Khai tử xăng A95 - Nhiều hệ lụy khó lường

Tuy việc loại bỏ xăng A95, chỉ dùng xăng sinh học E5 A92 và E5 A95 mới chỉ là đề xuất của một nhà phân phối, nhưng cũng cần sớm phân tích rõ những nguy cơ thiệt hại khó lường cho người tiêu dùng, và xa hơn nữa là những tác động đến hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam.

Đề xuất loại bỏ hoàn toàn xăng khoáng A95 và thay thế bằng xăng E5 A95, tiến tới chỉ sử dụng xăng sinh học tại thị trường Việt Nam đến từ một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu - Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. HCM (Saigon Petro). Ý tưởng này được đưa ra khi doanh nghiệp cho rằng: “Sản lượng xăng sinh học bán ra sẽ không được như kỳ vọng”.

Nhiều đại diện doanh nghiệp có quan điểm đồng tình; Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đánh giá cao và khẳng định sẽ tổng hợp để báo cáo lãnh đạo Chính phủ.

Không thể vì kinh doanh mà ép buộc người dân

Từ đầu năm 2018, xăng sinh học E5 A92 chính thức được sử dụng tại Việt Nam, thay thế hoàn toàn xăng khoáng A92. Loại xăng sinh học này có một số ưu điểm nhất định, như giá thành thấp (so với xăng A92 cùng thời điểm), nhiên liệu phối trộn có sẵn từ các nhà máy sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, kèm với cũng có những hạn chế, như tiêu hao nhiên liệu nhiều hơn (so với xăng A92 thông thường), hiệu suất động cơ bị tác động (cồn Ethanol chỉ đạt hiệu suất sinh công khoảng 60% so với xăng khoáng do nhiệt lượng đốt cháy của cồn Ethanol không cao).

Khai tử xăng A95 - Nhiều hệ lụy khó lường ảnh 1 Việc hư hỏng động cơ (nếu có) sẽ không được hãng xe bảo hành nếu người tiêu dùng không sử dụng đúng nhiên liệu được khuyến cáo.

Đặc biệt, hiện trên thị trường có rất nhiều dòng ôtô hiệu suất cao được nhà sản xuất khuyến cáo sử dụng xăng A95. Chính vì vậy, không ít người dân đang tiếp tục lựa chọn xăng khoáng A95 để sử dụng, thay vì xăng sinh học E5, dù giá đắt hơn gần 2.000 đồng/lít.

Sự lựa chọn này của người dân cũng thể hiện ở báo cáo của Bộ Công Thương; theo đó, trong 2 tháng đầu năm 2018, tổng lượng xăng E5 RON 92 tiêu thụ nội địa đạt khoảng 1.429.905 m3, trong đó xăng E5 RON 92 đạt khoảng 593.609 m3, chiếm tỷ trọng khoảng 42%; xăng RON 95 đạt khoảng 836.296 m3, chiếm tỷ trọng khoảng 58%.

 Nhiều nhà sản xuất khuyến cáo sử dụng nhiên liệu là xăng khoáng

 Thị trường ôtô và xe máy Việt Nam hiện đang có rất nhiều dòng xe mà các nhà sản xuất khuyến cáo sử dụng xăng A95 (RON 95 - chỉ số Octane - chỉ số chống kích nổ sớm) trở lên, chủ yếu là các loại xe sử dụng động có có hiệu suất cao, với tỉ số nén lớn. Đối với ôtô, đó là các dòng xe sang như Mercedes-Benz, Lexus, BMW… Tương tự như vậy đối với các dòng xe máy/môtô có dung tích lớn, như Ducati, BMW, Harley-Davidson…, hay các dòng xe môtô mang thương hiệu Nhật Bản như Kawasaki, Honda, Yamaha…

 Ngay trong sách hướng dẫn sử dụng, các nhà sản xuất cũng khuyến cáo việc sử dụng xăng không đúng như chỉ định (từ A95 trở lên) sẽ khiến động cơ không đạt công suất tốt nhất, cũng như mức tiêu thụ nhiên liệu sẽ thay đổi.

 Trong khi đó, nếu chỉ có xăng sinh học (E5 A92 và E5 A95) mà trong quá trình sử dụng xe (bao gồm cả ôtô và xe máy, môtô), nếu có bất cứ vấn đề gì xảy ra với động cơ, người tiêu dùng sẽ mất quyền lợi bảo hành, bảo hiểm, do sử dụng nhiên liệu không đúng khuyến cáo của nhà sản xuất. Vậy ai sẽ gánh chịu thiệt hại về kinh tế này?

 Cũng sẽ có ý kiến cho rằng, nếu có sự thay đổi về nhiên liệu, các hãng sẽ phải nghiên cứu chế tạo ra các dòng xe đáp ứng tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, với một thị trường nhỏ, chưa phát triển như Việt Nam, gần như chắc chắn không thể khiến các hãng đầu tư lớn như vậy. Trong khi đó, những khó khăn về bài toán kinh doanh trên thị trường ôtô hiện nay, do sự thay đổi liên tục về chính sách, cũng đã đủ khiến các hãng đau đầu.

 Phải thay đổi toàn bộ thông tin quốc gia về tiêu hao nhiên liệu và khí xả

 Hiện nay, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang thực hiện việc kiểm soát tiêu chuẩn khí thải mức 4 đối với các dòng xe sử dụng động cơ xăng (từ 2017 và động cơ diesel từ 2018) theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg; cùng với đó là việc công bố mức tiêu hao nhiên liệu của theo Thông tư liên tịch số 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công Thương với mục đích cung cấp các thông tin liên quan đến loại nhiên liệu sử dụng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe đã được kiểm tra giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn xe tiết kiệm nhiên liệu.

Khai tử xăng A95 - Nhiều hệ lụy khó lường ảnh 2 Không vì khả năng kinh doanh của các công ty cung cấp mà để người dân không có sự lựa chọn trong tiêu dùng.

 Quy định này áp dụng với các dòng xe lắp ráp, sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên chiếc (bao gồm các dòng xe dùng cho mục đích quốc phòng, an ninh). Chính vì vậy, theo khuyến cáo của nhà sản xuất về nhiên liệu, Cục Đăng kiểm bắt buộc phải sử dụng các loại xăng đảm bảo đạt chuẩn (từ A95 - RON 95 trở lên) để sử dụng vào các phép thử theo quy định tại Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN6785:2015 để công bố các thông số về tiêu thụ nhiên liệu cũng như chuẩn khí thải.

Nếu như đề xuất chỉ cung cấp xăng sinh học E5 A92 và E5 A95 được thông qua, thì toàn bộ thông tin mà Cục Đăng kiểm công bố cho người dân sẽ không còn giá trị, bởi các thông tin thử nghiệm đã bị thay đổi.

 Đề xuất không kinh doanh xăng A95 cần được phải xem xét trên nhiều khía cạnh, bởi đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, không thể dùng tư duy ép buộc, độc quyền trong kinh doanh, đặc biệt là một ngành nhạy cảm và quan trọng như xăng/dầu.

Chưa kể, nếu đưa vào thực tế, đề xuất cũng sẽ gây ra nhiều xáo trộn không chỉ với đời sống mà với những hệ thống quy chuẩn khác, ảnh hưởng đến đời sống và mang lại những lãng phí của cải và vật chất cho xã hội. Những ý tưởng, đề xuất ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của người dân, cần phải được xem xét hết sức cẩn trọng, với những căn cứ khoa học thay vì những phát biểu bộc phát làm hoang mang dư luận.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.