Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:

Ðể dịch tả lợn lây lan, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm

Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải “xắn tay” chỉ đạo ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi lây lan Ảnh: Bình Phương
Thủ tướng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch tỉnh phải “xắn tay” chỉ đạo ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi lây lan Ảnh: Bình Phương
TP - Ngày 4/3, tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế dịch tả lợn châu Phi (ASF) hiện đã xuất hiện tại 7 tỉnh thành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương “xắn tay” ngăn chặn dịch lây lan, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Chủ tịch UBND tỉnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Thủ tướng về phòng chống dịch trên địa bàn phụ trách.

Nguy cơ lây lan dịch từ Bắc vào Nam

Là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước công bố có dịch ASF, ông Nguyễn Hồng Diên, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, tỉnh đã yêu cầu lập ban chỉ đạo chống dịch đến 286 xã phường, thị trấn theo phương châm “xã giữ xã, huyện giữ huyện”. 

Thái Bình cũng lập chốt kiểm soát ở các đầu mối giao thông, cửa ngõ ra vào các ổ dịch. Tỉnh cũng áp dụng mức hỗ trợ khi huỷ lợn ở mức cao nhất là 38.000 đồng/kg và đến nay, các ổ dịch đã qua 25 ngày nhưng không có phát sinh ổ dịch mới.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, hiện thành phố có trên 400.000 đầu lợn, trong đó lợn nái chiếm 10%. Từ ca nhiễm đầu tiên (ngày 22/2), đến nay, dịch đã lan ra 9 xã, 3 huyện, với tổng số lợn phải tiêu huỷ là 1.300 con, tương đương 70 tấn thịt. Hải Phòng cũng áp dụng nhiều biện pháp cấp bách ngăn ngừa dịch lây lan và chi 4 tỷ đồng để mua hoá chất, hỗ trợ các hộ có lợn bị tiêu huỷ. Tuy nhiên, ông Tùng kiến nghị, hiện giá lợn nái trên 100 nghìn đồng /kg, nên đề xuất hỗ trợ gấp 2 lần so với mức hỗ trợ tiêu hủy lợn thịt.

Trong khi đó, dù chưa phát hiện có dịch ASF trên địa bàn, nhưng TPHCM cũng nằm trong diện “báo động đỏ” về dịch bệnh này, do nguồn thịt lợn được vận chuyển đến từ nhiều địa phương, kể cả các tỉnh phía Bắc. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TPHCM đã yêu cầu các lực lượng liên quan, tăng kiểm soát tại cơ cở giết mổ, kinh doanh thịt lợn, sản phẩm thịt lợn, cũng như tại tất cả các đầu mối giao thông.

Tuy nhiên, ông Tuyến cũng lo ngại, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ Bắc vào Nam rất cao. Đặc biệt, do chênh lệch giá lợn hơi, số lượng lợn nhập về TPHCM từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung và các tỉnh Đông Nam bộ rất lớn, trong đó có lợn từ địa phương có dịch như Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nội… Các nguồn lợn nguy cơ bán chạy vào các lò mổ ở TPHCM, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch.

“Chi phí hỗ trợ đảm bảo tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tránh tình trạng “tiêu hủy 5 con lợn thì khai 8 con, không có dịch mà nói có dịch. Cùng đó, cần giám sát thực hiện để bảo đảm đúng đối tượng, chống thất thoát, lãng phí hoặc lợi dụng chính sách”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thiếu tiền, thiếu cách làm hay vô ý thức?

Theo Bộ NN&PTNT, bệnh ASF xuất hiện tại Việt Nam từ ngày 1/2 và hiện lan ra 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy trên 4.200 con (khối lượng gần 300 tấn). Qua giải trình tự gene cho thấy, chủng virus ASF gây bệnh tại Việt Nam giống virus gây bệnh này tại Trung Quốc.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, nguy cơ ASF lan rộng là rất cao. “14,5 triệu con lợn ở 2,5 triệu hộ nuôi nhỏ lẻ. Có những xóm đông đặc vật nuôi. Nguy cơ cao kể cả điểm chăn nuôi tập trung lớn, chứ không ẩm ờ gì chỗ này nữa”- ông Cường nói.

Lo lắng trước nguy cơ lây lan dịch bệnh, Thủ tướng đặt hàng loạt câu hỏi với các bộ ngành, địa phương: Tại sao dịch bùng phát 1-2 tỉnh, nay đã là 7 tỉnh và có nguy cơ lan rộng? Nguyên nhân từ đâu, do vận chuyển, tiêu thụ hay tiêu hủy không đảm bảo? Có hiện tượng người chăn nuôi che giấu dịch bệnh không? Tại sao thương lái gia tăng số lượng vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam, đây có phải là nguyên nhân khiến dịch đi sâu vào các tỉnh phía Nam hay không?

Ðể dịch tả lợn lây lan, Chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm ảnh 1  Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề xuất hỗ trợ người dân có lợn tiêu hủy thấp nhất là 80% giá thị trường, lợn nái, lợn đực sinh sản gấp 1,5-1,8 lần giá lợn thịt

“Chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước pháp luật và Thủ tướng về ngăn chặn, không khống chế dịch tại địa phương”- Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính phải có hướng dẫn thanh toán khoản hỗ trợ kịp thời cho các địa phương. Bộ TT&TT đẩy mạnh tuyên truyền làm rõ tình hình, không gây hoang mang, quay lưng với thịt lợn sạch, ngành chăn nuôi bị ứ đọng. 

Về ý kiến ngăn chặn vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam, Thủ tướng cho rằng, cần kiểm soát tốt, chứ không ngăn chặn vận chuyển. Thủ tướng đồng ý mức 80% theo giá thị trường, lợn nái, lợn đực sinh sản có thể cao 1,5-1,8 lần giá thị trường như đề xuất của Bộ NN&PTNT.

Cùng đó, cần củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống thú y để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh trong hoàn cảnh hiện nay. “Vì thiếu tiền, thiếu cách làm hay vô ý thức để dịch lan ra”?- Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu người chăn nuôi thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

MỚI - NÓNG