Ðón Tết trong nhà tù Hỏa Lò

Ðoàn đại diện các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày thành phố Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại Ðài Tưởng niệm Di tích Nhà tù Hỏa Lò (7/2017). Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.
Ðoàn đại diện các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt, tù đày thành phố Hà Nội chụp ảnh lưu niệm tại Ðài Tưởng niệm Di tích Nhà tù Hỏa Lò (7/2017). Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.
TP - Hoạt động bí mật trong nội thành Hà Nội, năm 1952 tôi bị giặc Pháp bắt và có lần đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ 1953 trong đề lao Hỏa Lò, một cái Tết độc đáo cho đến nay, sau 65 năm vẫn để lại trong ký ức nhiều kỷ niệm sâu sắc.

Nhà tù Hỏa Lò rộng lớn, tù chính trị bị giam giữ trong khu vực “trại trong” gồm các trại I, J, K, L, M, N, O, P…Từng trại được canh gác, quản lý chặt chẽ, nhiều lớp cửa khóa, xích, trấn song ken lưới sắt. Tất nhiên Ban liên lạc nhà tù dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng vẫn giữ vững quan hệ giữa các trại. Chính vì thế sếp đề lao phải thỏa mãn yêu sách mở cửa trại giam cho tất cả tù nhân được ra sân vui chơi trong sáng mồng một Tết Nguyên đán. Ðây là dịp duy nhất trong cả năm tù chính trị chúng tôi được gặp nhau, lấy cớ chúc tết vào thăm “nhà" nhau như sang trại giam tù nữ, hầm tối ca sô (không được vào thăm trại giam tù tử hình). Trại nào cũng có bàn thờ Tổ quốc. Ðúng giao thừa, tù nhân đứng nghiêm làm lễ chào cờ. Một đồng chí thay mặt Ban lãnh đạo đọc lời chúc tết và động viên anh em giữ vững niềm tin kháng chiến trường kỳ nhất định thắng lợi.

Ðúng giờ quy định, tất cả tù nhân ngồi giữa sân rộng dự liên hoan văn nghệ mừng xuân. Mở đầu, chánh giám ngục Toustou đọc diễn văn chúc mừng các tù nhân một năm mới khỏe mạnh sớm được về đoàn tụ với gia đình. Toustou cũng yêu cầu tù nhân không có những hoạt động chính trị trái với nội quy nhà tù. Vì thế khi dàn đồng ca trong đó có ca sĩ nổi tiếng Kim Tiêu và Trần Khánh hát bài ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh thì tuy không hiểu ý nghĩa bài hát nhưng chỉ nghe những âm thanh hào hứng “Hồ, Hồ Chí Minh”, Toustou đứng dậy ra về. Buổi liên hoan vẫn tiếp tục với những giọng ca quan họ, xẩm “Ai đem ta đến chốn này/Bên kia tòa án bên này xà lim” (tác giả Nguyễn Thị Hồng). Bấy giờ mới thấy Táo quân Hỏa Lò áo mũ vàng bạc lấp lánh (làm bằng giấy bạc, giấy màu cắt ra từ vỏ bao thuốc lá) bước ra, quỳ đọc giữa “thiên đình” lá sớ dài nhằm tố cáo chế độ khắt khe giam giữ tù nhân (được biết người thảo “giúp” lá sớ này là Lê Tám, Lê Văn Ba…). Lê Văn Ba còn đóng một vai trong vở kịch vui “Nực cười châu chấu đá xe/Tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng!” gián tiếp ca ngợi lực lượng kháng chiến của ta tuy ban đầu nhỏ yếu nhưng cuối cùng vẫn chiến thắng kẻ thù hùng mạnh cho dù có xe tăng máy bay Mỹ viện trợ. Buổi liên hoan còn có tiết mục xiếc do hai anh em Tạ Duy Tâm, Tạ Duy Ðoán biểu diễn. Cả hai anh đều là cháu lão nghệ sĩ xiếc Tạ Duy Hiển lừng danh cả xứ Ðông Dương trước năm 1945. Trên sân khấu có một màn đấu bốc (boxe). Toustou cũng là một võ sĩ quyền anh và trong thời gian này có Võ Tá Ðường, một võ sĩ nổi tiếng Hà Nội, không rõ anh dính áp phe nào, bị bắt giam chờ xử án. Chỉ tiếc Liên An không được tham gia biểu diễn dù đã từ án tử hình hạ xuống chung thân nhưng đang biệt giam chờ ngày đày ra Côn Ðảo. Liên An đã sáng tác bài hát tiễn đưa các tử tù ra trường bắn “Ai quên những tiếng giày/Ra đi lúc sớm ngày”…

Ðón Tết trong nhà tù Hỏa Lò ảnh 1 Một góc nhà tù Hỏa Lò xưa. Ảnh tư liệu.

Buổi liên hoan mừng xuân năm ấy cũng vắng mặt hai người. Ðó là Nguyễn Tân và Huyền Tâm. Các anh đều được tổ chức bố trí thoát khỏi nhà tù một cách kín đáo. Thoát khỏi Hỏa Lò, Nguyễn Tân trở lại ngay đơn vị chiến đấu. Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ tình cờ anh “bắt được” mấy tù binh, nào ngờ lại chính là bạn tù, trong số hàng trăm người tù Hỏa Lò bị Pháp cho máy bay chở lên Ðiện Biên xây dựng tập đoàn cứ điểm “bất khả xâm phạm”. Các anh nhập ngay vào đội ngũ trinh sát, từ trên núi cao chỉ cho pháo binh ta rót đạn chính xác từng lô cốt, hầm ngầm mà mình biết rành rọt. Và như thế, các anh đang là những tù Hỏa Lò vụt trở thành chiến sĩ giải phóng Ðiện Biên! Nhà văn Nguyễn Tân viết lại chuyện mình, chuyện bạn, tác phẩm được giải thưởng của ngành an ninh trong cuộc thi viết đề tài Công an nhân dân năm 1999.

1952-1953 là thời gian các hoạt động kháng chiến nội thành bị địch khủng bố dữ dội, là năm vỡ nhiều cơ sở, cán bộ cách mạng trong đó khá đông văn nghệ sĩ Hà Nội bị bắt, tra tấn, tù đày. Nhưng kẻ địch không thể ngờ từ trong đề lao Hỏa Lò, Lương Danh Hiền vẫn có thơ gửi đăng báo Tia Sáng (Hà Nội), Ðời Mới (Sài Gòn). Những câu thơ oán hận "Ai có thấy những đêm dài gió lộng/Mảnh chăn đơn nào đủ ấm thân tù?".

Ðón Tết trong nhà tù Hỏa Lò ảnh 2 Người tù chính trị bị cùm trong Hỏa Lò (tượng phục dựng). Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn.

Không thể nào quên những năm tháng hoạt động sôi nổi trong thời kỳ Hà Nội tạm bị chiếm, không thể nào quên những kỷ niệm sâu sắc trong tháng ngày bị kẻ thù giam giữ tù đày, nhà thơ Lê Tám đã để lại những dòng lưu bút tự hào:

Hạnh phúc lớn có một thời để nhớ/Những đêm xà lim lạnh buốt tim gan/Bao đồng đội ngày về không còn nữa/Nghĩa trang nào thơm ngát đỏ lương tâm…

MỚI - NÓNG