Sao nội chơi sang

Sao nội chơi sang
TP - Cưỡi những chiếc xe hàng tỷ đồng, sở hữu những loại điện thoại trị giá bằng cả… chiếc xe máy, xài sim độc, quần áo hàng hiệu… là hình ảnh quen thuộc của một số cầu thủ thuộc hàng sao của bóng đá Việt Nam hiện nay.
Sao nội chơi sang ảnh 1

Bất chấp cơn bão khủng hoảng đang đe dọa nền kinh tế thế giới, đồng tiền vẫn đang nhảy múa cùng bóng đá Việt Nam. V-League sau tám năm hình thành, phát triển, vừa chứng kiến hàng loạt kỷ lục tiền bạc bị phá vỡ.

Dẫn đầu là cú áp phe của T&T Hà Nội, giải cứu Công Vinh từ Thể Công. Để thắng trong cú áp phe này, tân binh V-League T&T Hà Nội đã phải chi tới bảy tỷ đồng cho riêng Công Vinh.

Thấp hơn Công Vinh, Thanh Bình đến HA. Gia Lai từ Đồng Tháp với ba tỷ đồng lót tay. Con số tương tự cũng được Thể Công chi cho Xuân Hợp, XM.Hải Phòng trả cho Minh Đức.

Ngoài ra, các cuộc chuyển nhượng ở V-League và cả hạng Nhất đều ngót nghét tới một tỷ đồng, con số mà theo tính toán của nhiều người, là tiền lãi mà một doanh nghiệp nhỏ phải vất vả cả năm mới có được.

Kèm theo mức lót tay khổng lồ kể trên, mức lương mà các CLB chi trả liên tục bị phá trần. Trước đây mức lương 25 triệu đồng mà Đà Nẵng từng trả cho Huỳnh Đức được ngầm hiểu là giá trần cho cầu thủ nội.

Mùa giải 2009, Công Vinh đã phá sâu con số này khi anh nhận được 50 triệu đồng mỗi tháng ở T&T Hà Nội hay như Minh Đức ở Hải Phòng được trả tới 32 triệu đồng/tháng.

Ngoại trừ những ngôi sao nổi bật như Công Vinh, tất cả các thành viên của tuyển Việt Nam từng giành danh hiệu vô địch AFF Cup 2008, hoặc những cầu thủ được xem là trụ cột của các đội bóng đang chơi ở V-League đều nhận không dưới 20 triệu đồng/tháng.

Lương chỉ được giới cầu thủ xem là phần cứng bởi trên thực tế, khoản thu mềm có thể đến mỗi tuần. Một năm trước, HA.Gia Lai gây sốc khi chi tới một tỷ đồng tiền thưởng cho trận thắng ĐT. Long An ở V-League. Con số thưởng ở Thể Công, Bình Dương, XM.Hải Phòng, ĐT.Long An… cho những trận thắng quan trọng cũng trên dưới nửa tỷ đồng.

Lương cao, thưởng hậu, cầu thủ Việt Nam chính là giới thu nhập cao nhất so với bất cứ ngành nghề nào.

Những thú chơi sang

Ngoài thú chơi xe, các cầu thủ còn có sở hữu những điện thoại đắt tiền. Công Vinh đang sở hữu chiếc Vertu trị giá ngang với một chiếc xe máy.

Điện thoại đẹp, sim phải độc, các cầu thủ Thể Công được mệnh danh là đội bóng tứ quý tám bởi họ sở hữu những sim điện thoại toàn số tám.

Tứ quý, phát tài phát lộc, số tiến, thần tài - những dãy số ưa chuộng nhất có thể dễ dàng tìm thấy ở giới cầu thủ Việt Nam.

Lương, thưởng cứ đều đặn chảy vào tài khoản mỗi tháng, giới cầu thủ thỏa sức tiêu xài. Thú chơi được giới cầu thủ chuộng nhất là chơi xe. SH, Dylan… những dòng xe tay ga được xem là sành điệu của giới trẻ chỉ là chuyện vặt với giới cầu thủ.

Những dòng xe được xem là tầm trung hiện nay như Innova, Grandis với giới cầu thủ đã là chuyện quá khứ. Hai năm trước Minh Phương, Tài Em, Santos từng khiến thị xã Tân An, Long An giật mình khi cả ba phóng ba chiếc Innova tới sân tập.

Sành điệu nhất phải kể đến thủ môn Dương Hồng Sơn với chiếc Audi Q7 - loại xe được xem là hot nhất ở thời điểm hiện nay.

Không có mác tuyển như Hồng Sơn nhưng thủ môn Mạnh Dũng cũng chẳng hề kém cạnh người đồng nghiệp khi anh đang sở hữu chiếc Lexus RX350. Thủ môn dự bị cho Mạnh Dũng là Vũ Dũng ở Thể Công cũng từng đi BMW X5.

Thấp hơn một chút, trung vệ Huy Hoàng của Sông Lam Nghệ An vẫn chung tình với chiếc Honda CRV có giá tới 70.000 USD từ thời điểm cuối năm 2007.

Thu nhập cao, tiêu xài xa xỉ là điều dễ hiểu nhưng không biết trong số những người đang phóng tay cho thú chơi, có ai nghĩ đến tương lai khi họ treo giầy, trở về với đời thường với mức thu nhập cũng bình thường như bao người lao động khác?

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.