn nhà và có thể tu sửa được 40.000 căn nhà cho người có công.

“Đó mới chỉ là con số tiết kiệm trong một năm. Nếu chúng ta tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả thì sẽ ảnh hưởng, lan toả rất lớn… Giá như trước đây chúng tôi quyết liệt hơn, các đại biểu quyết liệt hơn thì trong những năm qua đã có bao nhiêu căn nhà tình nghĩa, nhà cho người có công được xây dựng”, bà Hải nói.

Không lơ là, chủ quan

Mặc dù tình hình đã có chuyển biến tốt, nhưng theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, không thể chủ quan trước rủi ro từ tác động kinh tế thế giới, nhất là cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ, có thể ảnh hưởng tới nước ta cả trực tiếp, gián tiếp trong hoạt động xuất khẩu, đầu tư… Ngoài ra, Chính phủ cần lưu ý rủi ro lạm phát và tỷ giá, các rào cản về thủ tục hành chính. “Lạm phát được duy trì dưới 4% giúp ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng không nên lơ là trước những rủi ro”, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

Theo Chủ tịch Quốc hội, thực tế tại một số địa phương vẫn còn tiếng kêu của doanh nghiệp, khi theo đuổi đầu tư 3 năm, thậm chí tới 10 năm một dự án và có đầy đủ thủ tục, hồ sơ song vẫn không thể thực hiện được. “Vẫn còn những rào cản ở địa phương, có thể vì sợ sai, sợ trách nhiệm khiến doanh nghiệp khó khăn. Chúng ta nói môi trường kinh doanh thông thoáng nhưng khi vào thực tế không đơn giản chút nào”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, tăng trưởng kinh tế tốt, lạm phát và bội chi đều trong tầm kiểm soát. Theo bà Ngân, những con số này nếu đưa ra Quốc hội thì đại biểu Quốc hội sẽ “phấn khởi lắm”, nhưng những phân tích về tồn tại, hạn chế trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế là có
cơ sở.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ trước khi báo cáo ra Quốc hội, phân tích cụ thể để giải trình thuyết phục đại biểu, như vì sao năng suất lao động vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực? Thu ngân sách ở khu vực FDI, doanh nghiệp nhà nước, tư nhân chưa đạt dự toán. Tốc độ tăng trưởng cao, thấp ở đâu trong khu vực và chất lượng tăng trưởng bền vững ra sao, tăng vào chỗ nào?

Chính phủ cần lưu ý rủi ro lạm phát và tỷ giá, các rào cản về thủ tục hành chính. “Lạm phát được duy trì dưới 4% giúp ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng không nên lơ là trước những rủi ro”, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

MỚI - NÓNG