Khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

Ðộc lập, chủ quyền là tối thượng

Các đại biểu và khách mời thực hiện nghi lễ chào cờ trước khi khai mạc kỳ họp
Các đại biểu và khách mời thực hiện nghi lễ chào cờ trước khi khai mạc kỳ họp
TP - Sáng 21/10, báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế-xã hội năm 2019 và kế hoạch phát triển năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình biển Ðông gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc các vùng biển của Việt Nam bị vi phạm nghiêm trọng.

Quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2019 dự kiến sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển, và là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Tốc độ tăng GDP cả năm ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Mô hình tăng trưởng chuyển dịch tích cực, giảm dần phụ thuộc vào khai khoáng và tăng tín dụng, đóng góp của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng.

Tuy nhiên, Thủ tướng thẳng thắn nêu ra những hạn chế yếu kém như ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số sông. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi còn buông lỏng, dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế. Xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trì trệ trong giải quyết công việc sau quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở không ít cơ quan, đơn vị.

“Ðảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”.

                Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Đối với vấn đề biển Đông, Thủ tướng cho biết, gần đây diễn biến phức tạp, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao. “Đảng và Nhà nước ta đã nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cho biết đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa; đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước. Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Cũng nêu vấn đề biển Đông tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, việc xảy ra vi phạm của các tàu Trung Quốc hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam thời gian qua là nghiêm trọng. Nhiều giải pháp đã và đang tiếp tục được thực thi, thể hiện lập trường, quyết tâm và nỗ lực của các cấp, các ngành trong vấn đề bảo vệ chủ quyền biển, đảo. 

Trước tình hình thực tế trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, quốc phòng, kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền; chủ động nắm, phân tích dự báo tình hình thế giới và khu vực để có chủ trương, đối sách phù hợp, nhất là các vấn đề biên giới, chủ quyền biển đảo, an ninh nông thôn, các vùng nhạy cảm.

Xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả

Nhấn mạnh năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ sẽ đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Khắc phục hiệu quả những hạn chế, tồn tại và có giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ hơn các trọng tâm cơ cấu lại về đầu tư công, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước. Thực hiện nghiêm việc cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn DNNN theo lộ trình; bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Ðộc lập, chủ quyền là tối thượng ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo Quốc hội tình hình kinh tế, xã hội. Ảnh: Như Ý

Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ khẳng định, trong năm 2020 sẽ xử lý kiên quyết, dứt điểm các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả. Tăng cường kỷ luật tài chính, ngân sách, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên và bảo đảm công khai, minh bạch. Bên cạnh đó, thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp đối với điện và các dịch vụ công thiết yếu…

Thủ tướng cũng khẳng định quyết tâm trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Đa dạng hóa các hình thức huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, thúc đẩy thu hút mạnh mẽ đầu tư tư nhân, hoàn thiện pháp luật về đối tác công tư.

Tán thành với các giải pháp trên, song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh lưu ý Chính phủ cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; thúc đẩy, tạo thuận lợi triển khai các dự án điện và dự án giao thông quan trọng; hoàn thiện khung pháp lý về giá điện hạ thế; chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản. Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; chú trọng phát triển nền tài chính toàn diện. Đẩy nhanh việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Năm 2019, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Mục tiêu năm 2020: GDP tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.