Ðua xe F1 đòi hỏi rất cao về hạ tầng

Ðua xe F1 đòi hỏi rất cao về hạ tầng và tính an toàn
Ðua xe F1 đòi hỏi rất cao về hạ tầng và tính an toàn
TP - Ðua xe thể thức 1 (công thức 1 hay Formula one -F 1), giải đua dành cho xe có tốc độ cao nhất (360km/h), là môn thể thao có chi phí đắt đỏ nhất thế giới, hiệu ứng kinh tế của nó là rất rõ ràng. Các đòi hỏi về hạ tầng và tính an toàn rất cao, thiết kế đường đua có tác động rất lớn đến thành công hay thất bại của giải đua.

Theo trang formula1.com, địa điểm tổ chức một giải Grand Prix F1 phải đáp ứng các đòi hỏi rất cao về tính an toàn, phải được thiết kế để giảm thiểu tác động khi một chiếc xe bị văng ra khỏi đường đua. Các khu vực thoát hiểm (run-off zone) phải được bố trí xung quanh đường đua  để trong trường hợp khẩn cấp, có thể cứu sống tay đua và đảm bảo an toàn cho người xem. Hiểu đơn giản, đây là những khoảng đất trống ngay sát đường đua, được thiết kế để chủ động hay bị động giảm tốc một chiếc xe đua mất điều khiển và ngăn va chạm bằng các bức vách chắn giảm chấn. Ngày nay, người ta thường dùng các khoảng trống trải nhựa đường để giúp các tay đua có cơ hội giành lại thế kiểm soát chiếc xe. Trước kia, các bãi sỏi được sử dụng nhiều hơn. Mặc dù các bãi sỏi có tác động giảm tốc độ nhưng cơ hội để các tay đua giành lại kiểm soát chiếc xe là khá thấp, nguy cơ bị sa lầy lại rất cao. Tuy thế, trong một số trường hợp, một số góc cua nào đó, người ta có thể vẫn dùng đến sỏi. Đòi hỏi cho một cái “bẫy sỏi” trong sân đua F1 là thường phải có độ dày  25cm, viên sỏi có hình cầu, đường kính 5-16mm.

Nếu một chiếc xe đua bị kẹt lại trong bẫy sỏi ở vị trí nguy hiểm, ban tổ chức sẽ cho xe kiểm soát ra đẩy nó trở lại đường đua (với điều kiện nó vẫn có thể chạy tiếp). Một tình huống như vậy đã giúp Michael Schumacher chiến thắng trong giải đua năm 2003. Tay đua người Đức về thứ năm tại vòng đua ở Nurburgring năm đó, sau khi được trợ giúp thoát ra khỏi bãi sỏi và rồi kiếm được 4 điểm quý giá. Chung kết mùa giải, Schumacher đứng thứ nhất, chỉ hơn người thứ hai 2 điểm.

Đua xe F1, như đã nói ở trên, thường mang lại doanh thu lớn cho các nhà tổ chức, nhưng đòi hỏi về độ an toàn, đường đua, sân bãi rất cao. Đã có nhiều nơi trên thế giới tổ chức đường đua cho giải đua xe F1 nhưng không phải chỗ nào cũng thành công.

Tờ Guardian cho hay, từ Detroit (Mỹ) đến Uttar Pradesh (Ấn Độ), các đường đua được thiết kế chỉ để tồn tại trong thời gian ngắn với các góc cua buồn tẻ, các vấn đề về an toàn và chuyện tiền nong là những nguyên nhân chính khiến một số giải đua bị xem là thất bại.

Mặc dù được mệnh danh là “thành phố của ô tô”, là nơi sinh ra hãng xe Ford danh tiếng, nỗ lực của Detroit trong việc tổ chức một giải F1(1982-1988)  đã bị xem là đáng quên. Công việc xây dựng cho vòng đua khai trương năm 1982 bị xem là hài hước và lố bịch, các phiên đua thứ Năm và thứ Sáu đã bị hủy bỏ vì nhà tổ chức chưa sẵn sàng các công đoạn chuẩn bị và mọi thứ cứ rối tung lên từ lúc đó. Các khúc cua được thiết kế quá hẹp, đến mức chỉ cần về được tới đích đã là điều đáng mừng đối với mỗi tay đua.

Một thất bại khác phải kể đến là đường đua trên đường phố ở thành phố Valencia (Tây Ban Nha), trong giải GP châu Âu, tồn tại từ năm 2008 đến 2012. Thành phố này muốn sao chép cách Monaco tổ chức các giải đua xe trên phố vốn rất thành công. Nhưng tai họa là họ đã thất bại trong thiết kế một đường đua vừa thách thức vừa cuốn hút. Trong thực tế, đường đua chẳng thách thức cũng không cuốn hút: chỉ có vài chỗ cua hẹp, chữ chi nhỏ trong khi nhiều nơi lại bố trí các bãi thoát hiểm lớn. Đã vậy đường đua lại không có khoảng trống để một tay đua có thể tận dụng vượt qua xe đối thủ và kết quả là chỉ sau 4 năm, đường đua Valencia bị hủy bỏ.

Thiết kế kém cũng là nguyên nhân khiến đường đua ở thành phố Yeongam, tỉnh Jeolla, Hàn Quốc không tồn tại được lâu. Người ta nói các tay lái rất khó khăn để kết thúc vòng đua, do thiếu hạ tầng phù hợp. Xây dựng năm 2010, đến năm 2013, người ta đã phải cho phá bỏ đường đua.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.