Không được phép lưu hành xe không biển

Không được phép lưu hành xe không biển
TPO – Có hai trường hợp xe không biển, đó là xe mới mua chưa kịp đi đăng ký và xe... không chịu đi đăng ký.

Khi mua một chiếc xe mới, về nguyên tắc chủ xe cần phải đi đăng ký ngay để được cấp biển và có giấy tờ cần thiết. Nhiều người dân thắc mắc, như vậy xe mới mua, đặc biệt là ô tô, chưa được cấp biển và chưa kịp đi đăng ký thì có phạm luật không.

Theo các quy định của pháp luật, không được phép lưu hành xe không có biển. Tuy nhiên, nếu đi trong nội tỉnh, chủ xe có thể dán giấy ghi rõ “Xe mới nhận” và đồng thời ghi rõ thời gian quãng đường trên giấy, hóa đơn. Nếu cảnh sát giao thông kiểm tra đúng với những gì ghi trong giấy, sẽ không phạt chiếc xe. Tất nhiên chạy xe ra ngoài phạm vi hoạt động sẽ là vi phạm pháp luật.

Nếu nhận xe ở ngoài tỉnh và muốn chạy xe liên tỉnh để về địa phương đăng ký, chủ xe nhất thiết phải có biển tạm do CSGT cung cấp. Những biển tạm này đều có chữ T trên biển (16T, 30T, 52T ...). Những biển tạm này đi cùng với giấy đăng ký tạm thời sẽ có hiệu lực trong khoảng thời gian nhất định, thường là không quá 7 ngày.

Trong 7 ngày này, chủ xe phải đưa xe về địa phương để tiến hành làm thủ tục đăng ký nhận biển mới. Nếu biển tạm hết hiệu lực, chiếc xe lưu thông sẽ là vi phạm pháp luật.

Chiếc xe đã làm thủ tục đăng ký và chờ cấp biển sẽ có giấy hẹn lấy đăng ký của cơ quan công an, thông tin trên giấy hẹn sẽ là cơ sở để CSGT xử phạt chiếc xe. Nếu chiếc xe trong thời hạn của giấy hẹn và đang chờ được cấp biển thì sẽ không bị phạt, tối đa là 30 ngày. Nếu chiếc xe chạy quá thời hạn quy định mà vẫn chưa lấy biển sẽ bị coi là vi phạm pháp luật.

Những trường hợp khác đều bị coi là vi phạm pháp luật và cơ quan công an có quyền phạt hành chính, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe hoặc tạm giữ chiếc xe để xử lý. Sử dụng xe quá thời hạn biển tạm, quá thời hạn cấp biển hay sử dụng biển giả là những trường hợp chủ yếu.

Dù được nhiều cảnh sát giao thông thông cảm và bỏ qua, nhưng về nguyên tắc đây vẫn là hành vi vi phạm pháp luật.

Về nguyên tắc, việc lưu hành xe không biển và không có giấy phép là vi phạm pháp luật và cần phải xử lý nghiêm minh, bởi nếu cho lưu hành tự do những chiếc xe chưa được kiểm soát này, sẽ rất khó cho cơ quan điều tra nếu chiếc xe liên quan đến những vụ án như cướp xe, gây tai nạn rồi bỏ trốn, hay thậm chí mang xe sử dụng làm phương tiện gây án...

Xử phạt với ô tô:

Điều 19, Mục 3, Chương 2, Nghi dinh so 34-2010 ND-CP ngay 02-4-2010

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có Giấy đăng ký xe, đăng ký rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc theo quy định;

b) Không gắn biển số (nếu có quy định phải gắn biển số);

c) Không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy định phải kiểm định) hoặc có nhưng đã hết hạn (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép;

b) Điều khiển xe quá niên hạn sử dụng tham gia giao thông (nếu có quy định về niên hạn sử dụng);

c) Điều khiển loại xe tự sản xuất, lắp ráp (bao gồm cả xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông);

d) Điều khiển xe gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

đ) Sử dụng sổ chứng nhận kiểm định, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

6. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều này bị buộc phải lắp đầy đủ hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; tháo bỏ những thiết bị lắp thêm không đúng quy định;

b) Vi phạm khoản 3 Điều này buộc phải khôi phục lại tính năng kỹ thuật của thiết bị hoặc thay thế thiết bị đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày;

c) Vi phạm khoản 4 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày;

d) Vi phạm điểm d, điểm đ khoản 5 Điều này bị tịch thu sổ chứng nhận kiểm định, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe, biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày;

đ) Vi phạm điểm b, điểm c khoản 5 Điều này bị tịch thu phương tiện và bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 (sáu mươi) ngày.

Xử phạt với xe máy:

Điều 20, Mục 3, Chương 2, Nghi dinh so 34-2010 ND-CP ngay 02-4-2010

3. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có Giấy đăng ký xe theo quy định;

b) Sử dụng Giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp;

c) Không gắn biển số (nếu có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với số hoặc ký hiệu trong Giấy đăng ký; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xe đăng ký tạm hoạt động quá phạm vi, thời hạn cho phép;

b) Điều khiển xe tự sản xuất, lắp ráp.

5. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Vi phạm điểm a khoản 2 Điều này bị tịch thu còi;

b) Vi phạm điểm b, điểm c khoản 3 Điều này bị tịch thu Giấy đăng ký, biển số không đúng quy định;

c) Vi phạm điểm a khoản 4 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày;

d) Vi phạm điểm b khoản 4 Điều này bị tịch thu xe và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 (sáu mươi) ngày.

Theo Viết
MỚI - NÓNG