Ðấu giá mỏ, có​ chặn được​ 'cát tặc'?

Kiểm tra, xử lý tàu khai thác cát xuất hiện trên sông Hồng địa bàn Phúc Thọ
Kiểm tra, xử lý tàu khai thác cát xuất hiện trên sông Hồng địa bàn Phúc Thọ
TP - Hà Nội hiện có 4 mỏ cát đủ điều kiện hoạt động, tuy nhiên tại các xã Vân Hà, Vân Nam, Phương Ðộ (huyện Phúc Thọ); xã Cam Thượng (huyện Ba Vì); xã Ðại Mạch (huyện Ðông Anh)… đều có “cát tặc” hoạt động trong một thời gian dài.

Trong những ngày đầu tháng 5, sông Hồng đoạn chảy qua địa bàn 2 xã Vân Nam và Vân Hà thuộc huyện Phúc Thọ -  Hà Nội và xã Trung Kiên (thuộc huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc), nhiều tàu hút ngang nhiên cắm vòi hút cát. Có thời điểm, có đến 3, 4 tàu cùng hoạt động, tiếng máy gầm rú cả một khúc sông. Xen lẫn những tàu hút cát này là sà lan vận chuyển cát ngang dọc. Việc khai thác cát ngày đêm khiến cho hàng chục hộ dân ở xã Vân Hà mất đất canh tác ven sông. Mỗi ngày, đất canh tác trôi dần xuống sông theo những tàu cát.

Còn tại xã Đại Mạch (Đông Anh), hàng chục hộ dân đã có đơn kêu cứu lần 4 về tình trạng khai thác cát ở địa phương. Theo đó, việc hút cát trái phép diễn ra từ năm 2004. Khối lượng cát lớn mất đi mỗi đêm dẫn đến sự thay đổi dòng chảy nhánh sông Hồng gây sạt lở nghiêm trọng cuốn đi hàng nghìn m2 đất canh tác.

Hàng trăm cây bưởi, chuối chăm sóc cả năm trời đến kỳ thu hoạch bị cuốn xuống sông. Đáng chú ý, sạt lở ăn sâu vào đất thổ cư của những hộ dân sinh sống ngoài đê, đe dọa trực tiếp sinh mạng của họ.

Điều người dân lo lắng khi đã kiến nghị, gửi đơn, gọi điện trực tiếp chính quyền xã và huyện nhưng tất cả chỉ dừng lại ở việc chỉ có một số công an xuống hiện trường nhưng không thể làm gì.

Mới đây, người dân gọi điện báo cơ quan công an đến bắt các đối tượng hút cát nhưng bất lực. Giữa tháng 3/2019, xã Đại Mạch cho người đổ cột sắt có xà ngang để khống chế chiều cao xe, không cho xe chở cát đi. Thế nhưng, ngay sau đó, các đối tượng đã phá khóa chốt cho xe chở cát chạy.

Chỉ có 4 mỏ cát được cấp phép

Ngày 10/10/2018, UBND huyện Đông Anh đã có phản hồi báo Tiền Phong về hiện tượng khai thác cát trái phép tại khu vực lạch sông Hồng, thôn Mai Châu, xã Đại Mạch. UBND huyện Đông Anh xác nhận, khi phát hiện có việc khai thác cát trái phép, người dân thông tin với chính quyền xã, công an đồn Kim Chung, Đội Cảnh sát kinh tế- Công an huyện Đông Anh để xử lý nhưng việc bắt quả tang vi phạm của các đối tượng hút cát trên sông gặp nhiều khó khăn, nên việc xử lý, răn đe thiếu hiệu quả. Từ đó hiện tượng khai thác cát trái phép tại khu vực này vẫn tái diễn.

Cuối tháng 5/2019, Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường thủy (Phòng CSGT Hà Nội) liên tiếp phát hiện, bắt giữ 2 vụ khai thác cát trái phép tại xã Cam Thượng (huyện Ba Vì) và xã Vân Hà (địa bàn huyện Phúc Thọ). Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chỉ là phần nổi “của tảng băng chìm”. Theo đó, việc công an thành phố Hà Nội ra quân liên tục để kiểm tra, xử lý “cát tặc” là chưa đủ. Để xử lý “cát tặc” rất cần sự phối hợp của các sở ngành liên quan, đặc biệt trong đó là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội) cho biết, Hà Nội đã không cấp phép mới các mỏ khai thác cát trong 1 thời gian dài. Hiện nay, chỉ có 10 mỏ cát còn hiệu lực giấy phép. Trong đó chỉ có 4 mỏ đủ điều kiện đang khai thác theo giấy phép, 1 đơn vị Sở Tài nguyên và Môi trường đình chỉ hoạt động do vi phạm pháp luật về khoáng sản, 5 đơn vị chưa hoạt động do chưa hoàn thiện thủ tục theo quy định và chưa có đường vận chuyển bằng đường bộ.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ có thêm 1 số mỏ cát qua thăm dò, đưa ra đấu giá công khai. Hiện nay, UBND thành phố đã phê duyệt kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng 6 mỏ cát trên địa bàn huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm. Dự kiến, thành phố sẽ tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ này vào quý III/2019.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ cát đã có kết quả thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản, đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

Sau đấu giá, Hà Nội hạn chế tối đa hoạt động khai thác cát lòng sông trái phép gây lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường và gây mất an ninh trật tự xã hội trên địa bàn thành phố hiện nay. Bên cạnh đó, đóng góp cho ngân sách thành phố một cách hiệu quả.

Được biết, 5 mỏ cát đã được thăm dò sắp đưa ra đấu giá thuộc huyện Ba Vì (Cổ Đô - 2 mỏ, Thanh Chiểu, Châu Sơn, Tây Đằng - Minh Châu) và mỏ Thượng Cát thuộc phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm).

Việc quản lý các mỏ cát sẽ được dựa trên các tiêu chí mốc giới, độ sâu, diện tích khai thác… Sở TNMT sẽ phối hợp với các sở ngành để kiểm tra, xử lý ngay nếu có tình trạng khai thác cát vượt quá khối lượng được cấp phép. Đại diện Sở TNMT khẳng định:  “Tất cả những điểm khai thác khác trên địa bàn đều là khai thác cát lậu. Khoáng sản chưa khai thác bị khai thác trộm, trách nhiệm trước hết thuộc về quận, huyện để việc khai thác trộm diễn ra trên địa bàn”.

Trong cuộc họp với các sở, ban, ngành về công tác quản lý hoạt động khai thác, tập kết cát trên địa bàn thành phố mới đây, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng nhận định, Hà Nội là nơi có nhu cầu sử dụng cát sỏi cao nhất cả nước. Lãnh đạo thành phố giao các sở ngành liên quan hướng dẫn, sớm đưa các mỏ đã đảm bảo điều kiện vào hoạt động để đảm bảo nhu cầu của xã hội.

MỚI - NÓNG