Ðọng mãi câu hò bên bến Hiền Lương

Lễ thượng cờ TNNS tại Di tích QGÐB Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải.
Lễ thượng cờ TNNS tại Di tích QGÐB Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải.
TP - Ðến hẹn lại lên, đều đặn mỗi năm một lần, bắt đầu từ năm 2000, suốt trong 2 ngày 30/4 và 1/5, Lễ hội Thống nhất non sông (TNNS), riêng có tại khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt (QGÐB) Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải ở Quảng Trị diễn ra…

Ký ức những dòng sông

Tôi nhớ tối 30/4 năm trước, tại bờ Nam sông Bến Hải, bên chân cầu Hiền Lương trong khuôn viên Di tích QGĐB Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải diễn ra Chương trình giao lưu nghệ thuật đặc biệt Quảng Trị-Ký ức những dòng sông. Chương trình nằm trong khuôn khổ Lễ hội TNNS nhân kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, 45 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị, 45 năm sự kiện Thành Cổ Quảng Trị bi tráng.

Qua kịch bản văn học của nhà văn Xuân Đức, Quảng Trị-Ký ức những dòng sông, với thời lượng 100 phút được dàn dựng dựa trên ý tưởng chủ đạo là câu chuyện quá khứ gắn liền hai con sông lịch sử trên mảnh đất Quảng Trị là sông Bến Hải và sông Thạch Hãn với nỗi đau chia cắt hai bờ Nam-Bắc, những bến đò và ý nghĩa hòa hợp dân tộc trong Ngày hội thống nhất non sông. Gắn liền ký ức của những dòng sông giới tuyến chính là ký ức về những bến đò. Những bến đò lịch sử có một không hai trên thế giới (chữ của Xuân Đức). Ấy là bến đò A ở Cửa Tùng, bến đò B làng Tùng Luật; bến Lũy, bến Thượng Đông, bến Dục Đức ở Vĩnh Sơn trên sông Bến Hải; bến vượt Nhan Biều, bến Như Lệ, bến Trà Liên và nhiều bến khác trên sông Thạch Hãn ở Triệu Phong, ở Thành Cổ Quảng Trị. Những bến đò đó cũng gắn liền với những người đưa đò thầm lặng bên những dòng sông trên đất Quảng Trị-một hình ảnh đã trở thành huyền thoại ở vùng đất lịch sử này. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, sông Bến Hải, cầu Hiền Lương là địa danh lịch sử, giới tuyến chia cắt đất nước, biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí và khát vọng thống nhất Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Ký ức về con sông, cây cầu với nhiều câu chuyện chưa được kể, nhiều nhân vật chưa được biết đến sẽ tạo nên những bất ngờ xúc động trong chương trình. Các nhân chứng lịch sử tham gia giao lưu trong chương trình ấy có ông Nguyễn Xuân Lý, Đại đội trưởng dân quân xã Vĩnh Giang (Vĩnh Linh) là đơn vị làm nhiệm vụ chèo đò chuyên chở bộ đội, lương thực, vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam và tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ; vợ chồng ông Trương Văn Lập, bà Hoàng Thị Quyên (thôn Tùng Luật, Vĩnh Giang, Vĩnh Linh). Các nhân chứng sống này hồi tưởng lại ký ức về những năm tháng chia cắt. Nhiều câu chuyện cảm động, trong đó không chỉ là ký ức cá nhân mà còn thuộc về lịch sử dân tộc lần đầu được chia sẻ…

Chương trình nghệ thuật bữa đó với các tiết mục nghệ thuật được dàn dựng hấp dẫn, mới mẻ góp phần ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc. Chương trình cũng là lời tri ân sâu sắc các anh hùng liệt sĩ thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ðọng mãi câu hò bên bến Hiền Lương ảnh 1 Ðón nhận bằng xếp hạng 2 Di tích QGÐB là Di tích lịch sử Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải và Di tích lịch sử Thành Cổ Quảng Trị, ngày 30/4/2014.

Khắc khoải một thời bên ven bờ Hiền Lương…

Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, vĩ tuyến 17 là nơi chia cắt hai miền Nam-Bắc dằng dặc ngót 20 năm (1954-1973). Xuân Đức, trung tá nhà văn quân đội nổi lên văn đàn với tiểu thuyết Cửa Gió. Rồi Tổng Biên tập tạp chí Cửa Việt tiếng tăm một thuở. Giờ ông hồi hưu tránh phố thị Đông Hà về định cư thị trấn biển Cửa Việt.

Xuân Đức, cựu chiến sĩ Trung đoàn 270, đơn vị bảo vệ giới tuyến trong cuộc trường chinh đánh Mỹ, là tác giả một bài văn tế đầy xúc động, được đọc trong Lễ hội TNNS lần thứ nhất-năm 2000. Ông cũng là tác giả ý tưởng, kịch bản của lễ hội này, nay đã được tổ chức dịp lễ 30/4 hằng năm tại đôi bờ sông Bến Hải, thu hút đông đảo đồng bào. “Bên nớ Cát Sơn, bên ni Tùng Luật mẹ bồng con khắc khoải ruột gan/ Nọ là Văn Xá, này là Hiền Lương vợ ngóng chồng chờ mong héo hắt/ Đem áo ra sông mà giặt, áo mòn dạ vẫn trinh nguyên/ Đem lưới xuống bến để phơi, lưới khô mắt thì đẫm huyết/ Tình trong lá thiếp một câu hò trên bến Hiền Lương”... Ấy là một đoạn trong bài văn tế Lễ hội TNNS rất xúc động, thể hiện sự đau đớn, day dứt , nỗi nhớ thương, khắc khoải của một thời hùng tráng bi thương được thể hiện qua tâm hồn của người chiến sĩ-nghệ sĩ Xuân Đức.

Ðọng mãi câu hò bên bến Hiền Lương ảnh 2 Nhà văn Xuân Đức.

Được Xuân Đức mách nước, chúng tôi về làng Xuân Hòa, xã Trung Hải áp Nam cầu Hiền Lương. Trần Thị Dĩnh, người phụ nữ “Đem áo ra sông mà giặt, áo mòn dạ vẫn trinh nguyên” trong đoạn văn tế của nhà văn đã về cõi tiên. Dân làng kể, nhà bà Dĩnh cách bờ sông Bến Hải khá xa. Ngày ngày, bà  lấy cớ ra bờ sông giặt áo để ngó sang bờ Bắc, mong được thấy người chồng  là hạ sĩ Công an vũ trang Trần Ngọc Châu đứng gác bờ bắc cầu giới tuyến này. Một lần áo quần giặt đã sạch mà bà chẳng thấy hình bóng chồng mình ở đâu nên cố nấn ná ở lại bằng cách giặt lại số quần áo để che mắt cảnh sát bờ Nam. Nhưng giặt mãi vẫn không thấy bóng chồng, lòng như lửa đốt nên bà vò đi, xát lại tới mức “Áo mòn dạ vẫn trinh nguyên”.

Ở khu phố Hòa Lý, thị trấn biển Cửa Tùng huyện Vĩnh Linh có ông Trần Đình Chước. Năm 1955, ông Chước là một trong những ngư dân ở 2 huyện Gio Linh, Triệu Phong vượt tuyến trốn sang miền Bắc thành lập Tập đoàn đánh cá miền Nam tại xã Vĩnh Quang, nay là thị trấn Cửa Tùng. Vợ con của các ngư dân này đa phần đều ở lại phía Nam. Nhiều lần thuyền đi đánh cá về, họ dừng lại bến cảng Cửa Tùng chăng lưới phơi với thời gian dài dài để ngước qua bờ Nam xem có thấy vợ con mình ra đứng đó ngóng nhìn trông đợi hay không...

Ðọng mãi câu hò bên bến Hiền Lương ảnh 3 Ðua thuyền trên dòng Bến Hải trong dịp Lễ hội TNNS. Ảnh: H.T.

Ở chợ Do, xã Vĩnh Tân của huyện Vĩnh Linh có bà Phan Thị Hoa làm nghề bán bún. Bà Hoa là con gái của ông Phan Văn Đồng, nguyên nhân viên Trạm Hải đăng Cửa Tùng thời đánh Mỹ. Bà Hoa bảo, những ngày ấy, chiều chiều sau giờ làm việc, ba tui hay ra đứng tựa gốc dừa bên bờ sông ngó về hướng Nam để phần nào dịu vơi đi nỗi nhớ vợ con da diết… Thời điểm đó, 2 nhạc sĩ Hoàng Hiệp và Đằng Giao đi thực tế chiến trường Vĩnh Linh-Bến Hải-Cửa Tùng biết được câu chuyện này để năm 1957 ra đời ca khúc tiêu biểu, sống mãi cùng năm tháng “Câu hò bên bờ Hiền Lương”. Bên ven bờ Hiền Lương, chiều nay ra đứng trông về. Mắt đượm tình quê, đôi mắt đượm tình quê...

“Lễ hội TNNS được tổ chức tại Khu di tích lịch sử QGÐB Ðôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, nơi chứng kiến nỗi đau 20 năm chia cắt đất nước, nơi biểu hiện cao nhất khát vọng thống nhất và đoàn tụ của dân tộc Việt Nam. Cây cầu Hiền Lương dài hơn 200 mét nhưng đồng bào 2 miền Nam-Bắc đã phải thực hiện cuộc trường chinh trong suốt 21 năm gian khổ để đất nước có một Ngày hội TNNS. Cây cầu nhỏ bé ấy là chứng nhân cho cuộc đấu tranh lâu dài, khốc liệt và oai hùng của toàn dân tộc ta; thể hiện ý chí, khát vọng và niềm tin vào ngày toàn thắng.

Nhà văn Xuân Đức

MỚI - NÓNG