Hai khuynh hướng trong Vietnam MotorShow

Hai khuynh hướng trong Vietnam MotorShow
Sẽ có nhiều luồng vốn đầu tư mới vào thị trường và xe công nghệ sạch sẽ chiếm lĩnh thị trường ô tô VN trong tương lai. Đó được xem là hai khuynh hướng chi phối Triển lãm ôtô VN 2006 (Vietnam MotorShow 2006).
Hai khuynh hướng trong Vietnam MotorShow ảnh 1
Mẫu xe mới của Honda Mudulo tại triển lãm Ôtô Việt Nam.

“Vì cuộc sống tốt đẹp hơn” là chủ đề của Vietnam MotorShow 2006, được các thành viên VAMA triển khai khá triệt để. Cuộc sống của người Việt Nam sẽ không ngừng được cải thiện nhờ nền kinh tế tăng trưởng năng động. Đó chính là tiền đề để các nhà sản xuất tung ra nhiều mẫu xe mới.

Đặc biệt, lần đầu tiên, tại một triển lãm ô tô tại Việt Nam, đã xuất hiện khá nhiều mẫu xe khảo sát, thăm dò (concept), như Toyota có Hilux Vigo, Ford Việt Nam có Equator, Honda có Civic Modulo, Isuzu có MU-7, Mercedes có A-Class...

Điều này cho thấy, Vietnam MotorShow 2006 đã thật sự là nơi giới thiệu công nghệ mới nhất của các hãng sản xuất và đưa ra các mẫu xe định hướng thăm dò thị trường, chuẩn bị cho bước đầu tư kế tiếp, hứa hẹn một tương lai tốt cho thị trường.

Điều này lý giải vì sao, dù thị trường được đánh giá ảm đạm, nhưng vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài thuộc mọi thứ hạng “nô nức” tìm đến thị trường Việt Nam khảo sát, đánh giá nhu cầu, tìm hiểu thông tin.

Theo một thành viên VAMA, mới đây, ông Carlos Ghosn, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hãng Nissan đã có chuyến thăm và khảo sát thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, Tập đoàn SYM (Đài Loan) mới được cấp phép bổ sung chức năng lắp ráp ô tô bên cạnh sản xuất xe máy.

Đó là chưa kể, tại Vietnam MotorShow 2006, xuất hiện khá nhiều chuyên gia khảo sát thị trường của các nhà cung cấp thiết bị, lắp ráp ô tô Trung Quốc nhằm tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, hợp tác tại Việt Nam.

Công nghệ sạch sẽ lên ngôi

Nếu như công nghệ sản xuất và khí thải thường được các thành viên “lơ là” trong các lần triển lãm và hội thảo trước, thì tại Vietnam MotorShow 2006, đây được xem là “át chủ bài” của một số đại gia nhằm khẳng định uy tín thương hiệu và định hướng đón đầu thị trường ô tô Việt Nam khi nước ta chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), bởi khi gia nhập WTO, các tiêu chuẩn về sản xuất và khí thải sẽ được điều chỉnh. Điều này hoàn toàn phù hợp với lộ trình tiêu chuẩn hóa ngành công nghiệp ô tô đang được Bộ Công nghiệp theo đuổi.

Từ định hướng này, Ford Việt Nam đã “rầm rộ” marketing cho “điểm nhấn” về công nghệ sử dụng nhiên liệu hỗn hợp xăng pha cồn (cồn được sản xuất bằng phương pháp lên men và chưng cất từ các loại ngũ cốc chứa tinh bột có thể chuyển hóa thành đường đơn như bắp, lúa mì, lúa mạch).

Theo đại diện của Ford Việt Nam, động cơ sử dụng nhiên liệu hỗn hợp xăng pha cồn có những lợi ích như “thân thiện” với môi trường (giảm các chất gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính), giúp giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ (đặc biệt trong bối cảnh giá dầu thô trên thế giới luôn biến động và nguồn dầu mỏ ngày càng cạn kiệt), tạo điều kiện phát triển, mở rộng ngành nông nghiệp. Động cơ này được Ford Việt Nam triển khai lắp ráp cho dòng xe Focus.

Xuất hiện trước Ford và tổ chức “PR” khá rầm rộ cho tiêu chuẩn về khí thải cao cấp của mình phải kể đến Mercedes-Benz Việt Nam, với một loạt tiêu chuẩn khí thải Euro 3 (đã được ứng dụng cho các dòng xe của MBV tại Việt Nam, trong khi tiêu chuẩn thị trường vẫn ở mức Euro 2).

Mặt khác, MBV còn hình thành thông điệp “bảo vệ môi trường” gắn kèm với nhãn hiệu MBV thông qua dòng A-Class Fuel-cell sử dụng công nghệ sạch, với lượng khí thải độc hại bằng 0.

Với công nghệ Blue Tec, Mercedes-Benz đã giới thiệu các động cơ diesel “sạch” nhất thế giới, thỏa mãn tiêu chuẩn Euro 4 và Euro 5 của châu Âu. Không những sạch hơn, BlueTec còn giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu tới 5%...

Rõ ràng, dù năng lực tiêu thụ, doanh thu của các thành viên VAMA có giảm đến 40% và sức mua của thị trường vẫn chưa hồi phục hoàn toàn, nhưng thị trường ô tô Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất “béo bở”.

Mặc dù khả năng tiêu thụ dưới 50.000 xe các loại mỗi năm, thị trường ô tô Việt Nam chưa bằng 1/10 của Thái Lan và đang xếp sau Malaysia, Philippines, Indonesia..., song tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam rất lớn.

Trong điều kiện hiện nay, mặc dù giá ô tô trong nước cao gấp 2 - 3 lần giá thế giới, trong khi thu nhập bình quân đầu người năm 2005 chỉ khoảng 640 USD/năm, nhưng người Việt bỏ ra đến hơn 1 tỷ USD/năm để mua xe mới. Đó chính là tiền đề khẳng định tiềm năng to lớn của thị trường ô tô Việt Nam trong tương lai.

Theo Bảo Giang
Đầu tư

MỚI - NÓNG